Là những quy định của ngân hàng trung ương để tăng hoặc giảm mức cung tiền nhằm tác động đến tín dụng trong nền kinh tế, giúp chính phủ ổn định phát triển nền kinh tế. Chính sách tiền tệ sử dụng hai công cụ chủ yếu đó là lượng cung tiền (MS) và lãi suất (i) và cả hai yếu tố này đều có ảnh hưởng đầu tư chứng khoán trên giác độ giá chứng khoán và lợi nhuận chứng khoán.
a) Ảnh hưởng của lượng cung tiền (M2)
Khi ngân hàng trung ương thay đổi lượng cung về tiền, lãi suất sẽ tăng hoặc giảm tác động đến đầu tư cá nhân, ảnh hưởng đến tổng cầu và sản lượng. Nghiên cứu của Friedman và Schwartz (1963) đã đưa ra lời giải thích đầu tiên về mối quan hệ giữa lượng cung tiền và thu nhập chứng khoán. Theo đó một sự gia tăng trong cung tiền sẽ làm gia tăng thanh khoản và tín dụng cho nhà đầu tư cổ phiếu dẫn đến giá các chứng khoán cao hơn [43];
Mối quan hệ giữa lượng cung tiền và giá cổ phiếu đã được xem xét qua rất nhiều nghiên cứu. Beryl Sprinkel (1964) đã tiến hành so sánh điểm quay đầu của chỉ số chứng khoán với điểm thay đổi của tỷ lệ tăng trưởng cung tiền và kết luận thị trường xuống giá (bear market) được dự báo là khoảng 15 tháng sau mỗi đỉnh của mức tăng cung tiền và thị trường lên giá (bull market) được dự báo là sau 2 tháng sau mỗi vùng lõm của mức cung tiền đạt tới [33].
KE.Homa and Jaffe (1971) ước lượng mối quan hệ giữa lượng cung tiền và và chỉ số giá chứng khoán phổ thông, tìm kiếm công cụ dự báo trong việc thực hiện các chiến lược đầu tư. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng giá của bất kỳ cổ phiếu phổ thông đều được xác định bởi 3 biến số: mức độ và tỷ lệ tăng cổ tức, tỷ lệ lãi suất phi rủi ro (lãi suất trái phiếu Chính phủ) và thặng dự rủi ro, trong đó tỷ lệ lãi suất phi rủi ro là một hàm số của biến số lượng cung tiền. Nghiên cứu kết luận: mức giá chứng khoán bình quân có quan hệ tỷ lệ thuận với lượng cung tiền [58].
Michael J. Hamburger and Levis A.Kochin (1972) bắt đầu với mô hình đánh giá chuẩn và mức giá hiện tại và tỷ lệ lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp tăng thêm để xác định mức độ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của lượng cung tiền lên TTCK. Nghiên cứu đưa ra kết luận: những thay đổi về tăng trưởng tiền tệ đã có những tác động khác nhau đến TTCK [51].
Pesando (1974) tìm ra một số vấn đề trong kết quả nghiên cứu về lý thuyết và thực nghiệm của mô hình do Hamburger-Kochin and Homa-Jaffe sử dụng, kết luận rằng việc các mô hình trên không có khả năng tổng quát hóa và dự báo chính xác giá cổ phiếu là bằng chứng phản biện lại mối quan hệ kết cấu bền vững giữa lượng cung tiền và giá cổ phiếu trên TTCK [69].
Gupta (1974) áp dụng việc tiếp cận bằng phương pháp xác suất để dự báo điểm quay đầu của giá chứng khoán trong một giai đoạn cụ thể được xác định trước. Sử dụng chuỗi số liệu thời gian theo tháng trong giai đoạn 23 năm và những điểm quay đầu quan sát được của lượng cung tiền, xác định có 59% số đỉnh của giá chứng khoán có thể được dự báo chính xác [50].
Kraft J. và Kraft A. (1977) sử dụng phương pháp phân tích chuỗi thời gian và cho thấy không có mối quan hệ tương tác giữa lượng cung tiền và giá cổ phiếu [61]. Pearce and Roley (1985) xem xét tác động của thông tin về lượng cung tiền lên giá chứng khoán, tìm ra mối quan hệ ngược chiều giữa mức tăng lượng cung tiền và giá chứng khoán
Pierre Danilo and Leiva-Leon (2016) cho rằng sự bất ngờ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm sụt giảm lợi nhuận cổ phiếu trong hầu hết các ngành công nghiệp và có sự không đồng nhất giữa các ngành, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước có phản ứng mạnh hơn tiêu cực với chính sách tiền tệ [70].
Như vậy, khi lượng cung tiền mở rộng sẽ dẫn đến một sự gia tăng trong tiêu dùng hàng hóa cũng như làm gia tăng việc sử dụng các tài sản chứng khoán, tức là việc đầu tư chứng khoán được thúc đẩy. Chính sách mở rộng tiền tệ làm giảm lãi suất của nền kinh tế, làm giảm lãi suất chiết khấu của chứng khoán qua đó làm tăng giá kỳ vọng và tăng thu nhập từ đầu tư chứng khoán.
b) Ảnh hưởng của lãi suất
Kênh thứ hai thông qua tác động của chính sách tiền tệ đến tài sản của người dân. Mô hình của Modigliani (1971) về tiêu dùng, lãi suất tăng sẽ làm giảm giá cổ phiếu và trái phiếu và ảnh hưởng xấu đến tài sản của người dân, từ đó dẫn đến tiêu dùng giảm sút và cuối cùng là tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nghiên cứu thực nghiệm đều đưa ra các bằng chứng thuyết phục về tương quan nghịch giữa lãi suất cơ bản và thị trường chứng khoán. Rigobon và Sack (2004) phát hiện rằng, thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm nếu Fed tăng lãi suất cao hơn kỳ vọng thị trường [73]. Bernanke và Kuttner (2005) phát hiện rằng nếu Fed cắt giảm lãi suất cao hơn kỳ vọng thị trường 0,25%, thì các chỉ số chứng khoán sẽ tăng 1%. Ngoài ra, nếu Fed nâng lãi suất cao hơn kỳ vọng, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ biến động mạnh hơn [28].
