Các tiêu chí định lượng đánh giá sự phát triển của thị trường tiền tệ
(i) Quy mô của thị trường (bao gồm số lượng thành viên tham gia thị trường và doanh số giao dịch của thị trường) TTTT của một quốc gia được đánh giá là phát triển khi doanh số giao dịch của thị trường lớn, các công cụ/hàng hóa của thị trường được phát hành với khối lượng lớn và đa dạng, kinh doanh chênh lệch giá trên thị trường phát triển sôi động và có sự kết nối giữa thị trường trong nước với TTTT quốc tế.
(ii) Độ sâu của thị trường thể hiện qua tỷ lệ tiền gửi/GDP và huy động/GDP
Các tiêu chí định tính đánh giá sự phát triển của thị trường tiền tệ.
(i) Sự phát triển của các thị trường bộ phận:
Một TTTT muốn phát triển cần có đầy đủ các thị trường bộ phận; mối quan hệ giữa các thị trường bộ phận phải chặt chẽ, phát triển cân đối về quy mô và trình độ. Một sự thay đổi hay biến động trên thị trường này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường khác. Sân chơi trên TTTT chính là hệ thống các thị trường bộ phận cấu thành nên TTTT, bao gồm TTTT mở rộng (thị trường 1) và TTTT liên ngân hàng (thị trường 2).
Mối quan hệ giữa các thị trường bộ phận trên TTTT được hình thành từ các luồng luân chuyển về vốn giữa các các thị trường; biến động trên thị trường sẽ tạo ra các luồng vốn chu chuyển, từ đó tác động đến quan hệ cung cầu, làm thay đổi những chỉ số phản ánh hoạt động của các thị trường liên quan khác, cụ thể:
– Đối với TTTT mở rộng (thị trường 1): Căn cứ tính chất sản phẩm dịch vụ, TTTT mở rộng có thể được chia thành 2 bộ phận là thị trường GTCG ngắn hạn và thị trường tín dụng.
Theo đó, lãi suất xác định trên TTTT nếu ở mức cao thể hiện sự khan hiếm vốn trong hệ thống ngân hàng, người dân sẽ có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn. Quá trình tạo tiền thông qua hệ thống NHTM làm tăng lượng tiền cung ứng và đẩy lãi suất xuống tới vị trí cân bằng mới.
– Đối với TTTT liên ngân hàng (thị trường 2): sự chuyển hóa vốn giữa thị trường nội tệ liên ngân hàng và thị trường ngoại tệ liên ngân hàng (thị trường ngoại hối) làm thay đổi cung, cầu ngoại tệ và nội tệ của quốc gia. Mối quan hệ giữa hai thị trường còn được thể hiện thông qua mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá, diễn biến lãi suất của thị trường nội tệ liên ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và ngược lại. Khi lãi suất thực của đồng nội tệ tăng, lợi tức dự tính đầu tư vào đồng nội tệ tăng, dẫn đến khả năng các ngân hàng di chuyển vốn từ ngoại tệ sang nội tệ thông qua thị trường hối đoái giao ngay (spot). Ngược lại, nếu trên thị trường đồng nội tệ có xu hướng giảm giá so với ngoại tệ, các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào ngoại tệ, có thể xảy ra tình trạng tiền gửi nội tệ tại các ngân hàng giảm, nhu cầu vay nội tệ tăng, để cân bằng các ngân hàng thường phải tăng lãi suất nội tệ nhằm hạn chế việc đầu tư vào ngoại tệ.
Như vậy, một sự thay đổi về lãi suất nội tệ đều làm ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường nội tệ liên ngân hàng và thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, từ đó, tác động tới tình hình cung cầu vốn trên TTTT. Sự biến động của tỷ giá cũng làm ảnh hưởng đến cung cầu vốn nội tệ và vốn ngoại tệ giữa hai thị trường (tỷ giá tăng – giá ngoại tệ tăng kéo theo xu hướng nội tệ chuyển sang ngoại tệ và ngược lại).
(ii) Sự phát triển và tính đa dạng của các công cụ, hàng hóa trên thị trường
Cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế, TTTT ngày càng phát triển và trở nên phức tạp hơn. Các công cụ tài chính, hàng hóa lưu thông trên thị trường liên tục phát triển, đổi mới, đa dạng hơn và phức tạp hơn. Theo đó, khi TTTT phát triển ở mức độ cao, định hướng hoạt động kinh doanh của các NHTM không chỉ dùng lại ở các nghiệp vụ cho vay truyền thống đơn thuần mà sẽ gia tăng dịch vụ và hàng hóa cung ứng để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, đặc biệt là các hình thức kinh doanh chênh lệch giá với sự phát triển của thị trường repo, thị trường chứng khoán phái sinh.
