Trong cách tiếp cận của luận án, có thể hiểu: Huy động các NLTC cho XDNTM là quá trình sử dụng các chính sách, biện pháp và các hình thức nhằm tập hợp được các NLTC từ các đối tượng có liên quan thành các quỹ tiền tệ sử dụng cho các mục tiêu XDNTM.
– Mục tiêu huy động các NLTC cho XDNTM:
Một là, đảm bảo tập trung đầy đủ, kịp thời các NLTC để phục vụ cho XDNTM. Quản lý quá trình huy động các NLTC phải xác định đúng đắn đối tượng đóng góp, mức huy động, thủ tục huy động, nghĩa vụ và nghĩa vụ của người đóng góp; thanh tra, kiểm tra và quyết toán các khoản đóng góp.
Hai là, đảm bảo khuyến khích, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong việc quản lý huy động các NLTC cho XDNTM từ việc hoạch định chính sách, chế độ huy động cho đến việc tổ chức thực hiện phải luôn phân tích, đánh giá thực trạng kinh tế, thực trạng hoạt động SXKD để có chính sách, chế độ, biện pháp chỉ đạo huy động thích hợp.
Ba là, coi trọng yêu cầu công bằng xã hội, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các chính sách, chế độ huy động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
+ Huy động nguồn lực tài chính từ NSNN
Nguồn lực tài chính từ NSNN đầu tư cho xây dựng NTM, bao gồm: nguồn NSNN cấp trực tiếp cho Chương trình; nguồn NSNN lồng ghép từ CTMTQG khác. NSNN cho XDNTM là các khoản chi của NSNN cho đầu tư XDNTM. NSNN đảm bảo cung cấp NLTC để xây dựng các hạng mục mang tính xương sống của NTM, bao gồm: Hệ thống giao thông liên huyện, liên xã; Các hạng mục chính của hệ thống thủy lợi: đập, trạm bơm, hồ chứa; Hệ thống lưới điện NT; Hệ thống thông tin, viễn thông NT; Hệ thống chợ NT từ cấp xã; Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa từ cấp xã; Hệ thống cung cấp nước sạch NT.
+Huy động NLTC từ tín dụng
NLTC từ tín dụng cho XDNTM bao gồm tín dụng đầu tư phát triển (TDĐTPT) của Nhà nước, nguồn vay ưu đãi ODA, nguồn vay nợ của CQĐP và nguồn vay thương mại.
TDĐTPT trở thành một trong những kênh cung ứng vốn từ Nhà nước cho Chương trình XDNTM với những ưu đãi như mức vốn cho vay lớn; thời hạn vay được kéo dài; lãi suất tiền vay thường nhỏ hơn lãi suất của vay thương mại cùng loại. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ các chủ dự án thuộc lĩnh vực NN, NT thông qua hình thức hỗ trợ sau đầu tư. Với kỳ vọng được lợi ích kép từ vay vốn đầu tư của TDĐTPT, các chủ dự án thuộc Chương trình XDNTM sẽ luôn cố gắng huy động các NLTC khác ngoài Nhà nước – vốn đối ứng, đế chứng minh tính khả thi của các dự án mà họ dự định triển khai, để được lọt vào phạm vi vay vốn đầu tư và hưởng ưu đãi sau đầu tư của TDĐTPT. Nên TDĐTPT cũng đã trở thành vốn mồi để hấp dẫn các NLTC khác cùng tham gia XDNTM.
NLTC từ tài trợ của các chính phủ, tổ chức nước ngoài: Lợi thế của NLTC này là nguồn vốn khá lớn, lãi suất thấp, tạo điều kiện cho phát triển KT-XH ở NT.
NLTC từ vay nợ của CQĐP được thực hiện thông qua phát hành trái phiếu NHĐP và vay của các Ngân hàng Phát triển, NHTM. Vay nợ của CQĐP cho XDNTM là cần thiết, bởi nhu cầu NLTC cho chương trình NTM rất lớn, khả năng hỗ trợ trực tiếp từ NSNN cho Chương trình hạn hẹp. Vấn đề đặt ra là Chính phủ cần xác lập chính sách vay nợ cho CQĐP, mỗi địa phương hàng năm muốn vay nợ để đầu tư phát triển nói chung và phân bổ cho XDNTM nói riêng đều phải tuân thủ theo các quy định mà Chính phủ đã ban hành.
