Thành phần “thờ ơ” là sự biểu hiện đáng chú ý của người tiêu dùng. Họ không quan tâm đến các sự kiện chính trị, kinh tế đang diễn ra hàng ngày, vì vậy họ cũng thờ ơ, vô cảm với các biến cố xảy ra với đất nước. Họ có thể sẽ không ủng hộ tẩy chay mà ngược lại họ sẽ mua hàng hóa TQ nếu như họ cảm thấy nó đáp ứng được nhu cầu của họ. Ví dụ., khi được hỏi cảm xúc của bạn như thế nào về hành động xâm phạm lãnh hải của TQ gây ra đối với Việt Nam, một số đáp viên đã trả lời:
“[…] vì cái vấn đề này chắc sẽ do chính phủ lo, mình vẫn ăn học bình thường” (thảo luận nhóm, nữ, 21 tuổi).
“em thấy cũng bình thường” (thảo luận nhóm, nam, 21 tuổi)
“em không có quan tâm lắm […] tại vì em không quan tâm đến chính trị” (phỏng vấn sâu, nữ, 28 tuổi)
Sự thờ ơ (apathy) là “sự không quan tâm, không hứng thú đối với bất kỳ điều gì, hoặc không sẵn sàng nỗ lực để thay đổi bất kỳ điều gì”18. Từ định nghĩa này, các tác giả trước đã phát triển thành các khái niệm “sự thờ ơ đối với môi trường” (environmental apathy) là “sự thiếu quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường, và có một sự đánh giá chung là những vấn đề đó được phóng đại quá mức” (Gagnon Thompson và Barton 1994, trang 151). Trong lĩnh vực tâm lý học chính trị, sự thờ ơ cũng được đề cập, ví dụ “Sự thờ ơ đối với các sự kiện xã hội” (public affairs apathy) được định nghĩa “là sự phản ánh một sự bàng quang hướng đến những vấn đề xã hội, một sự bất lực của bản thân một người nào đó với sự tham gia vào các vấn đề cơ bản nhất trong số những vấn đề xã hội” (Pinkleton và Austin 2004, trang 331).
Trong tâm lý xã hội học, hiện tượng này được giải thích dưới tên gọi “hiệu ứng bàng quan”. Hiệu ứng bàng quan được các nhà tâm lý và xã hội học như Darley và Latané (1968); Latané và Darley (1969); Darley và cộng sự. (1973) thí nghiệm và giải thích bởi thuyết “phân tán trách nhiệm” (diffusion of respronsibility theory). Luận điểm chính của thuyết này cho rằng khi con người đứng trong một tập thể, họ có xu hướng nghĩ rằng trách nhiệm của họ đối với một biến cố sẽ được phân tán cho người khác vì vậy mà họ sẽ bàng quan với những gì họ nhìn, nghe thấy.
Mặc dù “sự thờ ơ” đã được các nhà tâm lý xã hội học quan tâm từ lâu nhưng lược khảo nghiên cứu cho thấy chưa có nhiều kết quả công bố mối quan hệ giữa “sự thờ ơ” và “hành vi tẩy chay” trên thế giới. Chỉ có một vài nghiên cứu thuộc lĩnh vực marketing xanh (green marketing) cho rằng thái độ thờ ơ của khách hàng đối với môi trường sẽ là yếu tố tác động tiêu cực đến hành vi tiêu dùng các sản phẩm xanh (sản phẩm tiết kiệm điện, sử dụng thành phần bảo vệ môi trường). Lý do chính là người tiêu dùng không quan tâm đến môi trường thì họ sẵn sàng không mua các sản phẩm này (Chan, 2000). Tuy nhiên, nghiên cứu của Chan chưa công bố kết quả minh chứng rõ ràng nhận định trên.
Chưa thấy các nghiên cứu liên quan trước đây đánh giá mối quan hệ giữa “sự thờ ơ” của người tiêu dùng và “hành vi tẩy chay” của họ. Vì vậy, mối quan hệ nghịch chiều giữa “sự thờ ơ” của người tiêu dùng đối với hành vi tẩy chay (gồm “kêu gọi tẩy chay” và “sự sẵn lòng tẩy chay”) được đề xuất cho nghiên cứu này.
Bởi vì sự thờ ơ chính là sự bàng quan và không quan tâm của người tiêu dùng đối với một sự kiện nào đó nên những người tiêu dùng càng có mức độ “đánh giá mang tính ác cảm mối quan hệ” và “đánh giá mang tính ác cảm về kinh tế” càng cao thì có thể sự thờ ơ của họ càng giảm. Trong bối cảnh nghiên cứu này, những biến cố xảy ra đối với đất nước được các phương tiện truyền thông đưa tin qua các kênh như ti vi, báo chí, mạng internet. Nếu người tiêu dùng nhận thức các vấn đề đang xảy ra mang tính nghiêm trọng và tiêu cực thì có thể họ sẽ quan tâm đến đến sự kiện xã hội đang xảy ra của đất nước. Điều này có nghĩa là giả thuyết có mối quan hệ nghịch chiều giữa “đánh giá mang tính ác cảm mối quan hệ” và “đánh giá mang tính ác cảm về kinh tế” đối với “sự thờ ơ” được đề xuất cho nghiên cứu này.
Trả lời