Hạn chế
Thứ nhất, phân cấp quản lý chi NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa còn tồn tại một số bất cập về mối tương quan giữa phân cấp nhiệm vụ chi và phân chia nguồn lực giữa các cấp chính quyền địa phương; thẩm quyền ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu NSĐP cho GDCL.
Mặc dù đã phân định rõ nhiệm vụ chi cho các cấp chính quyền nhưng vốn ĐTPT thuộc cân đối NSĐP lại do cấp tỉnh chủ trì phân bổ và tập trung ở ngân sách cấp tỉnh. Chính vì vậy, không đảm bảo nguyên tắc về sự phù hợp giữa phân chia nguồn lực với nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, với cơ chế phân cấp ngày, nguồn lực tập trung chủ yếu ở cấp huyện, xã (cấp tỉnh chiếm 11-15,7%, ngân sách huyện 84,3-89% tổng chi NSĐP cho GDCL) nên Sở GD&ĐT rất khó để có thể dự báo nguồn lực dành cho giáo dục khi lập kế hoạch phát triển ngành.
Thẩm quyền ban hành một số định mức, tiêu chuẩn chi tiêu ở địa phương chủ yếu thuộc về HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp dưới (huyện, xã) chỉ có thẩm quyền tổ chức và giám sát thực hiện.
Thứ hai, hướng dẫn lập dự toán ngân sách năm chưa rõ các dự báo kinh tế vĩ mô, mức độ ưu tiên cho các mục tiêu của chiến lược phát triển ngành và thiếu mức trần ngân sách cụ thể cho các địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách; dự toán chi NSĐP cho GDCL được lập chủ yếu dựa trên cơ sở chế độ, chính sách và định mức, tiêu chuẩn chi tiêu; giai đoạn 2011-2017 chưa xây dựng ngân sách trung hạn và dự toán ngân sách theo ngành; sự tham gia của cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương trong lập ngân sách còn mờ nhạt, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa lập kế hoạch và lập ngân sách.
Thứ ba, định mức phân bổ chi NSĐP cho GDCL còn nhiều hạn chế.
Đối với chi ĐTPT cho GDCL, tỉnh chưa ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ĐTPT; tiêu chí phân bổ định mức chi thường xuyên hoàn toàn dựa trên yếu tố đầu vào (học sinh kế hoạch hay biên chế được giao), chưa có sự phân biệt theo chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục của các cơ sở giáo dục; định mức phân bổ chi thường xuyên NSĐP mới tính trên định mức chi phí và mức giá cả của năng đầu thời kỳ ổn định, chưa tính đến yếu tố trượt giá và sự biến động của thị trường nên định mức phân bổ có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện ở các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định (tính thực tiễn của định mức không cao).
Thứ tư, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nói chung và kế hoạch chi ĐPT cho giáo dục giai đoạn 2016-2020 vẫn tồn tại một số hạn chế: Chưa có tiêu chí cụ thể (về nội dung, mức độ ưu tiên) để rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án; Vốn ĐTPT trong kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư công được phân chia thành các nhóm theo tiến độ thực hiện (bố trí vốn cho các dự án có quyết toán được duyệt, dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới), không phân theo lĩnh vực, do đó, khó tính toán và đánh giá được tỷ lệ chi NSĐP cho GDCL.
Thứ năm, dự toán chi NSĐP cho GDCL cơ bản áp dụng phương pháp lập ngân sách truyền thống, chưa có sự gắn kết giữa kinh phí phân bổ với đầu ra hay kết quả.
Dự toán chi NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2017 được lập dựa trên cơ sở đề xuất của các đơn vị ngành giáo dục về kinh phí chi trả lương, các khoản có tính chất lương, chi nghiệp vụ và các khoản chi đảm bảo thực hiện một số nhiệm vụ không thường xuyên của đơn vị. Dự toán chi NSĐP cho các đơn vị ngành giáo dục không kèm theo các ràng buộc về nhiệm vụ phải thực hiện của các đơn vị tương ứng với kinh phí được phân bổ.
Thứ sáu, phương thức giao dự toán kinh phí chi NSĐP cho GDCL còn bất cập, nguồn lực từ ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế.
Việc cơ quan tài chính trực tiếp giao dự toán kinh phí cho các đơn vị SNCL ngành giáo dục dẫn đến tình trạng cơ quan tài chính can thiệp quá chi tiết vào hoạt động của ngành, khối lượng công việc quản lý tài chính đối với đơn vị dự toán tập trung ở cơ quan tài chính quá lớn. Trong khi đó, cơ quan GD&ĐT lại không có đầy đủ thông tin về nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Mặc dù tỉnh đã ưu tiên nguồn lực cho phát triển giáo dục nhưng do Thanh Hóa là tỉnh nghèo, đang còn nhận bổ sung cân đối từ Ngân sách trung ương nên nguồn kinh phí dành cho giáo dục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu kinh phí thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nhằm tạo ra sự phát triển đồng bộ của giáo dục địa phương.
Thứ bảy, kiểm tra, giám sát trong quá trình chấp hành chưa thực sự hiệu quả.
Giám sát trong quá trình chấp hành chủ yếu được thực hiện qua các báo cáo của đơn vị sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, chất lượng báo cáo chưa đảm bảo, chưa cung cấp các thông tin đầy đủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao đầu năm.
Cơ quan tài chính không thực hiện kiểm soát chi mà chỉ thực hiện kiểm tra khi quyết toán và đôi khi có thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ 06 tháng. Cơ quan GD&ĐT chủ yếu thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động chuyên môn, việc kiểm tra tài chính (nếu có) cũng chỉ được thực hiện lồng ghép cùng với hoạt động kiểm tra chuyên môn. Nội dung kiểm tra, giám sát chủ yếu là kiểm tra sự tuân thủ các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu và sự phù hợp của hồ sơ, chứng từ thanh toán; không đánh giá hiệu quả hoạt động và không gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc sử dụng nguồn tài chính với kết quả hoạt động.
Thứ tám, quyết toán chi NSĐP cho GDCL chủ yếu thực hiện nội dung quyết toán tài chính; quy trình xem xét, phê duyệt quyết toán còn khá phức tạp, phiền phức; số liệu quyết toán chưa phản ánh được kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Xét về nội dung quyết toán, chủ yếu thực hiện việc đối chiếu số liệu để đảm bảo tính phù hợp, tính khớp đúng của các khoản chi mà chưa có sự xem xét, đánh giá sự phù hợp giữa nguồn tài chính được giao với kết quả thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị.
Số liệu quyết toán trong báo cáo quyết toán năm của các đơn vị dự toán chủ yếu được tổng hợp theo nguyên tắc đảm bảo chính xác, trung thực, đầy đủ và so sánh với dự toán ngân sách, không tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ theo cam kết.
Trả lời