Nguyễn Sinh Cúc (2011), “Tổng quan kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2010” trong Tạp chí Lý luận chính trị số 01 đã phân tích một cách khái quát về tình hình kinh tế thế giới đầu thế kỷ 21, những nét nổi bật của kinh tế xã hội nước ta sau 20 năm đổi mới; đồng thời chỉ ra những tác động của kinh tế thế giới ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, đặc biệt khi nước ta hội nhập sâu và nền kinh tế thế giới.
Bộ Ngoại giao (2005), “Ngành dịch vụ Việt Nam và định hướng phát triển trong thời gian tới” đã đề cập đến các ngành dịch vụ nước ta hiện nay, phân tích những lợi thế và những hạn chế, yếu kém trong cạnh tranh dịch vụ như dịch vụ cảng biển, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ du lịch và các lĩnh vực dịch vụ mới như bảo hiểm, tài chính… từ đó đề xuất những định hướng phát triển các lĩnh vực dịch vụ trong những năm tiếp theo.
Trần Hậu (2010), “Dịch vụ xã hội; một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 10. Trong bài viết này tác giả đã nêu lên một số quan điểm về dịch vụ, cách phân loại dịch vụ theo mục đích, theo chức năng, theo tính chất… Tuy nhiên trong bài viết này tác giả chỉ tập trung nghiên cứu về các hoạt động dịch vụ công mà không đề cập đến những giải pháp để phát triển các dịch vụ như cảng biển, dịch vụ du lịch.
Trương Quang Hoàn (2011), “Đánh giá quá trình thực hiện tự do hóa thương mại đối với một số lĩnh vực dịch vụ ưu tiên hội nhập ASEAN”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 10 đã khái quát những nội dung cùng với phân tích, đánh giá quá trình thực thi tự do hóa dịch vụ và những rào cản mà ASEAN gặp phải trong quá trình hội nhập như: Dịch vụ vận tải hàng không; dịch vụ du lịch; dịch vụ thông tin – thương mại điện tử; dịch vụ hậu cần logistics; dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe; đồng thời tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm thực thi hiệu quả các lĩnh vực dịch vụ ưu tiên khi hội nhập khu vực.
Phạm Thị Khanh (2008), “Phát triển nhanh và bền vững ngành dịch vụ ở Việt Nam”, Tạp chí Lý luận Chính trị số 7. Tác giả nêu lên một số thành tựu đạt được về kinh tế nước ta sau 20 năm đổi mới trong đó có lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt một lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng cao như: Dịch vụ khoa học – công nghệ, dịch vụ tài chính – tín dụng, dịch vụ vận tải – kho bãi… Song tác giả cũng đã phân tích những hạn chế, yếu kém của ngành kinh tế dịch vụ, so sánh tỷ trọng đóng góp của kinh tế dịch vụ vào GDP của Việt Nam với các nước trong khu vực như: Philippin, Thái Lan, Malaysia… từ đó đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển nhanh và bền vững ngành dịch vụ ở nước ta.
Bùi Tiến Quý (2000), “Phát triển và quản lý nhà nước về kinh tế dịch vụ”, Nhà xuất bản Khoa học & Kỹ thuật, 2000. Trong tài liệu này tác giả đã trình bày những những lý luận cơ bản về dịch vụ như: khái niệm, đặc điểm về dịch vụ và vai trò của kinh tế dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân, trong đời sống xã hội; tác giả cũng nghiên cứu những chế định của pháp luật nhằm điều chỉnh các hoạt động kinh tế dịch vụ, khái quát về sự phát triển của kinh tế dịch vụ ở Việt Nam trong một số lĩnh vực như: Dịch vụ vận tải hàng không; Dịch vụ vận tải biển; Dịch vụ viễn thông; Dịch vụ tài chính; Dịch vụ du lịch… và xu hướng phát triển kinh tế dịch vụ trên thế giới. Tuy nhiên tác giả chưa đưa ra những giải pháp nhằm phát triển các ngành kinh tế dịch vụ, đặc biệt là các giải pháp phát triển dịch vụ ở địa phương.
Đường Vinh Sường (2012), “Thị trường dịch vụ trong sự phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta”, Tạp chí Lý luận chính trị số 7. Tác giả phân tích, đánh giá tổng quát thị trường dịch vụ ở nước ta trong nhiều lĩnh vực, nêu lên những hạn chế của lĩnh vực này, so sánh lĩnh vực dịch vụ với các lĩnh vực kinh tế khác trong nền kinh tế, đồng thời đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động dịch vụ ở nước ta.
