Có thể khẳng định, vai trò của Nhà nước hỗ trợ DN nâng cao NLCT được thể hiện và thực hiện qua các chính sách kinh tế của Nhà nước. NLCT của doanh nghiệp bên cạnh những cố gắng, nỗ lực chủ quan nội tại của doanh nghiệp (Tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh; năng lực vốn và hiệu quả sử dụng vốn, khả năng chiếm lĩnh thị trường; chi phí, giá thành sản phẩm; chất lượng lao động; khả năng quản trị doanh nghiệp) còn phụ thuộc rất lớn vào môi trường đầu tư, kinh doanh mà yếu tố đó phụ thuộc rất nhiều vào chính sách kinh tế của Nhà nước với vai trò “bà đỡ”, định hướng, dẫn dắt, “kiến tạo” Hay nói khác đi giữa chính sách kinh tế của Nhà nước và NLCT của doanh nghiệp có mối quan hệ tác động qua lại, biện chứng với nhau.
Chính sách kinh tế của Nhà nước ban hành phù hợp, kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra đời, phát triển, thành công đồng nghĩa với NLCT doanh nghiệp được nâng cao. Khi đó, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cao, nền kinh tế phát triển, Nhà nước có nhiều nguồn thu, đóng góp từ các doanh nghiệp, có điều kiện phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật(đường giao thông, sân bay, bến cảng, hệ thống cấp điện, cấp nước…) cũng như hệ thống giáo dục, y tế, an sinh xã hội… và các yếu tố đó lại tác động trở lại giúp các doanh nghiệp giảm các chi phí trung gian, chi phí đầu vào, có nguồn nhân lực tốt, người lao động yên tâm với công việc, năng suất lao động được nâng cao, giá thành sản phẩm hạ, giúp cho NLCT doanh nghiệp được nâng lên.


Ngược lại, chính sách kinh tế của Nhà nước thiếu thuận lợi, không thông thoáng, không phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển hoặc không kịp thời sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hoạt động kém hiệu quả, đổ vỡ, phá sản sẽ tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, xã hội quốc gia (thu ngân sách giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đời sống người lao động, người dân khó khăn) tạo ra gánh nặng cho Nhà nước.
Cụ thể, Nhà nước và CSKT của Nhà nước có vai trò hỗ trợ DN trên các nội dung sau:

Nhà nước, CSKT của Nhà nước là công cụ quan trọng góp phần định hướng các
hành vi của các chủ thể kinh tế xã hội để cùng hướng về mục tiêu phát triển đất nước. Chính sách kinh tế xác định những chỉ dẫn chung cho quá trình ra quyết định của các chủ thể kinh tế, vạch ra phạm vi hay giới hạn cho phép của các quyết định của các chủ thể, quyết định nào có thể và quyết định nào không thể. Chính sách kinh tế của Nhà nước định hướng việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực nhằm giải quyết vấn đề phát triển một cách kịp thời, có hiệu quả. Vai trò định hướng được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội hay các quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, chương trình phát triển của quốc gia cũng như địa phương.


Chính sách được Nhà nước ban hành để giải quyết những vấn đề bức xúc phát sinh trong đời sống kinh tế xã hội, điều tiết những mất cân đối, bất hợp lý, mâu thuẫn, những hành vi không phù hợp, nhằm tạo ra nột hành lang hợp lý cho các hoạt động kinh tế xã hội theo các mục tiêu đã đề ra. Thông qua các quy hoạch, các cân đối ngành, vùng, thành phần kinh tế, CSKT của Nhà nước tạo sự phát triển hài hòa, hiệu quả, bền vững cho đất nước. Để khuyến khích thu hút đầu tư vào các địa phương nghèo, vùng núi, Chính phủ có chính sách, chương trình ưu đãi cho các vùng đặc biệt khó khăn hay ưu đãi vào KCN, KKT.
Chức năng mang tính truyền thống và quan trọng nhất của chính sách là xây dựng và nâng cấp các yếu tố quyết định sự phát triển như: Khoa học và công nghệ; nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, hệ thống thông tin, thị trường vốn.

Nhà nước cũng tạo tiền đề cho sự phát triển bằng cách đi tiên phong đầu tư các lĩnh vực mới, đòi hỏi đầu tư lớn, có độ mạo hiểm cao, hiệu quả tài chính thấp và cũng thông qua chính sách để lôi cuốn các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác cùng tham gia thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp như hỗ trợ về vốn, đất đai, đào tạo lao động, khoa học công nghệ, thị trường, kết cấu hạ tầng. Để khuyến khích kinh tế tư nhân trở thành “động lực quan trọng” phát triển đất nước, Quốc Hội thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ có chương trình “1 triệu doanh nghiệp” vào năm 2020, thành lập quỹ hỗ trợ.
Chính sách kinh tế của Nhà nước có vai trò kích thích, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội. Mỗi chính sách khi hướng vào giải quyết một vấn đề bức xúc đã làm cho sự vật phát triển thêm một bước, tác động lên những vấn đề khác có liên quan, làm nảy sinh những nhu cầu phát triển mới. Cụ thể như: giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đơn giản hóa thủ tục thành lập DN, xóa bỏ giấy phép con.
