Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, Nhà nước đã chủ động vận dụng có hiệu quả hơn các công cụ pháp luật, kế hoạch định hướng, chính sách và các công cụ đòn bẩy khác. Trong đó, việc đổi mới các chính sách về giá cả, thuế, đầu tư, lưu thông, xuất nhập khẩu… cũng như việc ứng dụng những thành tựu khoa học – kỹ thuật mới có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy hoạt động thương mại nói chung, sản xuất hàng hóa xuất khẩu nói riêng phát triển với tốc độ ổn định và bền vững.
+) Chính sách tỷ giá và các đòn bẩy
Đây là nhân tố ảnh hưởng sâu sắc đến quy mô và cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Chính sách tỷ giá hối đoái thuận lợi cho xuất khẩu là chính sách duy trì tỷ giá tương đối ổn định ở mức thấp (đồng nội tệ có tỷ giá tương đối thấp so với đồng ngoại tệ). Trong trường hợp ngược lại sẽ khuyến khích nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu.
Bên cạnh việc xóa thuế xuất khẩu và hạn ngạch xuất khẩu, trợ cấp xuất khẩu cũng được coi là một trong những biện pháp có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ việc mở rộng xuất khẩu các mặt hàng được khuyến khích xuất khẩu. Việc trợ cấp xuất khẩu có thể được thực hiện thông qua việc giảm lãi suất đối với vốn vay phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
+) Chính sách giá sản phẩm phục vụ sản xuất hàng nông sản xuất khẩu
Trong thực tế, giá xuất khẩu phù hợp với chi phí thị trường sẽ bằng giá trong nước, nếu loại trừ các chính sách điều tiết của Nhà nước. Lúc này, giá xuất nhập khẩu cung cấp chuẩn mực về chi phí tiêu thụ hay sản xuất sản phẩm để so sánh ngược trở lại với giá cả hình thành trong nước. Đối với công tác hoạch định chính sách giá, để xây dựng và đi đến quyết định một mức giá cụ thể của một loại hàng hóa thì phải xem xét
tới rất nhiều yếu tố cả về thị trường trong nước và thị trường ngoài nước. Việc hoạch định chính sách giá sản phẩm chính xác sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản bởi vì giá xuất khẩu – giá mà một nước nhận được từ xuất khẩu một hàng hóa – truyền tín hiệu này tới những doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trong nước thông qua hệ thống thị trường theo đó, chính sách về thị trường, về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng được mở rộng và phát triển theo.
+) Chính sách đầu tư, tín dụng thương mại tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu
Theo Ngô Thắng Lợi (2013) đã trình bày những tư tưởng kinh tế của Keynes,sự có mặt của các chủ ngân hàng sẽ kích thích các doanh nghiệp, người đầu tư sản xuất tăng cường quản lý sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và tích cực đầu tư. Nhiều nước đang phát triển đã chấp nhận và thực hiện công thức của Keynes. Đối chiếu với lý thuyết kinh tế tân cổ điển, kinh nghiệm của các nước đi trước đã xây dựng một số nền tảng của hệ thống tín dụng nông nghiệp có hiệu quả.
Việc thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng với thương mại nói chung và xuất khẩu hàng nông sản nói riêng sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng xuất khẩu hàng nông sản của quốc gia, và để chính sách này thực hiện hiệu quả cần quan tâm tới các vấn đề sau:
+ Quan tâm đầu tư tín dụng cho công tác nghiên cứu khoa học, đưa giống mới, kỹ thuật cao, khuyến nông, thuỷ lợi, phát triển thị trường và đào tạo chuyên môn cho người sản xuất hàng hóa xuất khẩu;
+ Củng cố kỷ luật tài chính của các doanh nghiệp sản xuất, công – nông nghiệp chế biến xuất khẩu và các ngân hàng để tạo sự lành mạnh về tài chính phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
+) Chính sách ruộng đất:
Thực hiện hiệu quả chính sách ruộng đất (giao đất cho người dân, quyền sử dụng đất lâu dài, ổn định) sẽ tạo sự yên tâm và tạo ra động lực khuyến khích các hộ sản xuất sản phẩm nông sản nói chung và nông sản xuất khẩu nói riêng thúc đẩy hoạt động sản xuất, việc mở rộng sản xuất của các hộ tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô xuất khẩu hàng nông sản cho quốc gia.
Trả lời