Hiện nay, mỗi nước thành viên trong ASEAN có sự ưu tiên phát triển ngành nghề khác nhau, dẫn tới việc mất cân đối trên thị trường lao động và hình thành các dòng di chuyển lao động nội khối để bù lấp.
Như vậy, mỗi quốc gia có chiến lược phát triển kinh tế riêng tùy theo đặc điểm và trình độ. Mặt khác, trong quá trình hội nhập các nước đều có xu hướng bảo vệ việc làm cho lao động trong nước. Các nước phát triển sẽ có xu hướng thuê lao động nước ngoài vào các lĩnh vực mà người dân/lao động trong nước không muốn làm hoặc không đủ trong một số ngành nghề, trong khi các nước kém phát triển thì có xu hướng tuyển dụng các lao động có kỹ năng tay nghề cao ở các lĩnh vực nghề nghiệp mà lao động trong nước không đáp ứng được.
Những nước là điểm đến chủ yếu trong ASEAN như Xing-ga-po, Ma-lai-xia, Bru-nây, Thái Lan là những nước tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ. Những ngành nghề ưu tiên phát triển tại các quốc gia này đòi hỏi lao động làm việc phải có kỹ năng và trình độ cao như dịch vụ tài chính, ô tô và thiết bị điện tử, dịch vụ xã hội, dầu khí… Dưới tác động của kỷ nguyên số và CMCN 4.0, các nước có trình độ phát triển hơn và kể cả các nước ASEAN khác cũng đang triển khai các nỗ lực để ứng dụng khoa học và công nghệ, ICT vào trong các ngành kinh tế nhằm tăng năng suất lao động, xây dựng nền kinh tế thông minh và dựa vào tri thức. Báo cáo “Các kỹ năng mới trong công việc: quản lý thách thức về kỹ năng tại các nước ASEAN-5” đã chỉ rõ những nhu cầu kỹ năng tương lai của các nước ASEAN-5 như sau:
Tại Ma-lai-xia, 12 lĩnh vực kinh tế chủ yếu của quốc gia (NKEAs) dự kiến tạo thêm 1,52 triệu việc làm từ năm 2016-2020. Các chương trình quốc gia hướng đến tăng lượng lao động có kỹ năng từ 28% năm 2015 lên 35% vào năm 2020 và giảm những lao động trình độ trung bình và kỹ năng thấp lần lượt từ 62% xuống 58% và 10% xuống 7% trong thời gian này (Phụ lục 10). Khoảng 60% trong 1,52 triệu việc làm mới đòi hỏi phải có các kỹ năng liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và kỹ thuật (TVET) song rất khó tìm được người làm việc do không hấp dẫn giới trẻ.
Trong số những NKEA, ngành dầu và khí đốt dự kiến tạo ra 26.900 việc làm mới (40% là những ngành liên quan kỹ sư và địa chất và đang khó tìm được người làm việc phù hợp). Ngành điện tử và điện lạnh dự kiến tạo ra 58.000 việc làm mới song cũng không phải là hấp dẫn với người dân trong nước.
ICT sẽ cần khoảng 43.000 việc làm mới do NKEAs tạo ra và 160.000 các việc làm có kỹ năng cao giá trị cao đòi hỏi phải có các kỹ năng về ICT vào năm 2020.
Với những thực tế trên, Ma-lai-xia cũng đang tính đến việc mở rộng biên độ và rút bớt thủ tục thuê lao động có kỹ năng ở nước ngoài và tăng cường thu hút chuyên gia Ma-lai-xia đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài quay trở về Ma-lai- xia trong thời gian tới.
Tại Xing-ga-po, nền kinh tế Xing-ga-po trong những năm vừa qua đánh dấu sự thống trị của ngành dịch vụ, chiếm tới 67,9% của GDP vào năm 2015. Trong ngành dịch vụ, các ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), tài chính và bảo hiểm là thành tố dẫn đầu, chiếm lần lượt tới 4% và 12,8% của GDP. Ngành sản xuất tiếp tục là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế để đảm bảo mục tiêu đa dạng hoá nền kinh tế của chính phủ, trong đó ngành điện tử, dược sinh học và hoá chất là những mảng lớn nhất.
