Thành phần “chủ nghĩa yêu nước” nổi lên từ các quan điểm và tranh luận của người tiêu dùng Việt Nam về lòng yêu nước với các nội dung như ở bảng 3.10. Đối chiếu với các nghiên cứu trước có các thang đo của Kosterman và Feshbach (1989) đo lường lòng yêu nước của người dân Mỹ, Karasawa (2002) đo lường lòng yêu nước của người dân Nhật, nghiên cứu này rút ra nhận xét:
Lòng yêu nước của người dân ở mỗi dân tộc sẽ có cách biểu hiện giống và khác nhau. Không có điều gì đảm bảo chắc chắn rằng lòng yêu nước của người Mỹ thì giống hoàn toàn người Nhật và người Nhật thì tương tự như người Việt Nam mà giữa các quốc gia sẽ có một số điểm tương đồng và một số điểm khác biệt.
Điểm tương đồng thể hiện lòng yêu nước của người dân Mỹ, Nhật và Việt Nam thể hiện ở các từ khóa in nghiêng trong bảng 3.10 ví dụ., yêu Tổ quốc, luôn nhắc nhở bản thân là người Việt.
Một số điểm khác nhau được tìm thấy ví dụ như một số ý kiến của người tiêu dùng cho rằng yêu nước là phải “lo tốt cho bản thân”, “mong muốn đất nước tốt đẹp, phát triển, có vị thế”. Tuy nhiên, nếu bám sát khái niệm chủ nghĩa yêu nước mà Kosterman và Feshbach (1989), Karasawa (2002) đã đề xuất thì có thể thấy phần lớn nội dung đo lường đã được thể hiện qua các từ khóa minh họa ở bảng 3.10.
Klein và Ettenson (1999); Tian và Pasadeos (2012) cung cấp bằng chứng cho mối quan hệ cùng chiều giữa “chủ nghĩa yêu nước” và “sự ác cảm” tuy nhiên kết quả nghiên cứu của Ishii (2009) không ủng hộ cho mối quan hệ này. Sự thiếu nhất quán về kết quả nghiên cứu có thể lý giải bởi nội dung của khái niệm “sự ác cảm” mà nhóm tác giả Harmeling (2015) đã giải thích ở chương trước. Luận án này phân tách “sự ác cảm” thành hai thành phần “đánh giá mang tính ác cảm” và cảm xúc tiêu cực gồm “tức giận”, “khinh ghét” và “lo lắng”. Vì những người yêu nước là những người có tình yêu, tình cảm gắn bó với đất nước mà họ đang sống nên khi quốc gia của họ gặp bất kỳ biến cố gì mà những biến cố này ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế, chủ quyền của quốc gia, họ sẽ phản kháng mạnh mẽ.
Điều này có nghĩa là mức độ yêu nước của họ càng cao thì những đánh giá mang tính ác cảm của họ và những cảm xúc tiêu cực của họ đối với biến cố mà một quốc gia gây ra cho quốc gia của họ sẽ càng tăng theo. Do đó, nghiên cứu này đề xuất có mối quan hệ cùng chiều giữa “chủ nghĩa yêu nước” đối với “đánh giá mang tính ác cảm mối quan hệ”, “đánh giá mang tính ác cảm về kinh tế”, cảm xúc “giận dữ”, “khinh ghét”, “lo lắng”. Với lập luận tương tự, những người có chủ nghĩa yêu nước càng cao thì họ sẽ càng quan tâm đến các vấn đề đất nước đang gặp phải, sự thờ ơ của họ sẽ giảm xuống. Do đó, giả thuyết được đề xuất: có mối quan hệ nghịch chiều giữa “chủ nghĩa yêu nước” và “sự thờ ơ”.
Để lại một bình luận