Là nước có dân số đông thứ 8 trên thế giới, Băng-la-đét là một trong những nước có nguồn nhân lực lớn nhất đáp ứng được nhu cầu lao động trên thị trường quốc tế. Theo những dữ liệu của Cục Việc làm và Đào tạo Nguồn nhân lực của Băng-la- đét, có khoảng 8,3 triệu người lao động đã di cư sang 157 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới để làm việc và đã góp phần đóng góp tới 13% GDP của đất nước thông qua kiều hối. Trong tổng số khoảng 8,3 triệu người lao động đã di cư, ước tính khoảng 2,21% người lao động là chuyên gia bậc cao; 31,53% là lao động có kỹ năng cao; 13,98% là lao động có kỹ năng trung bình và 52,29% là lao động có kỹ năng thấp.
Một số kinh nghiệm của của Băng-la-đét trong việc đưa lao động có kỹ năng đi làm việc ở nước ngoài được trình bày trong báo cáo của ILO (2017) gồm có:
Với 60,3% dân số trong độ tuổi 15-49, Băng-la-đét có nguồn nhân lực lao động rất dồi dào, việc làm trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu làm việc của người dân. Do đó, ngoài chiến lược hiện nay là đưa lao động có kỹ năng thấp, Băng-la-đét cũng đang nỗ lực để tập trung vào nâng cao khả năng đưa lao động có kỹ năng cao và trung bình đi làm việc ở nước ngoài và nâng tỷ lệ lao động có kỹ năng cao đi từ 35% như hiện nay lên 50%. Để đạt mục tiêu này, Cục Nguồn nhân lực, Việc làm và Đào tạo (BMET) đóng vai trò người cung cấp đào tạo chính cho việc làm nước ngoài theo 45 ngành nghề tại 38 Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật để hỗ trợ nâng cao chất lượng của di cư lao động kỹ năng và thực hiện đào tạo cho khoảng 65.000 người/năm. Tuy nhiên, Băng-la-đét không cho phép di cư đi làm việc ở nước ngoài đối với những người làm điều dưỡng như là biện pháp hạn chế lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với những ngành nghề cần cho nền kinh tế, ưu tiên cho phục vụ nhu cầu trong nước trước.
Coi tăng cường kỹ năng nghề cho lao động di cư là một trong những biện pháp hữu hiệu tăng kiều hối trong tương lai, Băng-la-đét đã coi phát triển kỹ năng phù hợp với việc làm ở nước ngoài là một lĩnh vực chủ chốt của Chính sách phát triển kỹ năng quốc gia từ năm 2011, trong đó hệ thống phát triển kỹ năng mới tập trung vào: đánh giá và đáp ứng nhu cầu thông qua tuyển dụng và đào tạo các loại hình lao động kỹ năng khác nhau tại các thị trường việc làm nước ngoài chính; phát triển hệ thống trình độ quốc gia trong đó việc chấp chứng chỉ kỹ năng và tiêu chuẩn quốc thể được trao đổi và thống nhất với những người sử dụng lao động ở nước ngoài và các cơ quan tuyển dụng quốc tế; tăng cường năng lực của các cơ quan đào tạo, các quy định pháp lý để có thể đào tạo kỹ năng theo yêu cầu về tiêu chuẩn của nước ngoài; thúc đẩy việc làm cho những người tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng để đi làm việc ở nước ngoài; và hỗ trợ lao động di cư quay trở về hòa nhập trở lại thị trường lao động và đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng cao hơn cho những kỹ năng họ đã có được khi làm việc ở nước ngoài.
Xuất phát từ thực tế rằng việc công nhận kỹ năng trong nước chỉ có ý nghĩa đối với việc làm trong nước mà hầu như không đủ đảm bảo được chấp nhận ở các nước tiếp nhận, Băng-la-đét đã thực hiện rất nhiều nỗ lực trong việc đào tạo để đảm bảo chứng chỉ quốc gia được quốc tế công nhận thông qua kết nối với các cơ quan quốc tế hay đối tác có thẩm quyền tại nước tiếp nhận hoặc công ty/doanh nghiệp có danh tiếng. Ví dụ, các chứng chỉ đối với Công nghệ hàng hải do BMET cấp được một số nước bao gồm cả Xing-ga-po chấp nhận. Điều này có được là do một số cơ quan tuyển dụng trong nước đã phối hợp với các cơ quan việc làm của Xing-ga-po thiết lập 15 trung tâm đào tạo tại Băng-la-đét, theo đó, sau khi hoàn thành khóa học sẽ cho thực hiện bài đánh giá dưới sự bảo trợ của một cơ quan có thẩm quyền từ các tổ chức của Xing-ga-po. Theo đó, các chứng chỉ kỹ năng của Băng-la-đét được các tổ chức có trụ sở tại Xing-ga-po chấp nhận do được công nhận bởi Chính phủ Xing-ga-po.
Khóa đào tạo quốc tế về Quản lý khách sạn do Viện Phát triển Kỹ năng của Băng-la-đét thực hiện được cung cấp cả kiến thức về lý thuyết và thực hành về cách thức quản lý các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng quốc tế và bao gồm cả quá trình thực tập 3-4 tháng tại các khách sạn/nhà hàng nổi tiếng trong quá trình đào tạo kéo dài 1 năm để lấy bằng Diploma. Trong trường hợp học viên muốn nhận chứng chỉ được công nhận ở cấp quốc gia/quốc tế, học viên cần phải trải qua cuộc thi được tổ chức bởi các cơ quan giám sát và kiểm soát chất lượng và cấp bằng quốc gia và quốc tế, ví dụ như Hội đồng Quy tắc Quốc tế của Ma-lai-xi-a hay Hội đồng Chương trình giảng dạy, Kiểm tra và Đánh giá của Anh.
