Tại Quyết định số 4295/QĐ-UBND ngày 9/11/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững GD&ĐT Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 [71], tỉnh Thanh Hóa hướng tới xây dựng nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; các chỉ tiêu sẽ được cụ thể hóa vào kế hoạch phát triển GD&ĐT hàng năm của các cấp, các ngành để đến 2030 đạt được các mục tiêu chung sau:
Đảm bảo tất cả các trẻ em gái và trai hoàn thành giáo dục tiểu học, giáo dục THCS miễn phí, công bằng, có chất lượng;
Tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non được chăm sóc, giáo dục có chất lượng để phát triển toàn diện, chuẩn bị sẵn sàng vào tiểu học;
Đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận giáo dục sau phổ thông có chất lượng, với chi phí học tập phù hợp với mức sống và mức thu nhập;
Xóa bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục; đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng trong giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp học cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và trẻ em trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương;
Tất cả thanh thiếu niên và hầu hết người trưởng thành, không phân biệt giới tính, đều biết đọc, biết viết và biết tính toán;
Tất cả người học đều được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững, bao gồm: Giáo dục về lối sống bền vững, quyền con người, bình đẳng giới, thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình, không bạo lực; thực hiện giáo dục công dân toàn cầu, thích ứng cao với sự đa dạng văn hóa, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc, thúc đẩy sự đóng góp của văn hóa đối với phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, các mục tiêu cụ thể được xác định là: tăng tiếp cận giáo dục cho mọi người; chăm sóc, giáo dục trẻ thơ có chất lượng; thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo bảo đảm bình đẳng trong giáo dục và xóa bỏ chênh lệch còn tồn tại đối với các đối tượng dễ bị tổn thương; xây dựng xã hội học tập; trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết cho người học để thúc đẩy phát triển bền vững; xây dựng môi trường học tập an toàn, không bạo lực, toàn diện và hiệu quả cho tất cả mọi người; giáo dục, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Các mục tiêu này được cụ thể hóa thành hệ thống các chỉ tiêu theo dõi, giám sát (Phụ lục 3.1).
Trước mắt, đến năm 2020, mục tiêu phát triển giáo dục tỉnh Thanh Hóa là: Duy trì và củng cố vững chắc kết quả phổ cập THCS, hoàn thành phổ cập THPT trước năm 2020; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55 – 60% năm 2020;
Mục tiêu cụ thể như sau:
Giáo dục mầm non
Đến năm 2020 tất cả trẻ em đều được chăm sóc giáo dục bằng các hình thức giáo dục thích hợp. Tăng tỉ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ từ 22% năm 2010, lên 30% vào năm 2020. Đối với trẻ 3-5 tuổi, tăng tỉ lệ đến trường, lớp mẫu giáo lên trên 98,7% năm 2015 và giữ ổn định đến năm 2020. Đến năm 2020 có trên 97 % trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới.
Giáo dục phổ thông
– Tiểu học: Nâng cao và duy trì tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi. Giữ ổn định tỉ lệ 99,8% trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học năm 2020; tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đạt 100% năm 2020. Tăng tỷ lệ học sinh khuyết tật được đi học tiểu học trên 85% năm 2020. Tiếp tục củng cố duy trì và nâng cao chất lượng 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Phấn đấu năm 2020 có trên 90% trường đạt chuẩn ở mức độ 1 và trên 30% trường đạt chuẩn ở mức độ 2.
– Trung học cơ sở: Phấn đấu đến năm 2020 có trên 99% trẻ trong độ tuổi THCS được đến trường. Tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày trên 20% vào năm 2020. Tăng tỷ lệ học sinh khuyết tật được đi học THCS từ 15% năm 2010, lên 50% năm 2020. Tiếp tục duy trì 100% xã phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Củng cố và duy trì 100% học sinh được học Ngoại ngữ, Tin học và Giáo dục hướng nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 45% số trường đạt chuẩn quốc gia.
– Trung học phổ thông: Phấn đấu đến năm 2020 có trên 85% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn tương đương trung học phổ phông ( học THPT, bổ túc và học nghề ). Củng cố và duy trì 100% học sinh được học Ngoại ngữ, Tin học và hướng nghiệp. Tăng tỷ lệ học sinh khuyết tật được đi học THPT trên 30% năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 40% số trường đạt chuẩn quốc gia.
– Các trường chuyên biệt: Đầu tư xây dựng trường THPT chuyên Lam Sơn thành trường chuyên chất lượng cao trọng điểm quốc gia; tăng quy mô cho đối tượng học sinh THPT DTNT; duy trì và củng cố, đầu tư để tất cả các trường Phổ thông DTNT đạt chuẩn Quốc gia trước năm 2015; hình thành các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các cụm xã. Đối với các trường THCS ở khu vực vùng núi cao, xây dựng đủ nhu cầu nhà bán trú cho học sinh con em đồng bào các dân tộc.
Trả lời