Được thừa nhận như một biểu tượng của một nền kinh tế thị trường phát triển, bằng sự hình thành HSTC – bước đệm để hình thành VSE – một thị trường chứng khoán hoàn chỉnh chắc chắn sẽ không còn là một khái niệm trừu tượng, một định chế xa vời mà sẽ trở thành hiện thực ở Việt Nam trong một tương lai không xa. Đó là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật của các nỗ lực chuyển đổi triệt để từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường trong lộ trình hội nhập từng bước vào nền kinh tế khu vực và kinh tế thế giới của Việt Nam. Song, đối với một định chế phức tạp, gai góc và có nhiều tác động đến sự thăng trầm của nền kinh tế như thị trường chứng khoán, sẽ là rất thiếu sót nếu tính đến việc hình thành, phát triển, ổn định thị trường mà không nghiên cứu kỹ cung và cầu chứng khoán trên thị trường. So với yếu tố cung – ý muốn, khả năng phát hành và bán cổ phiếu để gây vốn hoặc để cân bằng thu, chi ngân sách – thì yếu tố cầu – ý muốn, khả năng tích luỹ và sử dụng tiền tiết kiệm để mua chứng khoán như một công cụ để tiết kiệm và đầu tư – lại có ý nghĩa rất lớn đối với tiến trình phát triển thị trường chứng khoán ở nước ta.
Xét dưới góc độ cầu, vấn đề cần quan tâm ở đây là, trong nền kinh tế mà tiền mặt vẫn còn giữ địa vị thống trị trong các quan hệ giao dịch trao đổi như ở nước ta hiện nay, có hay chưa có nhu cầu đầu tư chứng khoán trong các tầng lớp dân cư? Và nếu có, lượng cầu chứng khoán hiện tại có đủ để duy trì và phát triển thị trường chứng khoán hay không? Làm thế nào để kích cầu chứng khoán? Luận giải vấn đề này một cách khoa học, thiết tưởng, là một việc làm hết sức bổ ích.
Trước hết, cũng như cầu các loại hàng hoá khác, sức cầu chứng khoán trên thị trường được quyết định bởi mức thu nhập trung bình của dân cư. Với mức thu nhập bình quân đầu người quá thấp (dưới 400 USD) như hiện nay, đối với phần lớn mọi người, thu nhập hiện tại chỉ đủ để trang trải cho các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu và mức tiết kiệm, nếu có, vẫn chưa đủ lớn để chuyển hoá thành nguồn vốn đầu tư dài hạn trên thị trường chứng
khoán. Vậy thì cầu đầu tư chứng khoán chỉ có ở tầng lớp trung lưu và ở những nhóm người có thu nhập cao. Đáng mừng là, theo dự ước của các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn tiết kiệm trôi nổi trong một bộ phận dân cư chưa được khai thác và luân chuyển trên thị trường vốn ở nước ta là rất lớn, ước tính khoảng 5-7 tỷ đô la Mỹ; ước tính hàng năm người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước cho thân nhân khoảng 2 tỷ đô la Mỹ. Như vậy, có thể thấy rằng, tiềm năng vốn đầu tư trong bộ phận công chúng vào thị trường chứng khoán vẫn còn rất lớn nếu biết khai thác đúng mức.
Một yếu tố khác chi phối đến sức cầu chứng khoán là mặt bằng chung về sự thành thạo tài chính và sự ưa thích đầu tư chứng khoán. Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc khơi thông dòng chảy vốn tiết kiệm vào thị trường vốn là đại bộ phận công chúng ở nước ta vẫn chưa có ý niệm gì về chứng khoán và đầu tư chứng khoán. Thực đơn đầu tư phổ biến trước đây và hiện nay vẫn là cất trữ tại nhà, mua đất, mua vàng tích trữ, nắm giữ ngoại tệ mạnh hoặc gửi ngân hàng và các dạng đầu tư truyền thống khác. Gần đây, với sự hình thành HSTC, nghề đầu tư chứng khoán với suất sinh lời hấp dẫn đã góp phần tạo nên cầu đầu tư chứng khoán. Tuy vậy, không thể cho rằng đại bộ phận công chúng nước ta đã làm quen và thành thạo với loại hình đầu tư mới mẻ này bởi lẻ phần đông công chúng không những vẫn còn mơ hồ về các công cụ tài chính mà còn thiếu niềm tin vào tính công bằng, sự ổn định của thị trường, khả năng sinh lời, sức hoán chuyển của các công cụ tài chính.
