Vai trò quản lý, điều hành và giám sát sự phát triển của hệ thống ngân hàng cũng như các thị trường tài chính, trong đó có TTTT của FED được quy định tại Đạo luật Dự trữ liên bang (Federal Reserve Act) năm 1913. Cụ thể:
(i) FED đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng khung pháp lý cho hoạt động của TTTT, như:
– Quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ an toàn vốn đối với các tổ chức tài chính tham gia hoạt động trên TTTT.
– Các tiêu chuẩn về hệ thống quản trị rủi ro, điều kiện tài chính và tính tuân thủ các quy định hiện hành trong ngành ngân hàng (các tiêu chuẩn của Basel) đối với các tổ chức tài chính tham gia hoạt động trên TTTT.
– Các quy định về chuẩn mực kế toán, kiểm toán, giám sát cũng như công bố thông tin đối với các tổ chức tài chính tham gia TTTT. Theo đó, các thành viên tham gia TTTT phải đảm bảo công bố thông tin chính xác, kịp thời để làm cơ sở cho các thành viên khác đánh giá và ra quyết định hợp lý, tránh gây khủng hoảng, xáo trộn thị trường.
– Quy định về điều kiện giao dịch với FED trên TTTT. Fed chủ yếu thực hiện các giao dịch trên TTTT nhất là thị trường trái phiếu kho bạc với các nhà giao dịch chứng khoán lớn (còn gọi là các tổ chức tự doanh trái phiếu Chính phủ – primary dealers). Các nhà giao dịch này đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực thi CSTT của FED. Vì vậy, các quy định đối với các nhà giao dịch này cũng rất chặt chẽ.
Để được công nhận và giao dịch với FED, một nhà giao dịch phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau: (i) Phải là NHTM chịu sự giám sát của các cơ quan giám sát thuộc các ngân hàng dự trữ liên bang; hoặc phải là các công ty môi giới chứng khoán được Uỷ ban Chứng khoán Mỹ cấp phép; (ii) Đối với các NHTM: Phải đáp ứng yêu cầu về vốn (cấp 1, cấp 2) theo quy định tại Hiệp định vốn Basel; Đối với các công ty môi giới chứng khoán: phải có mức vốn tối thiểu theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán và Bộ Tài chính Mỹ.
(ii) Là cơ quan đầu mối thực hiện việc theo dõi, giám sát và điều hành TTTT:
Do FED không hạn chế sự tham gia vào TTTT đối với các ngân hàng, các tập đoàn tài chính ngân hàng nên FED thường xuyên tiến hành kiểm tra sức chịu đựng “stress test” đối với các đối tượng này để đảm bảo an toàn hệ thống, tránh gây bất ổn trên TTTT nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.
(iii) Xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ hoạt động của TTTT:
Để thực hiện việc quản lý lãi suất trên TTTT, FED nhấn mạnh vai trò của hệ thống thanh toán tập trung do FED cung cấp. Đây là hệ thống thanh toán tự động liên tục và tức thời (real-time gross settlement) hoạt động từ 7h sáng đến 5h chiều. Khi hệ thống thanh toán đóng cửa vào lúc 5h, tài khoản thanh toán của các ngân hàng phải đưa về trạng thái cân bằng. Nếu có thâm hụt hay thặng dư, các ngân hàng phải cho vay hoặc đi vay qua đêm trên hệ thống này thông qua các công cụ thường trực và công cụ tinh chỉnh của FED.
Thanh toán được thực hiện thông qua tài khoản tại FED của các ngân hàng thành viên. Những ngân hàng không tham gia hệ thống này phải thực hiện thanh toán thông qua các ngân hàng thành viên (đóng vai trò là ngân hàng chủ – house bank). Để đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra thông suốt, FED tạo cơ hội cho các thành viên được phép vay trong ngày không tính lãi suất (tín dụng trong ngày – intraday credit) với điều kiện các ngân hàng đủ tài sản đảm hợp lệ thế chấp tại FED.
Để lại một bình luận