Để trở thành một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất theo các nguyên tắc của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các nước thành viên cần nỗ lực và tạo điều kiện cho di chuyển lao động kỹ năng theo MRAs và theo các hình thức khác. Tuy vậy, cho đến nay, theo các số liệu (bảng 3.8), các báo cáo đánh giá và kết quả tham vấn với các chuyên gia quốc tế, khu vực và Việt Nam, có thể nói rằng việc thực hiện MRAs vẫn rất chậm chạp và thiếu những chỉ dẫn rõ ràng trong khi các hình thức di chuyển kỹ năng khác cũng không có nhiều đột biến. Từ bối cảnh kinh tế – xã hội của ASEAN cùng với các cam kết chính trị mạnh mẽ của các Nhà Lãnh đạo ASEAN, dưới tác động của quy luật cung cầu và xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng, di chuyển lao động kỹ năng trong ASEAN trong giai đoạn tới có thể diễn ra theo 3 kịch bản chính như sau:
Kịch bản 1: dịch chuyển lao động trong ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn, số lượng việc làm với nhiều việc làm mới dưới ảnh hưởng của CMCN 4.0 như ICT, chất lượng việc làm tốt hơn và yêu cầu kỹ năng cũng cao hơn (chi tiết xem tại phần 3.3.1 về cầu lao động trong tương lai của ASEAN). Với kịch bản này, MRAs sẽ phát triển theo chiều ngang, mở rộng cho nhiều nhóm nghề và thậm chí, lao động sẽ di chuyển tự do theo cung-cầu của thị trường khu vực. Theo kịch bản này, di chuyển lao động kỹ năng sẽ mở rộng theo xu hướng được chấp nhận rộng rãi ở EU, nơi mà mọi người được di chuyển tự do trong khu vực. Trong bối cảnh có sự khác biệt khá lớn giữa các quốc gia về cơ cấu dân số và mức độ phát triển kinh tế, những khác nhau này được biểu hiện ra trên các mặt cung và cầu của thị trường lao động (trường hợp cơ cấu dân số trẻ của Phi- lip-pin ngược với cơ cấu dân số già hóa của Xing-ga-po là một ví dụ). Theo kịch bản này, có thể dẫn đến cung lao động quá nhiều ở một số thị trường của quốc gia thành viên trên thị trường lao động chung của khu vực ASEAN sẽ làm mất cân bằng cung – cầu và phá vỡ các quan hệ trên thị trường lao động. Hơn nữa, kịch bản này cũng đòi hỏi các nước ASEAN phải có nhiều nỗ lực để tận dụng tối đa các cơ hội do CN4.0 mang lại và hiện thực hoá được các cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN và nâng cao năng quản trị mối quan hệ cung – cầu của thị trường cũng như giải quyết được các thách thức và rào cản liên quan.
Kịch bản 2: không có nhiều thay đổi trong việc di chuyển lao động có kỹ năng trong ASEAN về quy mô, số lượng và chất lượng việc làm. Tác động của CMCN 4.0 chỉ hiện hữu đối với một số nước phát triển hơn trong khi các nước còn lại không tận dụng được những cơ hội mà CN4.0 mang lại. Sự chênh lệch về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực dẫn đến khó khăn trong việc tìm đủ nguồn nhân lực tương xứng đáp ứng những nhu cầu việc làm mới trong giai đoạn tới của các nước thành viên của ASEAN (xem chi tiết tại 3.3.2.2 Năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam). Trong trường hợp này, kịch bản sẽ là thực hiện theo các MRAs đã ký với các chỉ dẫn chi tiết để triển khai MRAs.
Kịch bản 3: có sự thay đổi đáng kể trong di chuyển lao động có kỹ năng trong ASEAN. Ngoài sự di chuyển của các ngành nghề thuộc MRAs đã ký, sẽ có luồng di chuyển lao động lớn trong các ngành nghề mới, có nhu cầu cao (ví dụ như ICT). Bản thân các nước cũng đã nhìn nhận được những lợi ích đối với việc sử dụng lao động kỹ năng trong khu vực liên quan đến bù đắp thiếu hụt kỹ năng với chi phí hợp lý, tăng cường năng lực cạnh tranh và xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả trong khu vực trong bối cảnh sức ép ngày càng tăng của toàn cầu hoá và hội nhập. Đồng thời, những rào cản với di chuyển lao động có kỹ năng theo 8 MRAs đã được các nước chủ động nhìn nhận và xem xét cùng tháo gỡ. Theo kịch bản này, ASEAN sẽ hướng tới việc thúc đẩy thực hiện các MRAs đã ký với ưu tiên cao hơn trong một số ngành nghề và đàm phán, thảo luận về việc mở rộng thêm một số MRAs/MRSs trong các nghề có nhu cầu cao.
Dù theo kịch bản nào thì MRAs vẫn luôn được xem là một công cụ hữu hiệu đối với ASEAN và các nước thành viên trong việc xác định các ưu tiên trong các ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo. Việc thực hiện MRAs phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của từng quốc gia thành viên với cam kết chính trị cao mới tận dụng được những lợi thế MRAs mang lại nhằm nâng cao nội lực và khả năng cạnh tranh của nguồn lực chất lượng cao.
Với bối cảnh kinh tế hiện nay, Kịch bản 1 là quá tham vọng đối với ASEAN khi các nước còn có rất nhiều sự khác biệt và việc bảo hộ thị trường lao động vẫn là chính sách của các quốc gia. Kịch bản 2 đang có những áp lực bởi những sự chậm trễ và không đạt được hiệu quả như mong đợi (xem chi tiết tại 3.4.3). Với cam kết chính trị và kinh tế mạnh mẽ cùng với việc hội nhập sâu rộng, Kịch bản 3 sẽ là kịch bản phù hợp nhất khi ASEAN đang có những nỗ lực và lộ trình hướng tới thực hiện (ví dụ, Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 đã đề cập đến khả năng mở rộng thêm một số MRAs nếu thấy phù hợp; kênh Quan chức cấp cao về Lao động của ASEAN cũng đã có thảo luận ban đầu về khả năng thúc đẩy MRSs trong một số nghề phổ biến. Bản thân Ma-lai-xia, Phi-lip-pin và In-đô-nê-xia cũng đã khởi động quá trình đàm phán về việc xây dựng một Khung tiêu chuẩn đào tạo trình độ nghề xây dựng cho cả 3 nước…). Việc thực hiện được Kịch bản 3 đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ của các nước tham gia với nguồn lực tương xứng của từng nước thành viên cũng như cần phải nhận diện rõ các cơ hội và thách thức và có các giải pháp phù hợp để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của ASEAN.
Để lại một bình luận