Western Marine Shipyard Limited là một trong những nhà máy đóng tàu hàng đầu ở Bangladesh, bắt đầu hoạt động đóng tầu vào năm 1994. Western Marine đã đạt được chứng chỉ Hệ thống quản lý tích hợp cho phép cạnh tranh trên thị trường toàn cầu như một công ty đóng tàu uy tín, được quốc tế công nhận. Western Marine đang tham gia triển khai Hệ thống đảm bảo chất lượng kỹ năng quốc gia (NSQAS). Các NSQAS xem xét một loạt các tổ chức và lộ trình phát triển các kỹ năng, chẳng hạn như đào tạo tại nơi làm việc, học nghề, các tổ chức cộng đồng… để tăng số lượng và chất lượng tay nghề công nhân. Hệ thống này đã tạo cơ hội cho các thực thể như Western Marine trở thành một phần tích cực trong quá trình phát triển kỹ năng tại Băng-la-đét.
Nhằm tạo thuận lợi cho việc lựa chọn cơ sở học đưa ra các khóa đào tạo tốt nhất, Băng-la-đét đã thúc đẩy việc kiểm định chất lượng hướng tới hiện đại hóa và cập nhật đào tạo kỹ năng theo yêu cầu của thị trường quốc tế. Theo đó, hệ thống tính điểm cho các trường đầu tư vào các trang thiết bị và phương pháp đào tạo hiện đại cho phù hợp với tiến bộ khoa học và các sáng kiến công nghệ và do đó tạo sức ép để các trường phải vận động theo hướng tích cực và do đó nâng cao được chất lượng đào tạo của quốc gia. Ban Kiểm định Băng-la-đét (BAB) là một cơ quan quốc gia, được thành lập theo luật định vào năm 2006, cung cấp các chương trình kiểm định cho các cơ sở đào tạo tương thích với Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (IOS), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), và các tiêu chuẩn quy định khác. Trong khi đó, để công nhận các cơ sở đào tạo trong nước, Ban Giáo dục Kỹ thuật Băng-la-đét (BTEB) – sẽ công nhận các cơ sở đạt được các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề, bao gồm có những cơ sở đáp ứng yêu cầu của ISO9000/IWA2 và các cơ sở đã được đăng ký với Cơ quan Trình độ và Chương tình giảng dạy của Anh hoặc theo Khung đào tạo Chất lượng của Úc (AQTF). Các cơ sở đào tạo cung cấp bằng chứng đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ được đăng ký nhanh ở cấp quốc gia.
– Chứng nhận kỹ năng của lao động di cư quay trở về
Với 64% người lao động di cư là lao động có kỹ năng thấp hoặc trung bình, Băng-la-đét đã đặt ra chương trình hỗ trợ công nhận kỹ năng mà người lao động đã có được trong quá trình làm việc ở nước ngoài khi những người lao động quay trở về đề giúp họ tham gia hiệu quả và ngay lập tức có thể tìm được việc làm phù hợp trong nước. Theo đó, Chính sách Phát triển Kỹ năng quốc gia đã đề cấp đến việc thiết lập một hệ thống “bậc thang”– là cơ chế để người lao động quay trở về có cơ hội thi về kỹ năng, nâng cấp và được cấp chứng chỉ kỹ năng cao hơn trên tổng thể hoặc một phần kỹ năng đã được nâng cao trước khi quay trở về từ nước ngoài. Qúa trình làm việc, học hỏi, đào tạo và cấp chứng chỉ có thể được tiến hành lặp đi lặp lại theo nhiều vòng cho đến vài năm sau khi người lao động có kỹ năng có thể di chuyển sang vị trí giám sát cao hơn. Để thực hiện được việc này, cần phải thực thực hiện việc đào tạo trên cơ sở trình độ được chia theo các mô-đun phù hợp và hướng tới việc cấp được chứng chỉ theo các tiêu chuẩn trình độ đào tạo quốc gia. Để chuẩn bị cho quá trình này, người lao động sẽ được cung cấp tất cả các thông tin về chế độ này, kể cả trước khi đi, để họ chủ động thu thập và nộp các bằng chứng, bao gồm bằng chứng về các kỹ năng đã thực hiện (cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm), kinh nghiệm làm việc, các thành tích đạt được trong công việc hay cả vai trò giám sát và lãnh đạo nếu có. Tất cả những thông tin và nỗ lực này sẽ khuyến khích bản thân người lao động tự trau dồi các kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng để nâng cấp giá trị của mình trên thị trường lao động và qua đó góp phần tăng năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực chung.
Có thể thấy rằng, Băng-la-đét đã có những chiến lược và bước đi đúng hướng nhằm thúc đẩy di chuyển của lao động kỹ năng làm việc ở nước ngoài. Xác định việc làm ở nước ngoài là một trong những giải pháp giải quyết tình trạng thiếu việc làm trong nước và là ngành đóng góp quan trọng vào GDP, Băng-la-đét cũng đặt mục tiêu tăng đóng góp của GDP trong tương lai của việc làm ngoài nước thông qua tăng trưởng kỹ năng của người lao động đi. Hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế, kết nối đào tạo trong nước với những tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp ở nước tiếp nhận, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp có uy tín trên trường quốc tế, thúc đẩy việc tự nâng cao năng lực của người lao động thông qua hỗ trợ công nhận kỹ năng cho lao động quay trở về… là những giải pháp thông minh, hiệu quả xét trong bối cảnh kinh tế và nhân khẩu học hiện nay của Băng-la-đét.
Trả lời