Như vậy, rõ ràng khi nguồn cung chứng khoán gia tăng mạnh, sức cầu chứng khoán hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường chứng khoán trong tương lai. Vì vậy, để khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp dân cư hiểu và ưa thích đầu tư vào các công cụ tài chính, các giải pháp cần tập chung thực hiện để kích cầu chứng khoán có hiệu quả là:
1. Song song với các nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chương trình xoá đói, giảm nghèo, cần nhanh chóng thiết lập và triển khai trên diện rộng chương trình giúp đỡ các tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình có điều kiện để mua chứng khoán. Mục tiêu của chương trình này là hỗ trợ về mặt tài chính để khuyến khích người lao động nghèo mua cổ phiếu ngay tại chính doanh nghiệp mà mình đã và đang gắn bó nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia là chủ doanh nghiệp, mở rộng đối tượng đầu tư, hạn chế nạn đầu cơ, lũng đoạn thị trường và tăng tính linh hoạt của thị trường. Để đạt được mục tiêu này, có thể áp dụng các hình thức hỗ trợ tài chính cho công nhân như sau:
a) Cho phép các doanh nghiệp nhà nước bán cổ phần đã phát hành trước đây và cổ phần phát hành mới theo giá chiết khấu cho công nhân nghèo (người lao động tại doanh nghiệp chỉ phải trả 50% thị giá của cổ phiếu);
b) Thành lập Quỹ tín thác chứng khoán của công nhân. Các doanh nghiệp nhà nước góp tiền hoặc cổ phiếu ngân quỹ vào Quỹ tín thác chứng khoán của công nhân và phân phối cổ phiếu của Quỹ này (theo giá thị trường hoặc giá chiết khấu) cho công nhân có mức thu nhập trung bình và thấp;
c) Cho công nhân vay tiền với lãi suất ưu đãi để mua cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành và trả dần tiền vay mua chứng khoán trong thời hạn 5-7 năm;
d) Cho phép các doanh nghiệp nhà nước được trích một khoản tiền từ lợi nhuận trước thuế để mua cổ phiếu và phân phối cổ phiếu mua được cho công nhân.
2. Bên cạnh việc tổ chức tốt các kênh tuyên truyền, phổ cập, giáo dục cho công chúng hiểu rõ các lợi ích của đầu tư chứng khoán trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, vô tuyến truyền hình, đĩa VCD, băng video) và trong hệ thống trường học (phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học) để từng bước hình thành một nền văn hoá chứng khoán cho công chúng, cần nhanh chóng hình thành và phát triển kỹ nghệ quản lý vốn đầu tư bằng việc hình thành các quỹ uỷ thác đầu tư để giúp cho vốn đầu tư của những nhà đầu tư không thích mạo hiểm được quản lý an toàn, hiệu quả bởi những nhà quản lý vốn chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, để làm đựơc điều này, nhất thiết quỹ uỷ thác đầu tư phải được điều hành bởi một đội ngũ cán bộ quản lý vốn giỏi, được đào tạo có hệ thống theo các chuẩn mực quốc tế chứ không phải chỉ được trang bị bằng vài ba chứng chỉ do SSC cấp như hiện nay.
3. Tăng tính hấp dẫn của hình thức đầu tư và chứng khoán bằng cách cải thiện khối lượng và chất lượng của chứng khoán: nâng cao mức sinh lời và khả năng lưu chuyển của chứng khoán và thị trường chứng khoán bằng cách mạnh dạn cổ phần hoá các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, quy mô vốn lớn (các tổng công ty), các doanh nghiệp nhà nước đang kinh doanh trong những ngành nghề có tiềm năng phát triển giao thông (hàng không, đường sắt), bưu điện, điện lực, cấp nước, các ngân hàng thương mại quốc doanh (chỉ giữ lại Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn để làm ngân hàng chính sách) hoặc một số doanh nghiệp nhà nước đã có những sản phẩm khẳng định được vị thế trên thương trường trong và ngoài nước như Bia Sài Gòn, Sữa Việt Nam, May Việt Tiến, Giấy Bãi Bằng….chứ không phải cổ phần hoá những doanh nghiệp nhà nước yếu kém, thua lỗ hoặc làm ăn có hiệu quả nhưng quy mô nhỏ như hiện nay. Chừng nào trên thị trường chứng khoán hiện diện các chứng khoán của các doanh nghiệp mạnh thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam thì chứng đó “ phong vũ biểu” – chỉ số thị trường chứng khoán – mới phản ánh đúng sức khoẻ của nền kinh tế.
4. Trong giai đoạn cung cầu mất cân đối như hiện nay, việc nghiêm cấm sử dụng dịch vụ vay mượn để mua bán chứng khoán là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, khi thị trường chính thức đã có 20-30 cổ phiếu niêm yết và cung cầu chứng khoán đã ổn định, cho phép các công ty chứng khoán triển khai hình thức giao dịch (mua bán) chứng khoán bằng tín dụng: cho vay tiền để mua chứng khoán và cho vay cổ phiếu để giúp khách hàng thanh toán các giao dịch. Thông qua việc tạo lập cung và cầu chứng khoán tạm thời, loại giao dịch chứng khoán bằng tín dụng sẽ góp phần bình ổn giá chứng khoán trên thị trường. Tuy nhiên, để triển khai dịch vụ này cần phải có những quy định nghiêm ngặt về tỷ lệ đặt cọc tối thiểu, số tiền tối đa được phép cho vay và loại chứng khoán cho vay để tránh đầu cơ, lũng đoạn thị trường. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, thiết nghĩ có thể áp dụng:
a) Tỷ lệ đặt cọc (ký quỹ) tối thiểu: 60% giá mua chứng khoán;
b) Loại chứng khoán được phép cho vay: chứng khoán đã niêm yết và các chứng khoán đặc biệt do SSC chỉ định.
5. Xây dựng và phát triển hệ thống các trung gian tài chính hoạt động trên thị trường chứng khoán (các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán, các công ty bảo hiểm) để giúp các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận hình thức đầu tư chứng khoán.
Trả lời