Chính sách tác kinh tế của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NLCT rất đa dạng, phong phú, và tác động đến doanh nghiệp dưới nhiều sự tác động khác nhau. Tùy vào điều kiện của mỗi quốc gia, địa phương, trong mỗi giai đoạn mà chủ thể chính sách sử dụng các chính sách cụ thể khác nhau. Căn cứ điều kiện cụ thể phát triển của doanh nghiệp Việt Nam và các địa phương (cấp tỉnh, thành phố) hiện nay, trong khuôn khổ của Luận án, tác giả tập trung nghiên cứu một số chính sách của Nhà nước có tác động quan trọng đến việc nâng cao NLCT với mục tiêu giảm chi phí và đổi mới sáng tạo theo thứ tự sắp xếp sau:
Vốn, tín dụng, thuế là một trong những vấn đề quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp và là vấn đề cơ bản trong hệ thống chính sách kinh tế của Nhà nước. Chính sách vốn, tín dụng, thuế có liên quan đến các công cụ như quỹ đầu tư, lãi suất, thuế, đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp theo các nhóm lựa chọn và ưu tiên, khuyến khích hay hạn chế. Chính sách về vốn – tín dụng, thuế liên quan đến khả năng huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp và quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp. Một chính sách về vốn, tín dụng, thuế đúng đắn, phù hợp với điều kiện đất nước, doanh nghiệp, với lợi ích xã hội sẽ giúp huy động được nguồn tiền trong xã hội cho đầu tư, kinh doanh.
Mục tiêu của chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng, thuế nhằm giảm chi phí đầu tư, sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp có cơ sở, điều kiện hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Để đầu tư, kinh doanh các doanh nghiệp thường chỉ sử dụng một phần vốn tự có, phần còn lại là vốn vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Nếu lãi suất tín dụng cao, chính sách hỗ trợ tín dụng thấp các DN sẽ không đủ vốn cần thiết cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh cũng như NLCT trên thị trường. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn, hạn chế gây ra tình trạng phổ biến là các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau, làm lây nhiễm rủi ro giữa các doanh nghiệp. Nói một cách khác năng lực tài chính của các doanh nghiệp yếu và bị động. Những ưu đãi thuế (miễn, giảm, hoàn thuế trong thời kỳ mới đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu, sẽ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí hoạt động.
Hỗ trợ vốn, lãi suất tín dụng, ưu đãi thuế, hoàn thuế sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm trên cơ sở đó NLCT doanh nghiệp được nâng lên.
Bởi vậy, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc tăng cường nguồn lực vốn cho các ngân hàng và cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, giảm lãi suất cho vay hoặc hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất, bảo lãnh tín dụng cũng như có chính sách miễn, giảm, hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Đất đai là yếu tố không thể thiếu được với các hoạt động của doanh nghiệp (đó là mặt bằng sản xuất, nhà xưởng, kho bãi, cửa hàng, trụ sở, văn phòng…). Đất đai lại là tài nguyên không tái tạo được, trong khi nhu cầu sử dụng cho xã hội, cho phát triển kinh tế, cho doanh nghiệp lại ngày càng tăng. Chính vì vậy, việc tiếp cận đất đai, thuê trụ sở, mặt bằng kinh doanh, nhà xưởng, luôn là vấn đề không thể thiếu được, bức xúc, nóng bỏng cho doanh nghiệp. Chính sách đất đai với doanh nghiệp là một bộ phận của chính sách đất đai quốc gia, và gắn với thể chế đất đai quốc gia. Thể chế đất đai theo nghĩa rộng bao gồm các vấn đề lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất như quyền sở hữu đất, sử dụng đất, quản lý đất, kỹ thuật khai thác sử dụng đất v.v. còn theo nghĩa hẹp thì chỉ bao gồm các vấn đề về sở hữu, về sử dụng và thu lợi, tức là về các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng.
Mục tiêu chính sách là tạo điều kiện để các doanh nghiệp dễ tiếp cận thuê đất, công khai, minh bạch, thuận tiện trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, giảm chi phí cho việc thuê mặ bằng sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng, nhà xưởng sẽ tạo cho DN hình thành, mở rộng sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng tài sản, mở rộng điều kiện tiếp cận các nguồn tín dụng tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, chi phí vận hành là cơ sở để DN nâng cao NLCT. Bởi vậy, chính sách đất đai, tiếp cận đất đai được xem là nội dung quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh của địa phương cũng như giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao NLCT.
