Chăn nuôi là một trong hai ngành chính của sản xuất nông nghiệp, song lại có những đặc điểm riêng rất khác với ngành trồng trọt đó là:
Thứ nhất, đối tượng tác động của ngành chăn nuôi là các cơ thể sống động vật, có hệ thần kinh cao cấp, có những tính qui luật sinh vật nhất định. Để tồn tại các đối tượng này luôn luôn cần đến một lượng tiêu tốn thức ăn tối thiểu cần thiết thường xuyên, không kể rằng các đối tượng này có nằm trong quá trình sản xuất hay không. Từ đặc điểm này, đặt ra cho người sản xuất ba vấn đề: Một là, bên cạnh việc đầu tư cơ bản cho đàn vật nuôi phải đồng thời tính toán phần đầu tư thường xuyên về thức ăn để duy trì và phát triển đàn vật nuôi này. Nếu cơ cấu đầu tư giữa hai phần trên không cân đối thì tất yếu sẽ dẫn đến dư thừa lãng phí hoặc sẽ làm chậm sự phát triển, thậm chí phá huỷ cả đàn vật nuôi này. Hai là, phải đánh giá chu kỳ sản xuất và đầu tư cho chăn nuôi một cách hợp lý trên cơ cở tính toán cân đối giữa chi phí sản xuất và sản phẩm tạo ra, giữa chi phí đầu tư xây dựng cơ bản và giá trị đào thải để lựa chọn thời điểm đào thải, lựa chọn phương thức đầu tư mới hay duy trì tái tạo phục hồi. Ba là, do có hệ thần kinh, nên vật nuôi rất nhạy cảm với môi trường sống, do đó đòi hỏi phải có sự quan tâm chăn sóc hết sức ưu ái, phải có biện pháp kinh tế, kỹ thuật để phòng trử dịch bệnh, đồng thời tạo điều kiện ngoại cảnh thích hợp cho vật nuôi phát triển.
Thứ hai, chăn nuôi có thể phát triển tĩnh tại tập trung mang tính chất như sản xuất công nghiệp hoặc di động phân bán mang tính chất như sản xuất nông nghiệp. Chính đặc điểm này đã làm hình thành và xuất hiện ba phương thức chăn nuôi khác nhau là phương thức chăn nuôi tự nhiên, phương thức chăn nuôi công nghiệp và chăn nuôi sinh thái.
Chăn nuôi theo phương thức tự nhiên là phương thức phát triển chăn nuôi xuất hiện sớm nhất trong lịch sử phát triển xã hội loài người, cơ sở thực hiện của phương thức này là dựa vào các nguồn thức ăn sẵn có ở tự nhiên tạo ra và vật nuôi tự kiếm sống. Trong chăn nuôi theo phương thức tự nhiên người ra chủ yếu sử dụng các giống vật nuôi địa phương, bản địa vốn dĩ đã có thích nghi với môi trường sống, điều kiện thức ăn và phương thức kiếm ăn. Phương thức này cũng chỉ tồn tại được trong điều kiện các nguồn thức ăn tự nhiều còn phong phú, dồi dào, sẵn có. Phương thức chăn nuôi này thường yêu cầu mức đầu tư thấp, không đòi hỏi cao về kỹ thuật song năng suất sản phẩm cũng thấp, chất lượng sản phẩm thường mang đặc tính tự nhiên nên cũng rất được ưa chuộng. Do vậy, phương thức này vẫn mang lại cho người chăn nuôi hiệu quả kinh tế khá cao nên cho đến ngày nay một số nơi trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì phương thức này.
Chăn nuôi theo phương thức chăn nuôi công nghiệp là phương thức chăn nuôi hoàn toàn đối lập với chăn nuôi theo phương thức tự nhiên. Phương châm cơ bản của chăn nuôi công nghiệp là tăng tối đa khả năng tiếp nhận thức ăn, giảm tối thiểu quá trình vận động để tiết kiệm hao phí năng lượng nhằm rút ngắn thời gian tích luỹ năng lượng, tăng khối lượng và năng suất sản phẩm.
Địa bàn chăn nuôi công nghiệp tĩnh tại trong chuồng trại với qui mô nhất định nhằm hạn chế tối đa vận động của vật nuôi để tiết kiệm tiêu hao năng lượng. Thức ăn cho chăn nuôi công nghiệp là thức ăn chế biến sẵn theo phương thứ công nghiệp có sử dụng các kích thích tố tăng trưởng để vật nuôi có thể cho năng quất sản phẩm cao nhất với chu kỳ chăn nuôi ngắn nhất. Phương thức chăn nuôi công nghiệp đòi hỏi mức đầu tư thâm canh rất cao, không phụ thuộc vào các điều kiện của tự nhiên nên năng suất sản phẩm cao và ổn định. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm chăn nuôi tự nhiên kể cả về giá trị dinh dưỡng, hương vị và tính chất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy vậy, chăn nuôi công nghiệp vẫn là một phương hức chăn nuôi đang được cả thế giới chấp nhận và phát triển vì nó tạo ra một sự thay đổi vượt bậc về năng suất và sản lượng sản phẩm chăn nuôi cho xã hội.
Phương thức chăn nuôi sinh thái là phương pháp chăn nuôi tiên tiến nhất, nó kế thừa được cả những ưu điểm của hai phương thức chăn nuôi tự nhiên và công nghiệp đồng thời cũng hạn chế, khắc phục được các mặt yếu kém và tồn tại của cả hai phương thức trên. Chăn nuôi sinh thái tạo các điều kiện ngoại cảnh để vật nuôi được phát triển trong môi trường tự nhiên trên cơ sở các nguồn thức ăn, dinh dưỡng mang tính chất tự nhiên nhưng do con người chủ động hình thành nên luôn luôn đảm bảo tính cân đối và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Để đạt được điều đó, chăn nuôi sinh thái phải dựa trên điều kiện của sự phát triển cao của khoa học, kỹ thuật, nhất là các thành tựu trong công nghệ sinh học về tạo giống, tạo tập đoàn thức ăn sinh học và môi trường sinh thái. Phương thức chăn nuôi sinh thái đang được thịnh hành phát triển ở các nước đã phát triển, và cung cấp sản phẩm cho khu vực tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao.
Thứ ba, chăn nuôi là ngành sản xuất đồng thời cho nhiều sản phẩm. Do vậy, tuỳ theo mục đích sản xuất để quyết định là sản phẩm chính hay sản phẩm phụ và lựa chọn phương hướng đầu tư. Chẳng hạn, trong chăn nuôi trâu bò sinh sản thì bê con là sản phẩm chính, nhưng trong chăn nuôi trâu bò cầy kéo hoặc trâu bò sữa thì bê con lại là sản phẩm phụ; hoặc người nông dân trước kia, khi chưa có phân bón hoá học thì người làm ruộng phải chăn nuôi lợn để lấy phân bón ruộng, nhưng phân vẫn chỉ là sản phẩm phụ. Chình vì chăn nuôi đồng thời một lúc cho nhiều sản phẩm và nhiều khi giá trị sản phẩm phụ cũng không thua kém gì so với giá trị sản phẩm chính, nên trong đầu tư chăn nuôi người ta phải căn cứ vào mục đích thu sản phẩm chính để lựa chọn phương hướng đầu tư, lựa chọn qui trình kỹ thuật sản xuất chăn nuôi cho phù hợp.
Để lại một bình luận