Quy trình quyết toán:
Kết thúc năm ngân sách, trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan tài chính về việc khóa sổ kế toán và quyết toán niên độ ngân sách hằng năm, các đơn vị dự toán thực hiện khóa sổ quyết toán, lập báo cáo quyết toán ngân sách năm gửi đơn vị quản lý cấp trên để tổng hợp gửi cơ quan tài chính đồng cấp. Đối với các đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách thì gửi cơ quan tài chính đồng cấp. Đối với các địa phương, Ban Tài chính xã lập quyết toán thu, chi ngân sách cấp xã trình UBND xã xem xét gửi Phòng Tài chính huyện; đồng thời UBND xã trình HĐND xã phê chuẩn. Sau khi được HĐND xã phê chuẩn, UBND xã báo cáo bổ sung, quyết toán ngân sách gửi Phòng Tài chính huyện. Phòng Tài chính huyện thẩm định quyết toán thu, chi ngân sách xã; lập quyết toán thu, chi ngân sách cấp huyện (trong đó có nội dung chi NSĐP cho GDCL trên địa bàn huyện); tổng hợp, lập báo cáo quyết toán thu NSNN trên địa bàn huyện và quyết toán thu, chi ngân sách huyện (bao gồm quyết toán thu, chi ngân sách cấp huyện và quyết toán thu, chi ngân sách cấp xã) trình UBND cấp huyện xem xét gửi Sở Tài chính; đồng thời UBND cấp huyện trình HĐND cấp huyện phê chuẩn. Sau khi được HĐND cấp huyện phê chuẩn, UBND báo cáo bổ sung, quyết toán ngân sách gửi Sở Tài chính.
Sở Tài chính thẩm định quyết toán thu NSNN phát sinh trên địa bàn huyện, quyết toán thu, chi ngân sách huyện; lập quyết toán thu, chi ngân sách cấp tỉnh; tổng hợp lập quyết toán thu NSNN trên địa bàn tỉnh và quyết toán thu, chi NSĐP (bao gồm: quyết toán thu, chi ngân sách cấp tỉnh; quyết toán thu, chi ngân sách cấp huyện và quyết toán thu, chi ngân sách cấp xã) trình UBND cấp tỉnh xem xét gửi Bộ Tài chính; đồng thời UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh phê chuẩn. Sau khi được HĐND cấp tỉnh phê chuẩn, UBND báo cáo bổ sung, quyết toán ngân sách gửi Bộ Tài chính.
Thời gian nộp và xét duyệt quyết toán:
Từ Kỳ báo cáo quyết toán ngân sách năm 2012, thời hạn quyết toán NSĐP thực hiện theo công văn số 812/UBND-KTTC ngày 01/02/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa về Quy định thời hạn nộp báo cáo quyết toán năm của các đơn vị dự toán thuộc NSĐP. Theo đó:
– Thời hạn nộp Báo cáo quyết toán năm của các đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã, thành phố chậm nhất là 45 ngày, sau khi kết thúc kỳ kế toán năm.
– Thời hạn nộp Báo cáo quyết toán năm của các đơn vị trực thuộc cấp 1 do đơn vị dự toán cấp 1 quy định; đảm bảo thời gian để đơn vị dự toán cấp 1 kiểm tra xét duyệt quyết toán cho các đơn vị trực thuộc và lập Báo cáo tổng hợp gửi cơ quan tài chính theo thời hạn quy định.
– Đối với ngân sác các cấp ở địa phương: thực hiện theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo Luật NSNN UBND cấp tỉnh (Sở Tài chính) phải gửi Báo cáo quyết toán NSĐP cho Bộ Tài chính chậm nhất vào ngày 1/10 của năm ngân sách sau.