(iii) Tính đa dạng và năng lực của các thành viên tham gia thị trường:
Mọi thành viên trong nền kinh tế đều có thể tham gia TTTT và đều có thể trở thành thành viên/chủ thể của thị trường. Thông thường, thành viên của TTTT gồm 2 loại chính: (1) Đại diện cho bên cung vốn là những tổ chức, cá nhân tạo nên thị trường như cung ứng hàng hóa hoặc tổ chức việc giao dịch mua bán, vay mượn trên thị trường; (2) Đại diện cho bên cầu vốn là những nhà đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa trên thị trường. Theo đó, thị trường phát triển càng cao thì xuất hiện càng nhiều các thành viên tạo lập thị trường như các nhà môi giới (brokers) và kinh doanh tiền tệ (dealers), góp phần kết nối người mua và người bán để các công cụ, hàng hóa trên TTTT lưu thông một cách thuận lợi, nhanh chóng hơn; đồng thời các hình thức sở hữu, loại hình của các thành viên tham gia thị trường cũng phong phú và đa dạng hơn.
Bên cạnh đó, năng lực của các thành viên tham gia thị trường cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường nói chung. Chẳng hạn các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, kinh doanh hiệu quả sẽ tham gia nhiều hơn vào thị trường do có thể giải quyết nhu cầu vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu công ty với chi phí thấp hơn lãi suất cho vay ngân hàng. Các NHTM, các tổ chức tài chính khác tham gia giao dịch trên TTTT, đặc biệt là thị trường liên ngân hàng thường không có tài sản đảm bảo, chủ yếu dựa trên uy tín kinh doanh; do đó, năng lực tài chính của từng thành viên chính là yếu tố quyết định việc các thành viên có dễ dàng tiếp cận nguồn vốn khi có nhu cầu, tạo lòng tin giữa các thành viên trên thị trường, giảm thiểu rủi ro và đổ vỡ trên thị trường.
Tóm lại, một TTTT phát triển là một thị trường đảm bảo sự luân chuyển vốn luôn thông suốt, đảm bảo phân bổ vốn một cách hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế. Theo đó, các thành viên tham gia thị trường phải có năng lực tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh hiệu quả.
(iv) Lãi suất trên thị trường phản ánh đúng cung cầu vốn của thị trường TTTT càng phát triển, mức độ cạnh tranh trên thị trường liên ngân hàng càng lớn, do đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng càng phản ánh chính xác cung cầu vốn của TTTT. Mặt khác, sự phát triển ngày càng phong phú của các hình thức kinh doanh chênh lệch giá cũng góp phần làm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ngày càng phản ánh chính xác cung cầu vốn trên thị trường.
(v) Sự phát triển của cơ sở hạ tầng (hệ thống thông tin) hỗ trợ hoạt động của thị trường TTTT càng phát triển thì nhu cầu thanh toán thông qua hệ thống điện tử sẽ ngày càng tăng. Theo đó, hệ thống công nghệ thông tin cũng phải phát triển ở mức độ tương ứng để xử lý thông tin và thực hiện các giao dịch nhanh, chính xác, kịp thời. Hệ thống này bao gồm các cấu phần sau:
– Hệ thống giao dịch điện tử liên ngân hàng đảm bảo kết nối với hệ thống Kho bạc Nhà nước để thực hiện việc thanh toán tập trung tài khoản Kho bạc Nhà nước tại NHNN và kết nối với hoạt động hệ thống thanh toán bù trừ và quyết toán tiền giao dịch Trái phiếu Chính phủ để thực hiện quyết toán trái phiếu chính phủ tại NHNN.
– Hệ thống giao dịch tập trung (còn gọi là hệ thống thông tin tập trung) giữa các thị trường bộ phận của TTTT.
– Hệ thống thông tin thống kê ngành Ngân hàng phục vụ công tác thống kê, dự báo, phân tích tình hình thị trường.
– Hệ thống thanh toán bù trù quốc giaphục vụ cho các giao dịch bán lẻ.
– Hệ thống thanh toán của từng TCTD phục vụ cho các nghiệp vụ kinh doanh trên TTTT (hệ thống thanh toán ngoại tệ, hệ thống thanh toán chứng khoán, hệ thống thanh toán thẻ, hệ thống thanh toán nội bộ của từng NHTM và hệ thống thanh toán song phương).
Trả lời