Luận án Tiến sĩ kinh tế của Nguyễn Ngọc Mạnh (2012), “Phát triển khu vực dịch vụ của Hoa Kỳ trong thập niên đầu thế kỷ XXI” đã trình bày một số lý luận cơ bản về phát triển ngành dịch vụ trong nền kinh tế, xu hướng phát triển ngành dịch vụ trên thế giới, vai trò của kinh tế dịch vụ trong nền kinh tế của các nước, phân tích thực trạng phát triển khu vực dịch vụ của Hoa Kỳ từ năm 2000 đến nay, rút ra những bài học kinh nghiệm trong phát triển dịch vụ của Hoa Kỳ, từ đó đề xuất một số gợi ý về chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành dịch vụ của Việt Nam. Tuy nhiên trong Luận án này tác giả mới chỉ đề xuất những giải pháp về chính sách phát triển dịch vụ của Việt Nam và một số giải pháp phát triển các ngành dịch vụ cụ thể như: Dịch vụ giáo dục đại học và sau đại học, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ khoa học và công nghệ, mà chưa đề cập đến dịch vụ cảng biển và dịch vụ du lịch biển, đảo.
Luận án Tiến sĩ kinh tế của Nguyễn Chiến Thắng (2010), “Phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam trong bối cảnh gia nhập WTO” đã trình bày những cơ sở lý luận và thực tiễn về khu vực kinh tế dịch vụ, vai trò của kinh tế dịch vụ trong nền kinh tế, xu hướng phát triển của dịch vụ trên thế giới, phân tích thực trạng phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam trong điều kiện trước và sau khi gia nhập WTO; Đồng thời tác giả đã nêu lên những quan điểm và giải pháp phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam trong bối cảnh gia nhập WTO. Tuy nhiên tác giả chỉ đi sâu phân tích thực trạng và đề xuất những giải pháp phát triển hai ngành dịch vụ của nước ta là dịch vụ ngân hàng và dịch vụ viễn thông trong bối cảnh thế giới hiện nay và khi Việt Nam hội nhập sâu WTO mà chưa đề cập đến dịch vụ cảng biển, dịch vụ du lịch và du lịch biển đảo.
Xuân Hòa – Phương Thanh (2013), “Để trở thành cường quốc biển: Phát triển dịch vụ logistics”. Trong bài viết này các tác giả đã phân tích khá sâu sắc và chi tiết về lợi thế biển, đảo của Việt Nam – đặc biệt là lợi thế để phát triển ngành hàng hải trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á; khẳng định vị trí của biển nước ta “không thua kém bất kỳ quốc gia nào”, tuy nhiên chúng ta vẫn còn yếu kém nhiều mặt trong tầm nhìn chiến lược, chính sách đầu tư… và, nêu một số giải pháp liên kết để giành lại thị phần dịch vụ cảng biển, quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đặc biệt cùng với dịch vụ vận tải đa phương thức với chất lượng cao, hướng đến dịch vụ trọn gói và mở rộng ra nước ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển dịch vụ logistics, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý đầu tư và khai thác cơ sở hạ tầng cảng biển phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển của Việt Nam, đồng thời luật hóa các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO.
Nguyễn Trùng Khánh (2011), “Một số chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch của Malaysia”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 10. Trong bài viết này tác giả đã nghiên cứu tương đối chi tiết những điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa của Malayxia nêu lên những chính sách về phát triển du lịch của Malayxia như: cải tổ bộ máy quản lý du lịch, triển khai nhiều chiến dịch tổng thể phát triển du lịch cho từng giai đoạn, tăng cường đầu tư cho phát triển hoạt động du lịch (tăng ngân sách cho quảng bá du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng mạng lưới văn phòng du lịch ở nước ngoài…), hỗ trợ các doanhnghiệp kinh doanh du lịch… nhờ đó mà năm 2010 Malayxia thu hút hơn 24,6 triệu khách quốc tế, thu nhập đạt trên 17,8 tỷ USD và thu nhập từ du lịch đứng thứ hai cho Malayxia sau công nghiệp. Đây là những bài học hết sức quý báu để ngành du lịch Việt Nam nói chung và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng tham khảo, học tập.
Võ Thị Thắng (1998), “Phát triển du lịch ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu trao đổi, số 11. Là một người đứng đầu ngành du lịch, tác giả đã đánh giá những tiềm năng to lớn của Việt Nam trong phát triển ngành du lịch, được coi là thế mạnh để phát triển kinh tế của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó đề ra một số định hướng cho phát triển ngành du lịch nước ta trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Trả lời