Hilde C. Bjornland (2004) cho rằng nếu có cú sốc về lãi suất sẽ làm thay đổi tới giá cổ phiếu và ngược lại [29]. Ehrmann và Fratzscher (2004) xác định giữa các ngành, các doanh nghiệp có sự không đồng nhất về sự tác động của chính sách tiền tệ tới lợi nhuận của cổ phiếu [39].
MJ Flannery, CM James (1984) khảo sát mối quan hệ giữa sự biến động của tỷ lệ lãi suất của lợi nhuận cổ phiếu phổ thông và cấu thành kỳ hạn của các hợp đồng danh nghĩa của doanh nghiệp. Sử dụng số liệu nghiên cứu của các ngân hàng thương mại đang hoạt động mạnh và các khoản tiết kiệm lũy kế, lợi nhuận của cổ phiếu phổ thông được xác định có tương quan với sự thay đổi của tỷ lệ lãi suất. Sự biến động của lợi nhuận cổ phiếu và sự thay đổi tỷ lệ lãi suất có quan hệ đồng biến đối với quy mô khác nhau về kỳ hạn giữa tài sản nợ và tài sản có của doanh nghiệp [66].
Chủ đề mối quan hệ giữa giá chứng khoán và tỷ lệ lãi suất đã nhận được nhiều sự quan tâm nghiên cứu của các chuyên gia. Fama (1981) lập luận rằng lạm phát mong đợi có mối tương quan ngược chiều với thu nhập đầu tư chứng khoán. Chính vì vậy, thu nhập chứng khoán sẽ tương quan ngược chiều với lạm phát mong đợi mà đại diện là tỷ lệ lãi suất của các khoản đầu tư ngắn hạn. Mặt khác, tác động cả tỷ lệ lãi suất dài hạn lên giá chứng khoán bắt nguồn trực tiếp từ mô hình giá trị hiện tại thông qua tác động lên tỷ lệ lãi suất dài hạn trên tỷ lệ chiết khấu [38].
Không sử dụng đồng thời cả tỷ lệ lãi suất dài hạn và ngắn hạn, Campbell (1987) phân tích mối quan hệ giữa biên độ mức sinh lời và lợi nhuận chứng khoán, với lập luận rằng với những biến số đã được sủ dụng để dự báo mức lợi nhuận thặng dư trên cấu trúc lãi suất cũng có thể dự báo được lợi nhuận đầu tư chứng khoán. Kết quả nghiên cứu này củng cố thêm tính hiệu quả của cấu trúc kỳ hạn của lãi suất trong việc dự báo lợi nhuận thặng dự chứng khoán trên thị trường chứng khoán Mỹ [34].
Zhou (1996) cũng tiến hành nghiên cứu mối quan hệ giữa tỷ lệ lãi suất và giá chứng khoán sử dụng phân tích hồi quy. Kết quả cho thấy tỷ lệ lãi suất có ảnh hưởng rất quan trọng đối với lợi nhuận chứng khoán, đặc biệt trong dài hạn, nhưng giả thuyết lợi nhuận chứng khoán kỳ vọng có sự vận động 1-1 với tỷ lệ lãi suất ban đầu bị loại bỏ. Kết quả nghiên cứu của Zhou cũng chỉ ra rằng tỷ lệ lãi suất cũng đóng vai trò quan trong trong việc lý giải sự biến động của tỷ lệ phân chia cổ tức trên giá chứng khoán và gợi ý rằng biến động lớn về thị trường chứng khoán có liên quan mật thiết đến mức sinh lời của các trái phiếu kỳ hạn dài, có thể dự tính được từ tỷ lệ chiết khấu của trái phiếu [80].
Lee (1997) sử dụng phân tích hồi quy đối với số liệu trong 3 năm để phân tích về mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán và tỷ lệ lãi suất ngắn hạn. Cho thấy mối quan hệ này không liên tục và bền vững theo thời gian [62].
Chính sách tiền tệ thắt chặt có thể được tiến hành thông qua việc tăng lãi suất cơ bản có ảnh hưởng ngược chiều đến thị trường chứng khoán thể hiện qua các lý do sau: i) lãi suất cơ bản tăng cao dẫn đến việc tăng lãi suất thị trường được sử dụng để chiết khấu dòng tiền, điều này dẫn đến giá chứng khoán giảm đi trong các mô hình định giá; ii) làm cho các chứng khoán thu nhập cố định trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn làm giảm thanh khoản vào cổ phiếu; iii) làm giảm xu hướng vay mượn để đầu tư vào chứng khoán và làm tăng chi phí vận hành doanh nghiệp (DN) do đó ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty.
Nghiên cứu của Gilchrist S. và Leahy JV. (1996) cho thấy tăng lãi suất gây ra bởi chính sách tiền tệ thắt chặt làm giảm dòng tiền của doanh nghiệp và từ đó có tác động đến khả năng thanh khoản của chứng khoán trên thị trường, kém hấp dẫn nhà đầu tư [48].
Để lại một bình luận