Đánh giá thực hiện TNXH đối với NLĐ là tiến trình xác định tiêu chuẩn đánh giá, đo lường kết quả thực hiện so với kế hoạch đặt ra, đồng thời phát hiện những sai lệch, thực hiện các hành động khắc phục, ngăn ngừa trong quá trình thực hiện.
Xác định tiêu chuẩn đánh giá thực hiện TNXH đối với NLĐ
Tiêu chuẩn đánh giá thực hiện TNXH đối với NLĐ của DN gắn với các mục tiêu trong xây dựng kế hoạch thực hiện, đặc biệt là TNXH đảm bảo quyền và lợi ích. Tiêu chuẩn đánh giá phải gắn với trách nhiệm của các đối tượng đảm trách. Có thể cùng một tiêu chuẩn đánh giá thực hiện với từng cá nhân, bộ phận thực hiện khác nhau với chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau thì tiêu chuẩn đánh giá thực hiện sẽ khác nhau. Tiêu chuẩn đánh giá thực hiện TNXH đối với NLĐ gồm:
Tiêu chuẩn đánh giá định lượng
Trách nhiệm đảm bảo quyền: số các điều khoản đảm bảo quyền cho NLĐ, tỷ lệ HĐLĐ ký đúng loại, tỷ lệ HĐLĐ chấm dứt đúng PLLĐ; tỷ lệ thời gian làm việc đúng cam kết, số giờ làm thêm theo tuần, theo tháng, theo năm đúng PLLĐ; số chương trình tập huấn ATVSLĐ, PCCC, số lối thoát hiểm khẩn cấp không để bị vướng hoặc bị khóa trong giờ làm việc, số NLĐ được trang bị bảo hộ lao động, tỷ lệ thực hiện đúng quy định tiền lương tối thiểu, tiền lương làm thêm vào ngày thường, ngày nghỉ phép, nghỉ lễ, tỷ lệ NLĐ được đóng BHXH, BHYT, số NLĐ được tham gia tổ chức công đoàn, đoàn thể…
Trách nhiệm đảm bảo lợi ích gồm: số các điều khoản đảm bảo lợi ích cho NLĐ, số NLĐ tham gia khám sức khỏe định kỳ, tỷ lệ mức lương cạnh tranh được trả tỷ lệ phụ cấp, trợ cấp trả cao hơn quy định…
Tiêu chuẩn định tính đánh giá định tính
Trách nhiệm đảm bảo quyền với các tiêu chuẩn định tính có thể kể đến: nhận thức về thành lập công đoàn cơ sở, mức độ hài lòng về hội nghị NLĐ hàng năm…
Trách nhiệm đảm bảo lợi ích: nhận thức về các điều khoản đảm bảo lợi ích cho NLĐ, mức độ tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ chấm dứt HĐLĐ, nhận thức về tính tự nguyện trong thời gian làm thêm, mức độ khuyến khích, tạo điều kiện để NLĐ tham gia hoạt động tuyên truyền về ATVSLĐ, mức độ hài lòng các hoạt động văn hóa và thể thao của NLĐ, nhận thức về tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động, nhận thức về tham khảo với Công đoàn để đảm bảo lợi ích cho NLĐ, nhận thức về TƯLĐTT có các điều khoản và điều kiện tốt hơn quy định của PLLĐ…
Đối với các DN cho dù là tiêu chuẩn định tính hay định lượng thì việc xác định các tiêu chuẩn đánh giá cần phải cập nhật phù hợp với mục tiêu và nội dung thực hiện TNXH đối với NLĐ đã đề ra.
Đo lường các kết quả chủ yếu của thực hiện TNXH đối với NLĐ
Đo lường thực hiện TNXH đối với NLĐ là bước quan trọng nhất trong khâu đánh giá để sớm thấy được kết quả thực hiện. Dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá đã xác định, định kì DN phải đo lường các kết quả chủ yếu của thực hiện TNXH đối với NLĐ. Theo Phạm Vũ Luận (1995): “Việc đo lường kết quả hoạt động kiểm soát có thể được thể hiện bằng cách quan sát dữ kiện, sử dụng dấu hiệu báo trước, quan sát trực tiếp, tiếp xúc cá nhân hay dự báo tiết kiệm”. Khi đó, đo lường sử dụng các phương pháp:
Phương pháp phân tích dữ liệu thống kê: dựa vào các dữ liệu trong hồ sơ và thông tin trong: báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững, HĐLĐ, bảng chấm công, bảng lương để đánh giá TNXH đối với NLĐ. Việc đo lường kết quả phải được tiến hành định kỳ đều đặn (tháng, quý, năm). Cần thống nhất các đơn vị sử dụng trong đo lường kết quả, các quy tắc sử dụng trong hệ thống thông tin đo lường kết quả, các công cụ đo lường. Không nên thay đổi người đo lường kết quả trong một chu kỳ, nếu cần những giai đoạn khác nhau phải có sự kế thừa.
