Xác định vị trí và quy mô
Các nước phát triển thành công hệ thống TT logistics rất coi trọng việc xác định vị trí và quy mô phát triển TT logistics. Các nước này đều lựa chọn vị trí TT logistics nằm gần các đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế cũng như nằm gần các trung tâm kinh tế-thương mại lớn. Các TT logistics của Hà Lan, TT logistics GVZ Bremen của Đức và Singapore đều nằm ở những vị trí rất thuận lợi, gần các bến cảng, tạo điều kiện tối đa hoá thời gian và chi phí vận tải hàng hoá giữa các khu vực.
Các TT logistics đều được xây dựng với quỹ đất rộng để phục vụ lượng hàng hóa thông qua lớn và hướng đến vai trò là TT logistics mang tầm quốc tế. Trung tâm logistics cảng biển Rotterdam của Hà Lan là một cụm gồm 3 trung tâm trong đó Eemhaven Distripark có diện tích là 65 ha, Maasvlakte Distripark là 125 ha, Botlek Distripark là 104 ha. Trung tâm logistics GVZ Bremen của Đức có diện tích khoảng 496 ha.
Tuy nhiên, quy mô TT logistics cần phải được tính toán sao cho phù hợp với xu hướng phát triển lâu dài của TT logistics, quy mô vượt quá xa nhu cầu sử dụng thực tế sẽ lãng phí quỹ đất, đọng vốn do khai thác không hết năng suất. Ngược lại, nếu diện tích cho trung tâm nhỏ sẽ cản trở sự phát triển của TT logistics. Điển hình là TT logistics GVZ Bremen, mặc dù là một trong những TT logistics thành công nổi bật tại châu Âu với diện tích là 496 ha và hơn 1,2 triệu m2 kho, nhưng không thể phát triển thêm được nữa. Nhu cầu liên tục tăng nhưng không thể mở rộng thêm quy mô nên giá thuê TT logistics GVZ Bremen ngày càng cao, tác động rất lớn tới năng lực cạnh tranh của trung tâm cũng như cản trở sự phát triển bền vững lâu dài của GVZ Bremen.
Về cơ chế chính sách
Xây dựng và phát triển TT logistics là một loại hình đầu tư đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao mà chủ yếu là mang lại lợi ích cho kinh tế-thương mại của một thành phố, một vùng kinh tế, một quốc gia đó. Chính vì vậy, cần phải có cơ chế chính sách riêng đặc thù để thu hút đầu tư, tối đa nguồn lực, thúc đẩy phát triển các TT logistics.
Phần lớn các nước phát triển thành công đều áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng và chính sách thuế hấp dẫn để thu hút đầu tư vào các TT logistics và các khách hàng đến khai thác kinh doanh tại các TT logistics. Ngay từ năm 2001, Chính phủ Singapore cũng đã nghiên cứu xây dựng và áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi, đặc biệt là cơ chế thuế cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư và các doanh nghiệp đến xây dựng và khai thác các TT logistics của quốc đảo này. Các TT logistics Nhật Bản phần lớn được xây dựng trong các khu thương mại FAZ nên được hưởng nhiều ưu đãi về đầu tư và phát triển thương mại đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp đến kinh doanh khai thác và sử dụng dịch vụ TT logistics, tạo nguồn khách hàng lớn và ổn định bền vững cho các TT logistics Nhật Bản.
Trả lời