1. Lợi ích của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Ngăn chặn được sự sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Hàng giả, hàng nhái đều là những sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gây thiệt hại cho nhà sản xuất chân chính cả về doanh thu và uy tín. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp loại bỏ các sản phẩm này ra khỏi thị trường, đảm bảo quyền lợi của cả nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
Khuyến khích sáng tạo tại chỗ và chuyển giao công nghệ. Nhiều nhà phát minh trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài thường nản lòng khi không có chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đủ mạnh ở nước sở tại, họ không có động lực để sáng tạo và cũng không muốn đem công nghệ mới hoặc nghiên cứu phát triển công nghệ ở nước sở tại vì sợ bị mất bí mật công nghệ.
2 Mặt trái của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Phần lớn số lượng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ hiện nay do các nước phát triển nắm giữ. Ðiều này tạo nên lợi thế rất lớn cho sản phẩm của các nước này so với các nước đang phát triển. Trong một số lĩnh vực, ví dụ dược phẩm, sự độc quyền khai thác bằng sáng chế đã đẩy giá sản phẩm lên rất cao, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho hãng sản xuất. Các nước đang phát triển, vốn đã không có công nghệ, lại phải chịu mua các sản phẩm với giá cao này nên thiệt thòi càng lớn.
Một ví dụ khác là phần mềm máy tính. Giá một chương trình phần mềm thường từ vài trăm đến hàng ngàn đô-la Mỹ, vượt gấp nhiều lần giá của chiếc máy tính. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt chế độ bản quyền phần mềm thì rất có thể nhiều nước đang phát triển không có được trình độ công nghệ thông tin hiện nay.
Nói vậy không có nghĩa là chúng ta khuyến khích việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà điều chính yếu là chúng ta cần phối hợp với các nước đang phát triển khác đấu tranh cho một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ công bằng và hợp lý hơn
Để lại một bình luận