Phương pháp đo lường kết quả bằng việc sử dụng các dấu hiệu báo trước : phải dự đoán trước và nhanh chóng nhận biết các báo hiệu, những trục trặc của TNXH đối với NLĐ. Ví dụ: số lượng NLĐ tham gia tổ chức công đoàn, đoàn thể còn khá ít hay việc tổ chức hội nghị NLĐ hàng năm còn chưa hiệu quả để thấy được thực hiện TNXH đối với NLĐ chưa đạt kết quả tốt. Những “vướng mắc” mà các dấu hiệu cung cấp cho ta biết nguyên nhân của vấn đề đó.
Phương pháp đo lường kết quả bằng việc quan sát trực tiếp và tiếp xúc cá nhân: cho phép DN nhanh chóng nắm được tình hình thực tế về TNXH đối với NLĐ và cảm nhận được những vấn đề còn “tiềm tàng” ở dạng khả năng. Khi tiếp xúc trực tiếp với NLĐ giúp người đo lường kết quả có cái nhìn toàn diện về toàn bộ công việc của họ và kiểm tra kết quả thu được từ hệ thống đo lường kết quả.
Bên cạnh các phương pháp đo đã nêu, hiện nay các DN thường kết hợp với các phương pháp sử dụng thiết bị hiện đại để theo dõi và đo lường kết quả thực hiện có thể kể đến: hệ thống thẻ từ, hệ thống camera theo dõi, máy soi… Sự kết hợp này đã làm cho kết quả đo lường kết quả được cập nhật, chính xác và hệ thống hơn.
Sau khi đo lường kết quả thực hiện TNXH của DN đối với NLĐ cần tìm ra nguồn cơn dẫn đến những sai lệch đó là do đâu? Có thể là nguyên nhân khách quan hay chủ quan từ đó có những hành động khắc phục và ngăn ngừa cập thời.
Thực hiện hành động khắc phục và ngăn ngừa
Từ những phát hiện những sai lệch trong thực hiện TNXH đối với NLĐ so với tiêu chuẩn và nguyên nhân của các sai lệch đó, DN cần tiến hành đưa ra quyết định khắc phục và ngăn ngừa cần thiết. Trong bước này DN cần quyết định điều chỉnh nhanh. Vì nếu không, hiệu quả của hành động điều chỉnh sẽ giảm, thậm chí trở thành lỗi thời và với “liều lượng điều chỉnh” thích hợp. Hành động điều chỉnh gồm:
Thứ nhất, điều chỉnh mục tiêu thực hiện TNXH đối với NLĐ (gồm mục tiêu tổng thể, mục tiêu thực hiện TNXH với NLĐ…) dự kiến nếu quá trình đánh giá phát hiện ra những vấn đề cho phép kết luận những mục tiêu là chưa đầy đủ, chưa phù hợp cần bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ hai, điều chỉnh chương trình hành động. Kết quả đánh có thể cho thấy cần điều chỉnh tổ chức hội nghị NLĐ hiệu quả, NLĐ được tham gia Công đoàn. Nhưng một số chương trình đòi hỏi phải có sự đầu tư về kinh phí, nguồn lực nên đòi hỏi về thời gian như đảm bảo số giờ làm thêm theo tháng, năm theo đúng PLLĐ, trả mức lương cạnh tranh, thỏa ước lao động tập thể có các điều khoản tốt hơn Luật.
Thứ ba, không hành động gì cả. Ở đây không nói đến hành vi vô trách nhiệm, ỷ lại thụ động của người quản trị. Trong một số trường hợp, vấn đề xuất hiện rồi tự nó “mất đi” và được khắc phục ở một giai đoạn khác trong quá trình kinh doanh của DN. Đơn cử như là chương trình tăng lương định kỳ cho NLĐ. Trên thực tế một số DN đã trả mức lương cao hơn luật quy định và cạnh tranh. Khi tăng lương định kỳ mà DN lại đang gặp khó khăn, khủng hoảng về tài chính thì DN không thể thực thi được. Vì thế, không làm gì cả, chỉ chờ đợi khi DN kinh doanh “khởi sắc” hay tài chính dồi dào DN sẽ có các biện pháp điều chỉnh hợp lý.
Thực hiện hành động khắc phục và ngăn ngừa điều quan trọng là phải nhận biết chính xác lúc nào, ở trường hợp nào thì áp dụng biện pháp này. Ở đây không có đáp số chung cho mọi trường hợp thực hiện TNXH đối với NLĐ.
Để lại một bình luận