Chính sách thuế là tổng hòa phương hướng và các biện pháp của Nhà nước trong lĩnh vực thuế để đạt được những mục tiêu đã định.
Thông thường, chính sách thuế của mỗi quốc gia đều đặt ra các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội mà quốc gia phải hướng đến như: động viên nguồn thu NSNN, điều tiết vĩ mô nền kinh tế và tái phân phối thu nhập đảm bảo công bằng xã hội.
Chính sách thuế được thực hiện bằng cách thiết lập các văn bản pháp luật trong lĩnh vực nộp thuế, ban hành các loại thuế, xác định mức thuế và các ưu đãi về thuế trong từng giai đoạn phát triển nhất định.
Điều đó có nghĩa là chính sách thuế được thực hiện bằng cách thiết lập hệ thống thuế, cải cách thuế và củng cố hệ thống thuế. Hệ thống thuế là tổng hợp các hình thức thuế khác nhau mà giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau để thực hiện các nhiệm vụ nhất định của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Hệ thống thuế bao gồm nhiều hình thức thuế khác nhau, nhưng sự hình thành từng hình thức thuế lại do cơ sở thuế quyết định. Trong nền kinh tế thị trường, thuế suy cho cùng đều lấy từ thu nhập. Do yêu cầu của quá trình tái sản xuất mà thu nhập được vận động trong một chu trình khép kín và luôn luôn thay đổi hình thái biểu hiện của nó. Chính sự biến đổi đa dạng đó đã nảy sinh các cơ sở thuế khác nhau, tạo ra khả năng đánh thuế của Chính phủ trên sự luân chuyển của dòng thu nhập khép kín và hình thành các hình thức thuế khác nhau, trong đó thuế TNCN là một loại thuế có vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống thuế của mỗi quốc gia.
Khái niệm và đặc điểm của thuế thu nhập cá nhân
Về nguyên tắc, bất kỳ một thể nhân hay pháp nhân nào khi nhận được thu nhập dưới bất cứ hình thái nào (hiện vật hay giá trị) và bất kể từ nguồn nào (do lao động, hay đầu tư…) đều phải trích một phần từ thu nhập để nộp cho nhà nước dưới dạng thuế TNCN.
Thuế TNCN là khoản thu bắt buộc đánh trên thu nhập chịu thuế của cá nhân trong kỳ tính thuế theo quy định của pháp luật.
Thuế TNCN có những đặc điểm sau đây:
(1) Thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu.
Tính chất trực thu biểu hiện sự đồng nhất giữa đối tượng nộp thuế theo luật và đối tượng chịu thuế trên phương diện kinh tế. Vì thuế TNCN đánh trực tiếp vào thu nhập nhận được của NNT sau chu kỳ kinh doanh, vì thế tại thời điểm đánh thuế, người chịu thuế TNCN ít có khả năng chuyển giao gánh nặng thuế cho các đối tượng khác. Vì vậy, thuế TNCN ảnh hưởng khá đậm nét đến tâm lý và hành vi NNT.
(2) Thuế thu nhập cá nhân đánh vào thu nhập chịu thuế
Trong nền kinh tế tồn tại nhiều loại thu nhập có tính chất khác nhau: thu nhập, thu nhập tính thuế, thu nhập chịu thuế, nhưng thuế TNCN chỉ đánh vào thu nhập chịu thuế của NNT. Thu nhập chịu thuế phải là thu nhập hợp pháp, phản ánh đúng khả năng nộp thuế và khả năng tiêu dùng cá nhân của NNT. Vì thế, đánh thuế TNCN vào thu nhập chịu thuế sẽ đảm bảo sự công bằng trong phân phối thu nhập.
(3) Thuế thu nhập cá nhân mang tính chất lũy tiến
Thuế TNCN mang tính lũy tiến so với thu nhập chịu thuế. Điều đó có nghĩa là thu nhập của cá nhân càng cao thì mức nộp thuế càng nhiều. Trong một số trường hợp, thuế lũy tiến phải đảm bảo tốc độ tăng của thuế luôn cao hơn tốc độ tăng của thu nhập.
Để lại một bình luận