Theo Từ điển Tiếng Việt: nông nghiệp “Là ngành sản xuất chủ yếu của xã hội, có nhiệm vụ cung cấp sản phẩm ngành trồng trọt và chăn nuôi” (Nguyễn Như Ý (chủ biên), (1999), Từ điển Tiếng Việt, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội)
Theo Từ điển kinh tế học “Nông nghiệp là quá trình sản xuất lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc, tơ sợi và sản phẩm mong muốn khác bởi trồng trọt những cây trồng chính và chăn nuôi đàn gia súc” (Nguyễn Văn Ngọc (2012), Từ điển kinh tế học, NXB Đại học kinh tế quốc dân, Hà Nội)
Theo Bách Khoa toàn thư: “Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực, thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Nông nghiệp là một ngành lớn, bao gồm nhiều chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản; theo nghĩa rộng, còn bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản” (Bách khoa toàn thư (2000), NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội)
Nông nghiệp hữu cơ (nông nghiệp sạch): Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.
Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM: “Vai trò của nông nghiệp hữu cơ, dù cho trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người”.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại, và có chất lượng cao… Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương,…
Nông nghiệp xanh: Nền nông nghiệp xanh gắn kết được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, an toàn sinh thái và hiệu quả kinh tế, làm cơ sở để phát triển sản xuất bền vững, sinh thái bền vững.
Nền nông nghiệp xanh vận dụng sinh thái học và kinh tế học sinh thái, nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm tiêu hao năng lượng đầu vào, hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc hóa chất, sử dụng chất hữu cơ nhiều tầng nấc, tài nguyên hóa chất thải, tái tạo điều hòa vật chất, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm loài người được sử dụng nông sản sạch, an toàn có lợi cho sức khỏe.
Nông nghiệp bền vững: Hiện có nhiều định nghĩa khác nhau, trong đó đáng quan tâm là định nghĩa của tổ chức sinh thái và môi trường thế giới (WORD) bởi tính tổng hợp và khái quát cao: Nông nghiệp bền vững là nền nông nghiệp thoả mãn được các yêu cầu của thế hệ hiện nay, mà không giảm khả năng ấy đối với các thế hệ mai sau. Điều đó có nghĩa là nền nông nghiệp không những cho phép các thế hệ hiện nay khai thác tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích của họ mà còn duy trì được khả năng ấy cho các thế hệ mai sau, như vậy, nền nông nghiệp bền vững phải đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là: đảm bảo nhu cầu nông sản của loài người hiện nay và duy trì được tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ mai sau, bao gồm gìn giữ được quỹ đất, quỹ nước, quỹ rừng, không khí và khí quyền, tính đa dạng sinh học v.v… Xây dựng nền nông nghiệp bền vững là việc làm cấp thiết và là xu hướng tất yếu của tiến trình phát triển.
Qua những định nghĩa trên, có thể thấy khái niệm về nông nghiệp đang được nhìn nhận phù hợp với xu hướng phát triển, nông nghiệp hiện tại đã vượt ra khỏi nền nông nghiệp truyền thống (tự cung tự cấp), nông nghiệp theo nghĩa hẹp là ngành sản xuất ra của cải, vật chất mà con người phải dựa vào sự sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi để tạo ra sản phẩm như lương thực, thực phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống. Nông nghiệp theo nghĩa rộng bao gồm tất cả những ngành sản xuất có đối tượng tác động là những cây trồng, vật nuôi (kể cả lâm nghiệp, thuỷ sản) gắn liền tất yếu với tự nhiên; có thời gian sản xuất bằng với thời gian lao động cộng với thời gian phát triển của cây trồng, vật nuôi dưới sự tác động của điều kiện tự nhiên.
Trả lời