Phân tích từ những sự thiếu hụt và nhu cầu lao động của nền kinh tế, ngành ICT là ngành có nhu cầu cao nhất, liên quan đến rất nhiều các nghề có nhu cầu cao trong thời gian tới. Lĩnh vực ICT của Xing-ga-po đã sử dụng 150.000 lao động vào năm 2015, trong đó 1/3 là lao động nước ngoài. Nếu tính cả nhu cầu liên quan đến ICT của các ngành khác nữa thì tổng số các chuyên gia ICT mà Xing-ga-po cần có sẽ có thể phải là 39.000 vào năm 2020, đặc biệt là chuyên gia an ninh mạng, phân tích dữ liệu, cơ sở hạ tầng phát triển và kết nối mạng.
Các nghề liên quan đến kỹ thuật vẫn là những nghề cần và khó tìm lao động trong nước. Trong năm 2016, chính phủ đã tuyên bố cần thuê thêm khoảng 1.000 kỹ sư liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng.
Việc làm trong ngành tài chính và bảo hiểm của Xing-ga-po đã không còn là ngành cần nhiều lao động nước ngoài nữa.
Tại Thái Lan, với xu hướng chuyển dịch kinh tế, ngành sản xuất ô tô hiện có khoảng 600.000 – 700.000 lao động làm việc (chiếm 1,6%-1,8% LLLĐ) và sử dụng
120.000 lao động nước ngoài, chủ yếu làm công việc có kỹ năng thấp. Với xu hướng chuyển dần sang sản xuất dựa nhiều vào công nghệ và nghiên cứu-phát triển, ngành công nghiệp này sẽ đòi hỏi tăng số kỹ thuật viên có kỹ năng và kỹ sư lên 100.000 vào năm 2025 và vì thế cần phải chuyển dịch từ lao động có kỹ năng thấp lên các kỹ thuật viên có kỹ năng.
Về ICT, theo dự tính, mỗi năm Thái Lan vẫn cần thêm khoảng 6.000 – 7.000 lao động ICT song lao động trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 1.3, và do đó cần khoảng 4.000-5000 lao động nước ngoài đến làm việc.
Du lịch tiếp tục là một trong những ngành có nhu cầu lao động cao trong thời gian tới. Với số lượng khách đến ngày càng tăng lên tới 29 triệu người năm 2015 và tăng khoảng 3 triệu mỗi năm cho đến năm 2020 theo hình thức du lịch thông thường và du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, ngành du lịch Thái Lan cần tới 200.000 người lao động có kỹ năng mỗi năm nhưng chỉ có 10% lao động trong nước đáp ứng được yêu cầu và có tới 70% lao động có kỹ năng rời khỏi ngành này để chuyển sang việc làm khác hoặc học cao hơn sau 3 năm làm việc.
Đánh giá chung về nhu cầu lao động kỹ năng của các nước ASEAN cho thấy:
– Nhu cầu lao động từ các nước ASEAN là rất lớn với tổng số lao động làm việc chiếm tới 51% lao động di cư của thế giới. Đặc biệt, dòng di chuyển lao động của ASEAN sôi động hơn bất kỳ một khu vực nào trên toàn cầu, trong đó Xing-ga-po là nước già hoá, cùng Ma-lai-xia và Thái Lan nhận khá nhiều lao động (từ 1,4-2,2 triệu lao động làm việc tại các nước này hàng năm) song bản thân Ma-lai-xia cũng có nhiều lao động làm việc tại Xing-ga-po. Bru-nây là nước nhận lao động thuần có số người lao động di cư khoảng 100.000 người làm việc hàng năm. Sở dĩ ASEAN có tần suất và số lượng di chuyển lớn là do:
+ Sự khác biệt trong phát triển kinh tế và cơ cấu kinh tế của các nước, với số GDP/đầu người chênh lệch rất lớn giữa các nước thành viên dẫn đến chênh lệch về năng suất lao động và do đó thu nhập/tiền lương có sự chênh lệch lớn, dẫn đến dòng lao động được đổ về các nước có thu nhập bình quân cao như Xing-ga-po, Bru-nây, Ma-lai-xia, Thái Lan. Những khác biệt này sẽ ảnh hưởng đến xu hướng di cư lao động: người lao động sẽ đến tìm việc ở những thị trường có nhu cầu lao động, mức lương và năng suất lao động cao hơn.
