Thị trường chứng khoán có thể được tổ chức theo hai cách sau:
Cách thứ nhất là tổ chức thành các Sở giao dịch (Stock Exchange), tại đây, người mua và người bán (hoặc đại lý, môi giới của họ) gặp nhau tại một địa điểm nhất định để tiến hành giao dịch mua bán, trao đổi chứng khoán. Chính vì vậy, người ta còn gọi Sở giao dịch chứng khoán là thị trường tập trung, nơi giao dịch mua bán, trao đổi các chứng khoán của các công ty lớn, hoạt động có hiệu quả. Sở giao dịch chứng khoán được quản lý một cách chặt chẽ bởi Uỷ ban chứng khoán quốc gia, các giao dịch chịu sự điều tiết của Luật Chứng khoán và thị trường chứng khoán. Những thị trường chứng khoán tập trung tiêu biểu được biết đến là Sở giao dịch chứng khoán Luân đôn (London Stock Exchange), Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (American Stock Exchange), Sở giao dịch chứng khoán Pari (Paris Stock Exchange).
Cách thứ hai, khác với thị trường tập trung, thị trường giao dịch qua quầy hay thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC: Over -The – Counter Market) là thị trường của các nhà buôn, những người tạo thị trường (Market Makers). Các nhà buôn có một danh mục chứng khoán và họ sẵn sàng mua và bán với các nhà buôn khác cũng nhưcác nhà đầu tưkhi những người này chấp nhận giá cả của họ. ở thị trường này không có địa điểm giao dịch chính thức mà có thể diễn ra tại tất cả các quầy, sàn giao dịch của các thành viên thông qua điện thoại hay mạng máy tính diện rộng. Khối lượng giao dịch của thị trường này thường lớn hơn rất nhiều lần so với thị trường Sở giao dịch.
Ngoài hai loại thị trường nêu trên, người ta còn nói đến thị trường thứ ba, thị trường dành cho các chứng khoán không đủ tiêu chuẩn để giao dịch trên thị trường tập trung và thị trường OTC. Ngoài ra, người ta còn phân loại thị trường chứng khoán thành thị trường mở và thị trường đàm phán, thị trường giao ngay (Spot Markets) và thị trường kỳ hạn (Future Markets). Việc phân loại thị trường chứng khoán sẽ giúp phân tích cụ thể hơn vai trò của thị trường chứng khoán.
Để lại một bình luận