NLTC từ vay thương mại. Sự tham gia nguồn vay thương mại cho XDNTM là cần thiết bởi nó mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia quan hệ tín dụng và lợi ích tổng thể của cả Chương trình. Cụ thể, nó giải quyết nhu cầu về vốn của người đi vay, đảm bảo lợi ích của người cho vay thông qua việc bù đắp tiền lãi; việc đầu tư của tư nhân từ vay thương mại đem lại lợi ích của cá nhân cũng là góp phần làm tăng lợi ích tổng thể của Chương trình. [118].
+ Huy động NLTC từ doanh nghiệp (DN)
NLTC từ DN cho XDNTM bao gồm cả NLTC của các DN trong và ngoài nước tham gia XDNTM. Các DN thực hiện SXKD để thực hiện mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Trong đầu tư XDNTM, khi Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư, tạo cơ hội mang lại lợi nhuận cho DN, sẽ thúc đẩy DN bỏ vốn đầu tư XDNTM. Mặt khác, các DN cũng thường có ý thức tự giác trong việc đóng góp NLTC cho các hoạt động XDNTM tại địa bàn mà họ đang SXKD. Do vậy, đây là một kênh huy động NLTC quan trọng và có nhiều tiềm năng.
NLTC từ DN có thể thông qua các hình thức hợp đồng BOT (Build – Operate – Transfer), BTO (Build – Transfer – Operate), BT (Build – Transfer), sau khi xây dựng xong doanh nghiệp chuyển giao lại cho nhà nước quản lý, nhà nước tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu được lợi nhuận thông qua khai thác công trình trong một thời gian nhất định hoặc tiếp tục thực hiện các dự án khác thông qua các chính sách cho vay, lãi suất,…đối với nhà đầu tư. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP (Public – Private – Partnership), là hợp đồng được ký kết giữa nhà nước và nhà đầu tư là tư nhân cùng nhau bỏ vốn xây dựng công trình CSHT NT, cùng nhau quản lý khai thác, phân chia lợi ích giữa hai với mục tiêu tổng thể là thu hút vốn tư nhân để đầu tư vào phát triển CSHT. PPP theo kinh nghiệm quốc tế, được ghi nhận là một trong những cách thức hiệu quả nhất trong tài trợ phát triển hạ tầng. Hiện nay, nhiều hạng mục đầu tư XDCB trên cả nước đã được thực hiện theo hình thức đối tác công tư. Nhà nước đã có những chính sách để khuyến khích các DN bỏ vốn đầu tư xây dựng CSHT và trực tiếp khai thác lợi nhuận từ các dự án này sau xây dựng. Cách làm này vừa làm giảm áp lực cho NSNN, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư XDCB.
+ Huy động NLTC từ cộng đồng dân cư
XDNTM được tiến hành trên địa bàn NT, do đó NLTC do cộng đồng dân cư đóng góp là nguồn lực tại chỗ, có vai trò rất quan trọng[129]. Cộng đồng dân cư đóng góp nguồn lực cho XDNTM với tư cách là chủ thể của quá trình XDNTM, họ vừa là người tổ chức thực hiện và vừa là người thụ hưởng kết quả của Chương trình. Huy động NLTC từ cộng đồng dân cư được thực hiện thông qua phương thức: tự đầu tư; tự nguyện đóng góp. NLTC từ cộng dân cư bao gồm: cải tạo nhà ở phù hợp với chuẩn NTM; Cải tạo vườn cây, ao cá…; Đầu tư cho hoạt động SXKD của hộ gia đình để tăng thu nhập; Đóng góp đất đai, công lao động, vật liệu, tiền … xây dựng công trình NTM của thôn, xã.
Hiệu quả sử dụng NLTC này trong XDNTM có xu hướng cao hơn NLTC từ NSNN bởi NLTC này có chủ thể rõ ràng, vì vậy các yêu cầu của quản lý tài chính được thực hiện tốt hơn. NLTC này cũng thường được sử dụng cho các công trình gắn liền với lợi ích của cộng đồng dân cư ở NT. Vì vậy nếu càng gia tăng được tỷ lệ NLTC này trong XDNTM thì việc hoàn thành các tiêu chí NTM càng mang tính bền vững. Mục đích của XDNTM hướng tới chủ thể là là cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực NT, vì thế, việc huy động các NLTC từ cộng đồng sẽ góp phần phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia XDNTM, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng thành công NTM.
Sử dụng các NLTC cho XDNTM là một quá trình KT-XH được thực hiện thông qua các chính sách, biện pháp và các hình thức mà Nhà nước, các chủ thể kinh tế đưa ra và áp dụng nhằm chuyển đổi các quỹ tiền tệ thành các nguồn lực vật chất cho việc đạt được mục tiêu đã đặt ra gắn liền với các nội dung của XDNTM.