Khoa học công nghệ ngày nay được xem là lực lượng vật chất trực tiếp quyết định sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Sự lạc hậu về công nghệ và TTB kỹ thuật sẽ tạo ra chất lượng sản phẩm thấp, năng suất lao động không cao, sản xuất kinh doanh không ổn định và giá thành sản phẩm cao làm hạn chế NLCTcủa doanh nghiệp Khoa học công nghệ là công cụ cạnh tranh quan trọng, then chốt trong sự tồn
tại và phát triển của doanh nghiệp. Ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến quyết định sự khác biệt sản phẩm trên các phương diện chất lượng, thương hiệu và giá cả. Trong điều kiện phát triển của cuộc cách mạng 4,0 và trí tuệ nhân tạo, việc đầu tư TTB hiện đại, đổi mới công nghệ là một yêu cầu mang tính chiến lược với các DN. Với những doanh nghiệp giữ bản quyền sáng chế hoặc có bí quyết công nghệ thì phương thức giữ gìn bí quyết là yếu tố quan trọng nâng cao NLCT của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với từng doanh nghiệp là khó khăn, khá tốn kém và phức tạp đặc biệt với các DNNVV.
Chính sách hỗ trợ về KH, CN sẽ giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận KHCN mới, hiện đai, đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền, giúp cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn, vị thế của doanh nghiệp cao hơn và từ đó NLCT được nâng cao. Bởi vậy, các doanh nghiệp luôn mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ về KHCN.
Ngoài các yếu tố kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được thực hiện chủ yếu bằng và thông qua con người. Con người là nguồn lực quan trọng nhất của cho sự phát triển của xã hội cung như của doanh nghiệp. Để có đội ngũ lao động có tay nghề cao, quản lý giỏi, sáng tạo, NSLĐ cao các doanh nghiệp phải có chiến lược tuyển dụng, đào tạo và sử dụng người tài, phải có chiến lược đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu, phù hợp với yêu cầu. Đồng thời, từng doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng chính sách đãi ngộ như chính sách lương, thưởng hợp lý để giữ ổn định lực lượng lao động của mình, nhất là những lao động giỏi. Doanh nghiệp phải định hình rõ triết lý dùng người, phải trao quyền chủ động cho nhân viên và phải thiết lập được cơ cấu tổ chức đủ độ linh hoạt, thích nghi cao với sự thay đổi.
Mục tiêu của chính sách hỗ trợ nhằm tạo ra nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, chi phí thấp để các doanh nghiệp có thể tuyển dụng, sử dụng lại phụ thuộc rất lớn vài chính sách đào tạo, việc làm, đãi ngộ của Nhà nước. Mặt khác, quá trình đào tạo, đào tạo bổ sung cũng khá tốn kém, khó khăn cho từng doanh nghiệp. Bởi vậy, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao luôn được các doanh nghiệp quan tâm. Mặt khác, chính sách hỗ trợ đào tạo lao động còn có ý nghĩa giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp, nâng cao mức sống nhân dân của chính phủ cũng như chính quyền các cấp.
Chính quyền địa phương thông qua chính sách phát triển, các đề án, quyết định thuộc thẩm quyền và sử dụng NSĐP để nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở đào tạo, hỗ trợ học bổng, chi phí đào tạo, xã hội hóa đào tạo, kết hợp cơ chế phối hợp 3 nhà (nhà trường, nhà doanh nghiệp và Nhà nước) trong đào tạo, đào tạo theo địa chỉ.
Trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất cần biết thị trường đang cần cái gì? cần bao nhiêu? điều đó đồng nghĩa với việc sản xuất cái gì? bao nhiêu? tiêu thụ ở đâu? Các doanh nghiệp phải tìm cách tận dụng các nguồn thông tin, tìm hiểu sở thích tiêu dùng của khách hàng thông qua hoạt động chiếm lĩnh các điểm bán hàng tối ưu, thông qua quảng cáo, triển lãm giới thiệu sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng, giới thiệu sản phẩm để khách hàng dùng thử, đa dạng hóa chất lượng, mẫu mã, giá cả sản phẩm và chi phí bán hàng để tận dụng hết các phân đoạn thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp còn mở rộng tối đa thị phần cho sản phẩm thông qua hệ thống đại lý, liên doanh, mở chi nhánh, văn phòng đại diện, nhượng quyền thương mại ở những nơi có nhu cầu.
Để trả lời các câu hỏi giúp cho doanh nghiệp có hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp với thị trường các quốc gia thường có các chính sách trợ giúp doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu thông qua điều tra, nghiên cứu, mở thị trường mới (thông qua việc tổ chức Hội chợ, triển lãm, tổ chức các đoàn thăm quan, khảo sát thị trường hoặc cung cấp miễn phí các thông tin về thực trạng và triển vọng thị trường trong nước và quốc tế, nới rộng định mức chi phí tuyên truyền, quảng cáo, marketing trong chi phí của doanh nghiệp.
Để lại một bình luận