Bắt đúng bệnh nhưng không chữa được bệnh. Đó là vấn đề của Chính phủ trong phát triển kinh tế trang trại. Chính phủ biết rõ nông dân thiếu gì nhưng chính sách đưa ra lại không thể đem lại cho người dân cái họ đang cần.
Tín dụng đòi sổ đỏ, thầu đất cũng đòi sổ đỏ
Từ những năm 2000, Nghị quyết 03 của Chính phủ đã xác định hai điểm hạn chế đang kìm hãm sự phát triển kinh tế trang trại đó là vốn và đất sản xuất. Thời đó, hầu hết các trang trại đều sản xuất bằng vốn tự có, quy mô nhỏ dưới mức hạn điền.
Nhằm giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, quan điểm Nghị quyết Chính phủ là phải giao đất lâu dài cho chủ trang trại, cho thuê đất ngoài hạn điền và được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc được vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại theo phương pháp sử dụng tài sản hình thành từ tiền vay để đảm bảo nguồn vốn vay.
Mặc dù nội dung giao đất lâu dài cho chủ trang trại trong Nghị quyết Chính phủ đã được đưa vào Luật Đất đai 2003 và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại yêu cầu hỗ trợ tín dụng cho các chủ trang trại nhưng cho đến nay, trải qua 13 năm, cả hai “nút thắt” về đất sản xuất và tín dụng đều chưa thể tháo gỡ.
Huyện Yên Lạc là địa phương có số lượng trang trại tăng nhanh nhất tỉnh Vĩnh Phúc, hiện có khoảng trên 800 trang trại. Để tìm hiểu, trong những năm qua nông dân ở đây nhận được hỗ trợ chính sách như thế nào của tỉnh, huyện, chúng tôi về thị trấn Yên Lạc nơi được đánh giá phát triển kinh tế trang trại khá mạnh.
Tuy nhiên kết quả không được như mong đợi, ngay cả những nơi trang trại phát triển, phần lớn là nhờ điều kiện khách quan đem lại, về chủ quan nông dân vẫn phải tự tìm tòi giải pháp cho riêng mình.
Trang trại gia đình ông Dương Văn Tiến tại xóm Chợ, thị trấn Yên Lạc đang đấu thầu sử dụng gần 3 ha mặt ruộng và ao tại xứ đồng khu 1. Đầu tư chăn nuôi trang trại theo mô hình tổng hợp vừa trồng trọt, vừa chăn lợn, nuôi vịt, thả cá…, ông Tiến cho biết làm nghề chăn nuôi luôn cần vốn để đảm bảo nguồn thức ăn cho cả chu kì.
Chăn nuôi càng lớn vốn thức ăn càng nhiều. Cứ 1 đầu lợn tới khi xuất chuồng phải chi khoảng 3 triệu tiền cám, 100 con tổng chi phải 300 triệu. Đó là chưa kể tiền vốn để gây đàn lợn nái, thức ăn nuôi nái. Việc tiếp cận nguồn vốn vay đối với hầu hết các chủ trang trại nơi đây cũng rất khó khăn bởi mỗi gia đình chỉ có 1 quyển sổ đỏ đất ở nhưng đấu thầu đất sản xuất của HTX là phải “cắm” sổ đỏ, ngân hàng cũng chỉ cho vay khi nắm sổ đỏ.
Vậy nên, chủ trang trại phải ưu tiên sổ đỏ của gia đình để đấu thầu đất sản xuất trước rồi mới tính đến việc xoay xở nguồn vốn đầu tư. Không chủ động được nguồn vốn, ở đây đã xảy ra nhiều trường hợp “đứt vốn” giữa chừng phải vay nóng, phải nợ cám…
Nhắc đến lãi suất của việc vay nóng, nợ cám thì ông Tiến lắc đầu chán nản: “Ít nhất phải mất 7% giá trị bao cám. Mỗi con lợn sẽ mất thêm 200 ngàn, 100 con mất thêm 20 triệu. Lứa lợn mất đi ngần ấy thì còn lãi lời gì?”.
Chăn nuôi suốt 10 năm qua ông Tiến chưa từng vay được một nguồn vốn tín dụng ưu đãi nào. Để có tiền đầu tư ông buộc phải mượn sổ đỏ của họ hàng, người thân trong gia đình đem thế chấp. Không hề có chuyện chủ trang trại được sử dụng tài sản hình thành từ tiền vay để đảm bảo nguồn vốn vay.