Trong phạm vi của luận án, sử dụng các NLTC cho XDNTM được hiểu là sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả các quỹ đã huy động được trong xã hội để thực hiện các nội dung XDNTM, từ xây dựng CSHT ở địa phương, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn gắn với các vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh.
Một là, đảm bảo sử dụng các NLTC cần thiết để thực hiện nhiệm vụ XDNTM theo đúng kế hoạch của địa phương và chính sách, chế độ của Nhà nước. Xác lập thứ tự ưu tiên các khoản chi và phân cấp quản lý chi đạt hiệu quả.
Hai là, đảm bảo yêu cầu tiết kiệm và hiệu quả. Quản lý chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, xây dựng định mức chi; thường xuyên phân tích, đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện các khoản chi cho XDNTM.
Ba là, gắn nội dung sử dụng các NLTC cho XDNTM với các khoản chi tài chính công và chiến lược phát triển KT-XH của địa phương.
+Sử dụng NLTC xây dựng hệ thống CSHT NT
Các NLTC được sử dụng để xây dựng, cải tạo và duy tu, bảo dưỡng, vận hành các công trình CSHT. Bao gồm: xây dựng và phát triển hệ thống giao thông NT; xây dựng và cải tạo hệ thống thủy lợi NT; xây dựng và cải tạo hệ thống điện NT; đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin – viễn thông NT; xây dựng chợ NT; đầu tư cho hệ thống giáo dục – đào tạo NT; đầu tư cho hệ thống Y tế và chăm sóc sức khỏe dân cư NT; đầu tư cho hệ thống CSHT văn hóa NT[102].
+ Sử dụng NLTC cho phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất
Sản xuất phát triển, nhất là sản xuất hàng hóa là điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Kinh tế có phát triển thì những yếu tố xã hội mới có cơ hội phát triển theo và đây là động lực chính cho những tiến bộ xã hội được thực hiện. Sau khi đã có thu nhập bảo đảm cuộc sống, người dân mới có điều kiện xây dựng những công trình phục vụ đời sống cho bản thân gia đình họ và đóng góp cho sự phát triển chung.
Ở những nước đang phát triển, vốn tự có, tự tài trợ của các hộ gia đình, trang trại thường bị hạn chế về quy mô. Để cơ giới hoá và hiện đại hoá NN cần phải có NLTC đầu tư cho máy móc, thiết bị, chuyển giao các thành tựu của khoa học công nghệ như giống mới, phân bón, kỹ thuật canh tác, kỹ thuật chế biến…thông thường vượt quá quy mô vốn tự tài trợ đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều NLTC.
+Sử dụng NLTC cho các vấn đề văn hóa xã hội và môi trường
Với trọng tâm phát triển nguồn lực con người, phát triển văn hóa, nâng cao dân trí và bảo vệ môi trường, trong quá trình thực hiện CNH – HĐH NN, NT, yêu cầu cấp thiết là nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng người ND có kinh tế ổn định, có trình độ văn hóa khoa học cao, có phong cách sống văn minh hiện đại là mẫu người ND mới trong NTM.
Trong XDNTM, không chỉ tạo ra nhà văn hóa, các công trình phúc lợi công cộng và điều cốt yếu là phải xây dựng các phong trào hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển dân trí có tính thiết thực và được cả cộng đồng tham gia. Tăng trưởng kinh tế cao và bền vững là điều kiện thiết yếu để phát triển NT, song điều đó không có nghĩa là phát triển kinh tế với bất cứ giá nào. Trong phát triển kinh tế, việc giữ gìn và bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng để tăng trưởng một cách bền vững [98].
+ Sử dụng NLTC cho nâng cao năng lực hệ thống chính trị
“Hệ thống chính trị ở cấp xã bao gồm HĐND, UBND xã, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội ở NT, chủ yếu hoạt động theo hình thức tự quản của cộng đồng dân cử”[89]. Hệ thống chính trị ở cơ sở đảm nhiệm vai trò tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vì vậy, năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở có vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành – bại của mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước. NLTC thực hiện nhóm tiêu chí nâng cao năng lực hệ thống chính trị được thực hiện chủ yếu từ nguồn chi sự nghiệp hàng năm của NSNN các cấp. Quy trình quản lý sử dụng NLTC thực hiện nhóm tiêu chí này theo quy trình quản lý chung của NSNN.
Để lại một bình luận