+ Lực lượng lao động của các nước ASEAN rất khác nhau, từ Bru-nây với đến In-đô-nê-xia là 118,2 triệu người. Người dân những nước có thu nhập cao, dân số ít thường có xu hướng không làm những việc có mức lương thấp, việc chân tay trong khi những nước đông lao động, có tỷ lệ thất nghiệp cao, lương thấp có mong muốn tìm được việc làm tốt hơn và điều kiện sống ở nước ngoài. Sự khác nhau về đặc điểm dân số này sẽ tạo dòng di chuyển lớn trong khu vực.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ lao động di chuyển trong nội khối thời gian vừa qua là lao động có trình độ thấp và trung bình chiếm đa số trong khi lao động có kỹ năng cao, lao động bậc cao dần ít đi trong những nghề có số lao động di cư về truyền thống là cao. Điều này có thể lý giải ở việc bản thân các nước ASEAN chưa gây dựng được năng lực thực sự về đào tạo lao động kỹ năng, trừ Xing-ga-po và một phần ít của Ma-lai-xia, Thái Lan và Phi-lip-pin, phần vì bản thân các nước cũng cố gắng bảo vệ các vị trí việc làm có kỹ năng dành cho người dân nước mình, phần nữa là theo truyền thống vẫn có lao động bậc cao từ các nước khác cũng xâm nhập thị trường này như Ấn độ, Úc hay Mỹ…
Xu hướng nhu cầu lao động di cư trong tương lai sẽ có nhiều thay đổi. Tác động của CMCN 4.0 và định hướng phát triển các nền kinh tế dựa vào tri thức, đặc biệt là ngành dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong ngành kinh tế của mỗi nước đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế, phát sinh những ngành nghề và nhu cầu kỹ năng mới, đặc biệt các công việc trực tiếp về ICT hay công việc đòi hỏi kỹ năng liên quan đến ICT. Các lao động kỹ năng trong ngành tài chính, ngân hàng hay quản lý vẫn là những yêu cầu của thiếu hụt kỹ năng song phải gắn liền với khả năng xử lý công nghệ. Ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch chữa bệnh và nghỉ dưỡng, điều dưỡng cũng đang nổi lên là một nhu cầu tương lai trong xã hội già hóa của ASEAN… và có rất nhiều ngành đòi hỏi lao động giỏi về kỹ năng thực hành chứ không chỉ là học thuật… Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ về khả năng thúc đẩy việc Công nhận kỹ năng lẫn nhau (Mutual Recognition of Skills – MRSs) trong thời gian tới.
MRAs với mục tiêu thúc đẩy di chuyển tự do của lao động có kỹ năng trong ASEAN và là điều kiện tiền đề để mở rộng thị trường lao động bậc cao trước hết trong 8 ngành nghề và sau đó là mở rộng ra các ngành nghề khác. Tuy nhiên, trên thực tế thực hiện, có quá nhiều rào cản trong việc đạt được những mục tiêu đề ra, dẫn đến số lượng chuyên gia thực tế đã được đăng bạ trong danh mục chuyên gia ASEAN di chuyển vô cùng hạn chế (sẽ được phân tích cụ thể hơn trong phần 3.5). Cần phải thực hiện rất nhiều các biện pháp để thúc đẩy MRAs trong thời gian tới
Trả lời