Thầu đất có thời hạn, đầu tư thế nào?
Cuối năm 2013 này, HTX nông nghiệp TT Yên Lạc sẽ tổ chức đấu thầu lại đất sản xuất đã giao. Ông Tiến đã tát ao thu cá, bán hết lứa lợn với giá 48.000 đồng/kg, chỉ còn đàn vịt vẫn có thể lớn nên ông nấn ná còn chưa xuất. Nhìn chung, vụ thu hoạch này gia đình thắng lợi nhưng ông Tiến vẫn tỏ ra lo lắng trước phiên đấu thầu đang cận kề.
Theo quy định quản lý đất công ích của Chính phủ thì thời hạn đấu thầu đất là 5 năm. Thời gian qua, ông Tiến đã đầu tư xây chuồng trại, lều canh trang trại, tôn tạo bờ ao tốn khá nhiều tiền của giờ tổ chức đấu thầu lại ông phải tìm mọi cách để “thắng” thầu. Tất nhiên, khi đầu tư xây dựng chuồng trại, ông đã lường trước đến ngày này nên đã hạn chế tối đa các khoản đầu tư chưa thực sự cần thiết đồng thời có phương án bảo vệ tài sản.
Phần chuồng trại được xây ngoài diện tích đất phải đấu thầu và đã làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng với chủ cũ. Trong trường hợp rủi ro nhất không trúng thầu thì ông Tiến vẫn có thể tiếp tục sử dụng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế sẽ kém hơn nhiều vì không thể tận dụng phân, cám bã, nông sản thừa làm thức ăn cho cá.
Ngoài ra, mỗi lần tổ chức đấu thầu lại HTX đều thay đổi những quy định về tiền đấu thầu. Lần sau bao giờ cũng cao hơn lần trước, ông Tiến không khỏi băn khoăn hạn mức lần này là bao nhiêu?
Chứng nhận trang trại, nông dân được gì?
Trở lại chủ trương phát triển trang trại, Chính phủ đã có quy định cụ thể các tiêu chí cũng như quy trình để cấp Giấy chứng nhận trang trại. Người chăn nuôi sản xuất tập trung có thể đăng kí với cấp xã, cấp huyện xin chứng nhận trang trại.
Khi chính sách này mới đưa vào thực hiện, nhiều chủ trang trại hào hứng làm thủ tục xin chứng nhận với hy vọng được chính quyền địa phương ưu ái giao đất lâu dài hoặc có thể dùng trang trại để vay vốn. Nhưng sau khi cầm giấy Chứng nhận trang trại trong tay mà định kì 5 năm vẫn phải đấu thầu đất sản xuất, trang trại không thể thay sổ đỏ các chủ trang trại mới nhận ra mình bỏ công, bỏ việc đi làm giấy Chứng nhận trang trại là hành động hoàn toàn vô nghĩa.
Nói về tiêu chí để được cấp giấy Chứng nhận trang trại, thì ông Phạm Văn Thuận, bạn chăn nuôi cùng ông Tiến và hầu hết nông dân chăn nuôi ở khu 1, thị trấn Yên Lạc đều thuộc vanh vách. Bản thân ông Thuận cũng nhận thầu hẳn một dòng chảy qua xứ đồng, nuôi 20 lợn nái và 100 lợn bột.
Đạt tiêu chí để nhận giấy Chứng nhận trang trại nhưng cán bộ Phòng NN- PTNT huyện xuống tận nơi bảo đăng kí sau này tất có lợi, ông cũng không làm. “Chính sách ở tận đâu chứ đến với chúng tôi thì còn lâu lắm. Trang trại của tôi làm được 7 năm rồi mà cán bộ thú y mới xuống được một lần.
Vacxin phòng dịch được tiêu chuẩn tiêm miễn phí nhưng hôm rồi mà không có cán bộ trên tỉnh xuống kiểm tra thì chúng tôi vẫn phải tự tiêm dịch vụ. Chúng tôi chẳng dám trông đợi gì đâu chú ạ, mình tự làm, tự ăn thôi”. Ông Thuận chia sẻ.
Để lại một bình luận