Theo quy định về phân cấp quản lý chi NSĐP tỉnh Thanh Hóa, Sở Tài chính quản lý trên 100 đơn vị dự toán ngành giáo dục, cùng với trên 200 đơn vị dự toán cấp tỉnh thuộc các ngành, lĩnh vực khác. Do đó, khối lượng công việc quyết toán nhiều trong thời gian ngắn (khoảng 03 tháng, từ tháng 02 đến hết tháng 4 hàng năm), tập trung ở bộ phận phụ trách các đơn vị dự toán cấp tỉnh nên việc thẩm định, xét duyệt quyết toán thường không đảm bảo về mặt thời gian.
Nội dung xét duyệt:
Việc thẩm định quyết toán năm được thực hiện theo nguyên tắc xét duyệt từng khoản thu, chi phát sinh tại đơn vị; đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các khoản thu (các chế độ thu học phí và thu khác của nhà nước); sự tuân thủ các điều kiện theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với các khoản chi NSĐP cho GDCL; đảm bảo các khoản thu, chi hạch toán theo đúng chế độ kế toán, mục lục NSNN, đúng niên độ ngân sách; đảm bảo tính hợp pháp của các chứng từ thu, chi, tính khớp đúng giữa sổ sách kế toán và báo cáo quyết toán với chứng từ và số liệu của KBNN.
Khi thẩm định quyết toán ngân sách đối với các đơn vị dự toán thuộc ngân sách cấp mình và ngân sách cấp dưới trực thuộc, cơ quan tài chính thực hiện thẩm định các nội dung: kiểm tra tính đầy đủ và khớp đúng giữa các số liệu quyết toán theo quy định; bảo đảm khớp đúng giữa số liệu quyết toán của đơn vị dự toán cấp I với các thông báo duyệt quyết toán của cơ quan, đơn vị trực thuộc và xác nhận số liệu của Kho bạc Nhà nước; Xem xét, xác định tính chính xác và hợp pháp của số liệu quyết toán của các khoản tăng, giảm so dự toán được giao; và nhận xét về quyết toán năm.
Xét về nội dung quyết toán, việc quyết toán chi NSĐP cho GDCL hiện nay mới chỉ thực hiện quyết toán tài chính, thực hiện việc đối chiếu số liệu để đảm bảo tính phù hợp, tính khớp đúng của các khoản chi mà chưa có sự xem xét, đánh giá sự phù hợp giữa nguồn tài chính được giao với kết quả thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị. Đối với lĩnh vực chi NSĐP cho GDCL, cơ quan tài chính khi quyết toán chủ yếu kiểm tra, đối chiếu số liệu quyết toán của các đơn vị dự toán để đảm bảo khớp đúng với dự toán giao và đối chiếu của KBNN. Do đa số các đơn vị dự toán, các địa phương được giao dự toán theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao nên không thực hiện so sánh kết quả thực hiện nhiệm vụ (số học sinh thực hiện) so với chỉ tiêu tính dự toán (số học sinh tính dự toán) đối với các địa phương, đơn vị dự toán được phân bổ kinh phí theo chỉ tiêu học sinh. Một số đơn vị có thực hiện so sánh nhưng việc xuất toán trả lại NSNN khi các đơn vị, địa phương thực hiện không thực hiện đạt chỉ tiêu là rất ít do phần lớn các đơn vị, địa phương dành kinh phí để chi trả chế độ cho lao động trong biên chế và đã được KBNN kiểm soát chứng từ chi.
Số liệu quyết toán trong báo cáo quyết toán năm của các đơn vị dự toán chủ yếu được tổng hợp theo nguyên tắc đảm bảo chính xác, trung thực, đầy đủ và so sánh với dự toán ngân sách. Do cơ chế quản lý NSĐP nói chung ở tỉnh Thanh Hóa cơ bản thực hiện quản lý theo yếu tố đầu vào nên báo cáo quyết toán của các đơn vị chưa có đánh giá số lượng, chất lượng đầu ra (số học sinh tốt nghiệp, kết quả học tập, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh bỏ học).
Để lại một bình luận