Thứ nhất, nguyên nhân khách quan.
Thanh Hóa là tỉnh nghèo, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, thu NSNN trên địa bàn đạt thấp, nguồn lực cho phát triển giáo dục còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ Trung ương. Trong khi đó, do điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực miền núi, dẫn đến nhu cầu đầu tư cho GDCL lớn. Chính mâu thuẫn giữa khả năng nguồn lực và nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ chi NSĐP nói chung, chi NSĐP cho GDCL nói riêng đã gây ra những bất cập trong quản lý chi NSĐP cho GDCL. Để đạt được mục tiêu phát triển giáo dục, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng giáo dục của người dân ở các khu vực, ngành giáo dục cần tiến hành các hoạt động đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên… cho các vùng còn nhiều khó khăn, chưa được đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn buộc ngành phải lựa chọn đầu tư riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ, từ đó, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý chi NSĐP cho GDCL.
Các văn bản quy phạm pháp luật nói chung, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện nói riêng, đang trong quá trình hoàn thiện, một số quy định còn bất cập. Chẳng hạn: chưa có quy định về lập kế hoạch tài chính – ngân sách trung hạn trong giai đoạn 2011-2017 hoặc có quy định trong giai đoạn 2018-2020 nhưng còn bất cập (quy định lập kế hoạch tài chính – ngân sách địa phương nhưng chỉ xây dựng kế hoạch chung toàn tỉnh và ngân sách cấp tỉnh, chưa có quy định về xây dựng kế hoạch tài chính của các huyện, thị xã, thành phố); nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị SNCL đã ban hành nhưng văn bản hướng dẫn còn chậm cũng là một khó khăn trong công tác quản lý tài chính đối với các đơn vị SNCL ngành giáo dục.
Tác động của sự thay đổi chính sách tiền lương và giá cả thị trường làm cho định mức chi NSĐP cho GDCL những năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách trở nên lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ chi của các đơn vị sự nghiệp GDCL. Cơ cấu chi trong định mức phân bổ là đảm bảo tỷ lệ chi tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương 90%, các khoản chi nghiệp vụ tối thiểu 10% (theo lương cơ sở 730.000 đồng/tháng). Như vậy, phần kinh phí dành cho chi cho hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của đơn vị không thay đổi trong suốt thời kỳ ổn định. Giai đoạn 2011-2016, Chính phủ đã 04 lần thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở (từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng, 1.050.000 đồng, 1.150.000 đồng, 1.210.000 đồng/tháng); đồng thời, tỷ lệ lạm phát trong giai đoạn này cũng luôn biến động. Những sự thay đổi này làm cho định mức chi NSĐP cho GDCL trở nên lạc hậu.
Sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương với địa phương trong một số hoạt động chưa thực sự nhịp nhàng
Thứ hai, nguyên nhân chủ quan.
Do quy định về chức năng, nhiệm vụ theo phân cấp quản lý chính quyền địa phương, cơ quan quản lý ngành không phải là cơ quan chủ trì tham mưu trong quản lý biên chế, xây dựng đề án vị trí việc làm của các đơn vị SNGD công lập. Chính vì vậy, chưa phát huy được vai trò của cơ quan quản lý ngành giáo dục trong giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Việc theo dõi các nội dung chi cho GDCL (chi ĐTPT, chi thường xuyên, chi thực hiện các chương trình, dự án) do nhiều cơ quan thực hiện nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm tổng hợp chung tất cả các các nội dung chi. Vì vậy, rất khó để đánh giá việc thực hiện các mục tiêu giáo dục một cách tổng thể.
Nguồn nhân lực trong bộ máy của cơ quan tài chính, cơ quan GD&ĐT ở địa phương thực hiện nhiệm vụ theo dõi, quản lý tài chính đối với các đơn vị ngành giáo dục còn hạn chế về số lượng và không đồng đều về năng lực chuyên môn. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò kiểm tra giám sát của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý cấp trên rất khó thực hiện, dẫn đến tình trạng kiểm tra, giám sát không được thực hiện một cách thường xuyên.
Việc tuyển dụng, bố trí lao động không hợp lý dẫn đến tình trạng tỷ lệ chi thanh toán cá nhân cao, không đảm bảo yêu cầu chi nghiệp vụ để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Do tình trạng thừa thiếu cục bộ, tình trạng tuyển dụng lao động tràn lan trong điều kiện nguồn thu của các đơn vị còn hạn chế, các đơn vị sử dụng kinh phí NSNN cấp để chi trả, thanh toán cho các lao động hợp đồng, dẫn đến tình trạng chi nghiệp vụ chuyên môn không đảm bảo.
Trả lời