Để ổn định và phát triển kinh tế trong từng thời kỳ, Chính phủ đã xây dựng và ban hành các chính sách vĩ mô có tác động tích cực hoặc tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Chính sách thúc đẩy đầu tư chứng khoán thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Cụ thể:
– Các chính sách về khuyến khích thu hút đối với nhà đầu tư chứng khoán chưa đủ sức hấp dẫn, thiếu sự tuyên truyền hiểu biết về hoạt động đầu tư chứng khoán: i) Số lượng các nhà đầu tư mặc dù tăng hàng năm nhưng tốc độ không cao và con số này quá khiêm tốn so với tiềm năng. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước mở mới lớn, gia tăng nhưng số lượng các tài khoản có hoạt động giao dịch không nhiều. ii) Nhà đầu tư tổ chức còn thiếu đa dạng, chủ yếu các quỹ có nguồn vốn nước ngoài mà chưa huy động hiệu quả được nguồn lực trong nước, các sản phẩm huy động vốn của các quỹ còn khá đơn giản, chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư tham gia; các loại hình đầu tư có tổ chức còn đơn điệu, chưa có sự tham gia của các quỹ bảo hiểm, hữu trí, nơi có thể huy động một lượng vốn đáng kể cho thị trường chứng khoán. iii) Nhà đầu tư tổ chức chưa thể hiện vai trò định hướng thị trường. Điều này thể hiện khi thị trường đi xuống hay có những biến động bất ổn, các tổ chức đầu tư chưa thể hiện rõ nét vai trò và khả năng định hướng thị trường.
– Chính sách đối với các công ty phát hành chứng khoán chưa thật sự hiệu quả, thiếu cơ chế chính sách khuyến khích phát hành niêm yết chứng khoán: để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia trên thị trường chứng khoán và TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế thì Quốc hội đã thông qua Luật chứng khoán năm 2006, sửa đổi năm 2010, sẽ tiếp tục sửa đổi 2018 và Chính phủ, các Bộ có liên quan đã ban hành các quy định về chào bán chứng khoán, niêm yết chứng khoán, hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, Chính phủ thực hiện tái cấu trúc DNNN giai đoạn 2011-2020 nên số lượng công ty phát hành chứng khoán, hàng hóa trên thị trường ngày càng tăng. Tuy nhiên, số cổ phiếu phát hành, giá trị phát hành là con số khiêm tốn so với tiềm năng. Nhiều công ty phát hành chứng khoán chưa thực hiện tốt các quy định về hoạt động niêm yết chứng khoán, công bố thông tin chứng khoán, chào bán chứng khoán gây ảnh hưởng tới hoạt động của thị trường, tới những nhà đầu tư chứng khoán. Các chính sách thực hiện chưa hiệu quả, thiếu sự kiểm tra giám sát, việc xử lý các sai phạm với các công ty chứng khoán chưa đủ mạnh, chưa có cơ chế khuyến khích đối với các công ty phát hành chứng khoán niêm yết chứng khoán.
– Chính sách đối với các công ty chứng khoán, trung gian chứng khoán chưa thực sự hiệu quả, sự kiểm tra giám sát chưa chặt chẽ, thiếu các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các công ty chứng khoán hoạt động: Để thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả, là kênh huy động vốn Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách như quy định về hành nghề kinh doanh chứng khoán, về điều kiện kinh doanh chứng khoán, hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro; xây dựng đề án tái cấu trúc TTCK; quy định chỉ tiêu an toàn tài chính. Số liệu cho thấy số lượng các công ty chứng khoán giảm dần, năm 2012 là 105 công ty và đến cuối quý I/2018 còn 74 công ty chứng khoán, trong khi kết quả hoạt động của các công ty chứng khoán tăng dần và có lãi, lợi nhuận trước thuế của các công ty này đạt hơn 7.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2016 và tiếp tục tăng năm 2018. Các chính sách về quản lý hoạt động các công ty chứng khoán đã ban hành nhưng thực thi chưa thực sự quyết liệt, công tác giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán chưa thường xuyên liên tục; việc xử lý các công ty vi phạm chưa đủ mạnh; thiếu các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các công ty chứng khoán hoạt động. Cuối năm 2017 mặc dù việc quản lý hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ được thúc đẩy nhưng vẫn còn tồn tại những công ty yếu kém hoạt động không hiệu quả, vẫn còn 50% số lượng công ty có lỗ lũy kế, trong đó vẫn còn những công ty có lỗ lũy kế trên vốn điều lệ hơn 50% và đa phần các công ty chứng khoán vẫn đang tiếp tục khắc phục các khoản thua lỗ những năm trước đây.
– Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên liên tục, các quy định về xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe; Hoạt động tuyên truyền về các quy định và hình thức xử lý vi phạm còn yếu, thiếu công khai các trường hợp vi phạm bị xử lý trên phương tiện đại chúng. Thực tế cho thấy mặc dù nhà nước đã có các quy định xử lý các trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh chứng khoán đối với cá nhân, tổ chức, công ty phát hành, công ty chứng khoán nhưng số các trường hợp vi phạm ngày càng tăng nhưng các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức.
– Sự phù hợp của hệ thống cơ chế chính sách đối với đầu tư chứng khoán: Luật chứng khoán được ban hành và có hiệu lực từ năm 2006 đã mở ra giai đoạn phát triển mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, và tiếp đó đã được sửa đổi và bổ sung vào năm 2010 (Luật số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010) và năm 2013 (Luật số 27/VBHN-VPQH ngày 18/12/2013) về việc hợp nhất luật chứng khoán. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang trên đà hoàn thiện và cùng sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, đòi hỏi Luật chứng khoán cần được tiếp tục bổ sung, sửa đổi, đáp ứng nhu cầu của quy luật kinh tế thị trường. Cụ thể như việc thống nhất giữa Luật doanh nghiệp và Luật chứng khoán, chứng khoán phái sinh; các quy định về vấn đề phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, đa dạng các hình thức niêm yết, đa dạng hóa các loại hình tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán….
Để lại một bình luận