a- Thay đổi cơ cấu giống.
Trong lịch sử chăn nuôi lợn ở nước ta chủ yếu để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa sẵn có đồng thời là nguồn cung cấp phân bón hữu cơ cho trồng trọt. Do vậy các giống lợn địa phương như lợn ỉ, mông cái hoặc lai đại là giống lợn rất thích nghi với phương thức chăn nuôi này.
Phương thức chăn nuôi lợn hiện nay thực hiện phương thức thâm canh với mức đầu tư thức ăn nhiều đòi hỏi giống lợn phải có khả năng tiếp nhận thức ăn cao, mức tăng trọng nhanh và trọng lượng xuất chuồng cao. Nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu đều đòi hỏi sản phẩm thịt có tỷ lệ nạc cao. Do vậy việc lai tạo giống lợn cũng phải chú trọng phát triển đàn lợn hướng nạc, nhất là các vùng chăn nuôi tập trung phục vụ cho các nhà máy chế biến và cung cấp thành phẩm cho các Thành phố. Việc phát triển sản phẩm lợn sữa xuất khẩu đang đặt ra một hướng phát triển mới cho chăn nuôi lợn nái sinh sản để phát triển đàn lợn con. Việc phát triển đàn lợn nái sinh sản vừa phải đáp ứng yêu cầu về khả năng sinh sản cao với số con trên mỗi lừa nhiều và đẻ nhiều lứa trong năm, đồng thời lợn mẹ phải có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện thay đổi khí hậu và tránh được bệnh tật.
Để đảm bảo có được giống lợn có chất lượng tốt đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trên đây, công tác nghiên cứu, lai tạo, sản xuất con giống cấp I cần được đặc biệt chú ý đầu tư. Việc phát triển các cơ sở sản xuất con giống gốc và lai F1 và lai tạo các giống mới chủ yếu phải được thực hiện tại các cơ sở trạm trại của Nhà nước được trang bị máy móc kỹ thuật hiện đại và đầu tư kinh phí thoả đáng. Việc kinh doanh con giống chỉ có thể thực hiện ở các vùng lai F2 để đưa vào sản xuất thương phẩm.
b- Đảm bảo cơ sở thức ăn chăn nuôi.
Cần xoá bỏ thói quen của người sản xuất từ xa xưa coi chăn nuôi lợn là hoạt động tận dụng thức ăn dư thừa sẵn có. Muốn nâng cao trọng lượng xuất chuồng, nâng cao mức tăng trọng hàng tháng thì phải sử dụng các giống lợn lai ngoại các giống lợn này đều đòi hỏi mức đầu tư thức ăn cao, thức ăn được chế biến với cơ cấu thành phần chất dinh dưỡng cân đối giữa chất bột, chất đạm và các yếu tố vi lượng bổ sung. Muốn vậy, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi phải được phát triển thành ngành sản xuất độc lập, nguồn thứ ăn tổng hợp qua chế biến công nghiệp phải sẵn có. Bên cạnh nguồn cung cấp thức ăn tổng hợp, thức ăn công nghiệp thì việc qui hoạch vùng sản xuất thức ăn xanh có chất lượng phù hợp cũng cần phải được chú ý phát triển.
c- Tăng cường công tác thú y, phòng trừ dịch bệnh.
Điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta vừa tạo điều kiện thuận lợi cho đàn lợn phát triển tăng trọng nhanh song cũng gây ra nhiều loại dịch bệnh cho đàn lợn, nhất là vào các thời kỳ thay đổi mùa khí hậu. Do vậy công tác thú ý, phòng trừ dịch bệnh phải được chú ý thực hiện thường xuyên định kỳ công tác phòng dịch để tập trung điều trị dập tắt mầm bệnh xúc tiến các hoạt động bảo hiểm chăn nuôi lợn để hạn chế các thiệt hại rủi ro cho người sản xuất.
Trả lời