NHNN đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho các giao dịch trên TTTT Việt Nam, qua đó hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của TTTT Việt Nam. Tuy nhiên, để thị trường hoạt động hiệu quả và phát triển sang một giai đoạn mới (như phân tích của IMF ), cần thiết phải xây dựng và hình thành hê thống ứng dụng theo dõi kịp thời toàn bộ diễn biến trên thị trường, góp phần minh bạch hóa thông tin và góp phần tăng hiệu quả điều hành CSTT của NHNN.
Về hoạt động quản lý, giám sát và điều tiết thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước NHNN thực hiện việc quản lý, giám sát thị trường thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật, các quy tắc, luật lệ cho hoạt động của thị trường; thực hiện thanh tra, kiểm soát việc tuân thủ của các thành viên trên thị trường và điều tiết hoạt động của thị trường thông qua các công cụ CSTT. Hoạt động can thiệp này được biết đến chính là quản lý thanh khoản (thực hiện vai trò người đi vay cuối cùng) và quản lý lãi suất.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, vai trò người cho vay cuối cùng trên thị trường liên ngân hàng của NHNN thường xuyên bị phá vỡ. Trên thị trường liên ngân hàng quốc tế, các đối tượng tham gia thị trường có thể phân cấp thành nhóm các nhà giao dịch sơ cấp, thứ cấp, các nhà tạo lập thị trường (market makers), các nhà môi giới, từ đó giúp kết nối người thừa vốn đến người thiếu vốn một cách thông suốt (như Thái Lan, Mỹ). Ở các nước này, thị trường liên ngân hàng hoạt động rất thông suốt thông qua sự truyền dẫn từ các nhà giao dịch sơ cấp (hoạt động trực tiếp với NHTW) đến các nhà giao dịch thứ cấp để cân đối cung cầu thanh khoản trên thị trường). NHTW sẽ thông qua hoạt động thị trường mở và các công cụ tinh chỉnh của mình để điều tiết lượng thanh khoản của toàn hệ thống thông qua các nhà giao dịch sơ cấp, các nhà giao dịch này đến lượt nó lại làm vai trò cân đối và đáp ứng nhu cầu thanh khoản cho các khách hàng của mình. Còn ở Việt Nam, hoạt động luân chuyển vốn giữa các ngân hàng chưa thực sự thông suốt. Trên thị trường thường xảy ra hiện tượng dư thừa vốn tổng thể nhưng NHNN vẫn phải tiến hành các hoạt động OMO hay tái cấp vốn do các ngân hàng thiếu vốn không thể tìm đến các ngân hàng thừa vốn để vay mượn. Điều này một phần do vẫn tồn tại thực trạng các TCTD ưu tiên cho vay, hoặc gửi tiền trong nhóm với nhau, ví dụ giữa các NHTM Nhà nước, giữa các ngân hàng nước ngoài hay giữa các NHTM cổ phần lớn. Hệ thống thị trường liên ngân hàng thay vì hình thành các nhóm đóng vai trò là nhà giao dịch sơ cấp, các nhà tạo lập thị trường để góp phần điều hòa thị trường như các thị trường quốc tế thì lại phân chia thành nhóm hoạt động cục bộ, và chính điều này làm giảm khả năng tiếp cận, điều hòa lẫn nhau kéo theo những hạn chế trong điều tiết thị trường của NHNN.
Kết quả phản ứng của thị trường cho thấy việc duy trì các công cụ hành chính kết hợp với công cụ thị trường trong điều kiện hiện nay đã bắt đầu tạo ra những khó khăn, trở ngại cho việc điều hành thị trường. Hiện nay, TTTT Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển thứ hai (theo IMF) – giai đoạn phát triển thị trường liên ngân hàng – và ở giai đoạn này, công cụ điều hành CSTT cần chuyển dần từ các công cụ hành chính quy định sang các công cụ thị trường, bắt đầu với các hoạt động kiểu thị trường mở. Tuy nhiên, nếu như giai đoạn đầu của sự chuyển đổi, thị trường có thể chấp nhận sự giao thoa của hai loại hình công cụ, thì đến giai đoạn hiện nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy đã đến lúc các công cụ được sử dụng cần phải chuyển lên một bước nữa trong giai đoạn này – hoàn thiện công cụ thị trường và tiến tới chuyển hẳn sang sử dụng loại hình công cụ này, khi mà thị trường liên ngân hàng đã phát triển không còn sơ khai như bước đầu của giai đoạn nữa.
Trả lời