Quy mô kinh doanh của DN phản ánh năng lực sản xuất và năng lực tài chính của DN. Quy mô kinh doanh được phản ánh chủ yếu thông qua các chỉ tiêu: (i) Quy mô tổng tài sản bình quân (TTSBQ); (ii) Quy mô vốn chủ sở hữu bình quân (VCSHBQ) và (iii) Quy mô doanh thu thuần (DTT). Những DN có quy mô kinh doanh lớn thường gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay do quy mô kinh doanh lớn phản ánh năng lực tài chính lành mạnh và các DN có thể sử dụng lượng tài sản quy mô lớn để làm tài sản đảm bảo cho các khoản nợ vay.
Biểu đồ 2.1 cho thấy quy mô TTSBQ của các DN luôn ở mức cao và có sự duy trì ổn định trong giai đoạn 2012-2017 với mức bình quân là 44.395.822 triệu đồng. Trong giai đoạn 2016-2017, quy mô TTSBQ giảm sút từ mức 45.721.882 triệu đồng xuống còn 42.148.353 triệu đồng (mức giảm là -7,82%). Nguyên nhân của của sự biến động này là do kể từ ngày 1/7/2012 các doanh nghiêp ngành điện niêm yết đã chính thức tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 202/TB-VPCP ngày 4/6/2012 và văn bản số 5742/BCT-ĐTĐL ngày 29/6/2012 của Bộ Công Thương. Hầu hết các DN ngành điện niêm yết đều gặp thuận lợi trong việc huy động nguồn vốn vay, đặc biệt nhóm CTCP quy mô lớn mà điển hình là NT2, VSH và PPC được hưởng khoản vốn vay quy mô lớn có tính chất ưu đãi nước ngoài được bảo lãnh bởi Chính phủ Việt Nam. Trong giai đoạn đầu kinh doanh các DN phải đầu tư lượng vốn lớn chủ yếu từ nợ vay vào các TSCĐ là các nhà máy Thuỷ Điện và Nhiệt điện có giá trị lớn, thời gian thu hồi vốn lâu dài đến năm 2016 khi các công trình điện năng này đã đi vào vận hành và được trích khấu hao TSCĐ với tỷ lệ lớn đã làm giảm quy mô TTSBQ của các DN. Quy mô VCSHBQ có xu hướng gia tăng trong giai đoạn nghiên cứu từ mức 16.085.503 triệu đồng năm 2012 tăng lên đến 22.678.602 triệu đồng năm 2017 với tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,26%. Quy mô DTT gia tăng mạnh trong giai đoạn 2012-2014 từ mức 15.919.756 triệu đồng lên đến 24.043.443 triệu đồng với mức tăng là 51,02%. Quy mô DTT duy trì ổn định trong giai đoạn 2014-2017 với mức bình quân là 23.840.542 triệu đồng.
Đối với nhóm CTCP quy mô lớn (Phụ lục 1): Quy mô TTSBQ duy trì ổn định trong giai đoạn 2012-2016 ở mức bình quân là 34.399.334 triệu đồng và giảm xuống mức 25.685.462 triệu đồng năm 2017. Trong giai đoạn nghiên cứu, quy mô TTSBQ giảm mạnh đối với các DN NT2, PPC. Cụ thể, quy mô TTSBQ của NT2 giảm mạnh từ mức 13.486.043 triệu đồng năm 2012 xuống còn 9.393.195 triệu đồng năm 2017 (mức giảm là -30,3%); quy mô TTSBQ của PPC giảm mạnh từ 12.037.354 triệu đồng năm 2012 xuống còn 7.584.442 triệu đồng năm 2017 (mức giảm -36,99%). Quy mô VCSHBQ gia tăng mạnh trong giai đoạn 2012-2015 từ mức 10.897.252 triệu đồng đến 15.858.253 triệu đồng với mức tăng là 45,53%. Quy mô VCSHBQ duy trì ở mức ổn định trong giai đoạn 2015-2017 với mức bình quân là 15.898.404 triệu đồng. Sự gia tăng đáng kể quy mô VCSHBQ trong giai đoạn 2015-2017 chủ yếu do sự gia tăng của NT2 với mức tăng là 72,35% từ 2.782.449 triệu đồng lên đến 4.767.737 triệu đồng. Quy mô DTT gia tăng mạnh trong giai đoạn 2012-2014 và giảm nhẹ trong giai đoạn 2015-2017. Cụ thể, quy mô DTT tăng từ mức 10.323.776 triệu đồng năm 2012 lên đến 16.324.265 triệu đồng năm 2014 và giảm nhẹ xuống còn 15.001.308 triệu đồng năm 2016.
Trả lời