Quy mô của hệ thống ngân hàng nói chung và cụ thể là TTTT nói riêng là một trong những chỉ số để đo lường độ sâu tài chính của một quốc gia, thường được xem xét trong mối tương quan với quy mô của nền kinh tế, đo lường qua các chỉ số như tổng tín dụng tư nhân cung cấp bởi hệ thống ngân hàng/GDP (tín dụng/GDP) hoặc tổng tài sản của hệ thống ngân hàng/GDP (tài sản/GDP). Hai chỉ tiêu này đồng thời có mối quan hệ biến thiên cùng chiều và sự tương quan chặt chẽ.
Quy mô cũng là một trong những nhân tố quan trọng để xem xét khả năng đóng góp của hệ thống ngân hàng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Thống kê bởi Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tỷ lệ tín dụng/GDP có mối quan hệ chặt chẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn và xóa đói giảm nghèo ở các quốc gia. Trung bình trong giai đoạn 1980-2010, tổng tín dụng cung cấp cho khu vực tư nhân chỉ chiếm khoảng 10% GDP ở những nước có thu nhập thấp như Angola, Yemen, Cambodia, trong khi đạt khoảng 85% ở những nước kinh tế phát triển như Áo, Trung Quốc, Anh… Mặc dù vậy, tỷ lệ tín dụng/GDP quá cao cũng không phải là tốt. Ví dụ như thống kê 8 quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất vào năm 2010 là Síp, Ireland, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Luxembour và Thụy Sỹ thì các quốc gia này đều xảy ra khủng hoảng trong vòng từ năm 2008 trở lại. Giá trị trung bình của tỷ lệ tín dụng/GDP trong tổng số các nước thống kê qua các năm theo thống kê của WB là 39% (với độ lệch chuẩn 36%) (WB, 2012). Bên cạnh đó, cũng cần chú ý rằng, ở một vài trường hợp của các quốc gia có hệ thống tài chính phát triển như Mỹ, Anh,… tỷ lệ tín dụng/GDP thấp không phản ánh khu vực ngân hàng có quy mô nhỏ, mà thực tế là do thị trường chứng khoán của các nước này phát triển rất mạnh. Tỷ lệ tín dụng/GDP trong trường hợp này không nhằm phản ánh quy mô hệ thống ngân hàng mà phản ánh tầm quan trọng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế. Rõ ràng ở những nước có hệ thống tài chính phát triển, đặc biệt là thị trường chứng khoán, thì hệ thống ngân hàng sẽ ít quan trọng hơn là ở những nước có hệ thống tài chính chưa phát triển.
Ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh chủ yếu cung cấp nguồn vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, thị trường chứng khoán vẫn chưa phát huy được vai trò tích cực là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho thị trường, tạo gánh nặng cho hệ thống các TCTD. Xét về mặt quy mô tài sản, khu vực ngân hàng vẫn đang giữ vị trí trụ cột trong hệ thống tài chính khi chiếm hơn 90% tỷ trọng hệ thống; trong khi trụ cột chứng khoán và trụ cột bảo hiểm chỉ chiếm khoảng dưới 4%).
Theo dữ liệu thống kê của IMF, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam khá cao chỉ sau Singapore và Malaysia, cho thấy Việt Nam đang nằm trong nhóm nước có quy mô tương đối của hệ thống ngân hàng lớn với mức độ phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng rất cao, điều này cho thấy, quy mô của TTTT Việt Nam (đặc biệt là thị trường tín dụng ngắn hạn) là khá lớn cho phép hệ thống NHTM đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế, nhưng đồng thời, cũng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tỷ lệ huy động vốn từ tiền gửi các các tổ chức và dân cư qua hệ thống các TCTD trên GDP từ năm 2005 đến hết tháng 6 năm 2018 đã tăng từ mức 61,38% lên 138,47%, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP tăng từ 60,64% lên 144,43%.
Trả lời