Được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thủy sản là một trong những ngành đi đầu trong việc phát triển kinh tế biển, đảo, có khả năng cạnh tranh, phát triển ổn định, bền vững. Với mục tiêu phát triển ngành thủy sản để góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống dân cư ven biển; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới và nâng cấp tàu khai thác xa bờ, trang thiết bị công nghệ hiện đại, đặc biệt chú trọng khâu dịch vụ hậu cần, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư thiết bị hiện đại cho công việc bảo quản sản phẩm sau khai thác và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ việc đóng mới tàu cá, không phát triển tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15m, công suất dưới 90CV, giảm dần số tàu nhỏ đánh bắt gần bờ.
Đến nay ngành thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những bước phát triển đáng kể và nhất là việc phát triển số lượng tàu, thuyền đánh cá thực hiện khai thác thủy sản, Năm 2010 toàn tỉnh có trên 6.700 tàu cá, với tổng công suất trên 750.000 CV trong đó, 40% là các tàu đánh bắt xa bờ với 2,536 chiếc, tăng 1.370 chiếc so với năm 2005. Đến năm 2014 số tàu cá giảm còn khoảng 6.270 chiếc, nhưng tổng công suất đạt khoảng 1.040.000 CV và số tàu đánh bắt xa bờ là trên 3.500 chiếc, tăng khoảng 1.000 chiếc so với năm 2010, có 47 tàu dịch vụ, phục vụ đánh bắt xa bờ [136]. Phần lớn các tàu được đầu tư trang bị các loại máy móc hiện đại như: máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu…, nhờ đó sản lượng khai thác cũng không ngừng tăng lên, năm 2003 đạt khoảng 165 ngàn tấn thủy, hải sản trong đó 135 ngàn tấn cá, 3000 ngàn tấn tôm, hơn 28,3 ngàn tấn hải sản khác, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 102,5 triệu USD; đến năm 2008 sản lượng khai thác đã đạt khoảng 265 ngàn tấn trong đó khai thác từ biển là 250 ngàn tấn với 206 ngàn tấn cá; năm 2012 là 285.366 tấn, xuất khẩu đạt hơn 10.600 tỷ đồng (khoảng 450 triệu USD) và năm 2013 ước đạt 299.430 tấn thủy hải sản các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt 13.859 tỷ đồng (khoảng 650 triệu USD).
Cũng trong những năm qua hạ tầng nghề cá cũng được tỉnh quan tâm đầu tư từng bước hoàn thiện như: Quy hoạch các khu nuôi trồng thủy sản lớn, tập trung ở các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Tân Thành, Côn Đảo và TP Vũng Tàu, tỉnh đã đầu tư xây dựng cảng cá Cát Lở hiện đại nhất khu vực Đông Nam Bộ, cùng với 08 cảng cá hiện có đã được đầu tư nâng cấp kiên cố và bán kiên cố với tổng chiều dài khoảng 1.463m, có khả năng đáp ứng các dịch vụ hậu cần thủy sản tại cảng đạt khoảng 360.000 tấn thủy sản/năm; các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng và cấp tỉnh cũng từng bước được hình thành và đi vào hoạt động, bước đầu đã phát huy được hiệu quả như khu neo đậu Bình Châu (Xuyên Mộc); toàn tỉnh có 08 cơ sở dịch vụ đóng mới và sửa chữa tàu thuyền với năng lực đóng mới khoảng 350 chiết/100.000 CV và sửa chữa khoảng 3.500 chiết /năm, có khả năng đáp ứng một phần nhu cầu đóng mới và sửa chữa cho ngư dân .
Tỉnh cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển đảo, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu vật nuôi và đa dạng hóa loại hình nuôi, đối tượng nuôi trên cả ba vùng biển, lợ, ngọt, nhất là tập trung vào nuôi trên biển các loài hải sản có giá trị kinh tế cao tại huyện Côn Đảo, theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước; đi đôi với việc chuyển giao khoa học và kỹ thuật, để người dân hình thành nên các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung an toàn, ổn định, bền vững trên cơ sở đảm bảo môi trường, cảnh quan đa dạng và độc đáo trên vùng biển, đảo tươi đẹp, góp phần vào sự liên kết du lịch thăm quan biển, đảo với du lịch văn hóa tâm linh với mua sắm và thưởng thức đặc sản biển tại Côn Đảo.
Trả lời