Giai đoạn 2011 – 2015, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt trên 470 ngàn người. Tuy nhiên có đến 50% trong số đó là lao động phổ thông có tay nghề thấp. Số lao động còn lại được thống kê là lao động có tay nghề, nhưng thực chất cũng chủ yếu chỉ là lao động được đào tạo sơ cấp nghề (3 tháng) trước khi được đưa ra nước ngoài làm việc [16]. Theo ước lượng của ILO, tỷ lệ lao động di chuyển nội khối của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu so với số lao động tay nghề cao chiếm hơn 30%. Với trình độ hạn chế của người lao động Việt Nam, mức độ tăng trưởng lao động đi trong giai đoạn 2010 – 2015 vẫn chỉ tập trung vào ở mức tay nghề trung bình (tăng 27,9%) và tay nghề thấp (22,6%).
Xét về cơ cấu lao động đi, có thể thấy rằng trừ một số nghề đòi hỏi kỹ năng cao hơn trong một số thị trường khi người lao động di chuyển như làm khán hộ công tại bệnh viện hoặc tại gia đình hay tiếp viên hàng không, hầu hết người lao động Việt Nam đi làm các nghề có kỹ năng dưới mức trung bình như đứng máy trong một số nhà máy chế tạo, xây dựng, dịch vụ khách sạn (phục vụ buồng)…hay các nghề có trình độ giản đơn, lao động chân tay như thuyền viên, nông nghiệp, bốc vác… Cá biệt có một số lao động đi làm quản lý hay cán bộ, chuyên gia tại một số nước có nguồn vốn do Việt Nam đầu tư hay Việt Nam trúng thầu dịch vụ (theo hình thức di chuyển nội bộ doanh nghiệp theo đầu tư hoặc hợp đồng dịch vụ – di chuyển thể nhân MNP) (Phụ lục 4).
Tại một số nước thành viên có nhiều lao động Việt Nam đi làm việc
Tại Thái Lan: ngành nghề được làm nhiều nhất là dịch vụ bán hàng (trong đó có phục vụ bàn ở nhà hàng, bán hàng siêu thị và bán lẻ) chiếm tới 49,43% tổng số lao động Việt Nam được khảo sát làm việc tại Thái Lan. Tiếp đến là giúp việc gia đình chiếm 16,33%. Các công việc khác như đầu bếp, thợ bảo dưỡng xe, công nhân may mặc hoặc công nhân kỹ thuật có tỷ lệ gần bằng nhau khoảng 8% tổng số lao động.
Tại Ma-lai-xia, trong tổng số 21.189 lao động hiện đăng ký làm việc ở Ma- lai-xia (Phụ lục 6) có 15.526 người lao động làm việc trong ngành sản xuất chế tạo (chiếm 73,27%), ngành xây dựng là 3.363 người (chiếm 15,87%), số còn lại làm trong ngành trồng trọt, dịch vụ, nông nghiệp và giúp việc gia đình. Tuy nhiên, kể cả những lao động làm trong những ngành đòi hỏi kỹ năng cao hơn như sản xuất chế tạo và xây dựng, dịch vụ thì đa số cũng là những lao động có tay nghề thấp, chỉ có một số ít là có kỹ năng trung bình. Ví dụ, trong tổng số 3.363 lao động trong ngành xây dựng, chỉ có khoảng 5% là lao động có tay nghề (phỏng vấn đại diện quản lý lao động của Việt Nam tại Ma-lai-xia).
Có thể thấy cơ cấu ngành nghề trong các dòng di chuyển lao động của Việt Nam trong nội khối ASEAN khá giản đơn. Cùng với sự phát triển và chuyển dịch của nền kinh tế các nước tiếp nhận lao động trong ASEAN như Ma-lai-xia, Xing-ga-po, Thái Lan, nhu cầu lao động trong các ngành nghề này sẽ giảm đi, thay thế bằng những ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao thì lao động Việt Nam sẽ khó có thể di chuyển nếu không tính đến việc nâng cao kỹ năng của lao động.
Tính cho đến tháng 5/2018, có 5.448 chuyên gia trong ASEAN đã đăng bạ, trong đó kỹ sư đo đạc có 3.155 người, kiến trúc sư 20 người và kế toán là 1.808 người. Việt Nam đã có 204 kỹ sư (chiếm 6,4%) và 20 kiến trúc sư (chiếm 4,12%) trong tổng số chuyên gia đăng ký tương ứng theo từng lĩnh vực.
Hiện mới chỉ có 13 kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN đã được chứng nhận đăng ký (RFPA) – tức là công nhận song phương và di chuyển theo MRAs (không có kỹ sư nào của Việt Nam) (Phụ lục 4).
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng những tác động về di chuyển lao động nói chung và lao động có kỹ năng nói riêng của ASEAN đối với Việt Nam sau khi chính thức thành lập vào cuối năm 2015 chưa có dấu hiệu tích cực. Thậm chí, số lao động Việt Nam ASEAN còn giảm nhanh về số lượng lao động cũng như cả thị trường của các nước tiếp nhận. Điều này có thể lý giải ở một số nguyên nhân sau:
Trả lời