Quảng Ninh là tỉnh nằm ở vùng Đông Bắc nước ta có dân số khoảng 1,2 triệu người, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển, đảo với danh thắng nổi tiếng Vịnh Hạ Long – kỳ quan thiên nhiên của thế giới, với các lễ hội truyền thống, địa điểm du lịch tâm linh, với các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển đảo. Với chiều dài 250km bờ biển, trên 6.000km2 diện tích mặt biển và hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các trung tâm kinh tế, kết nối liền mạch với các cửa khẩu, khu kinh tế, khu công nghiệp… đã cơ bản hoàn thiện và theo quy hoạch đến năm 2020 tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và dịch vụ hiện đại, phát triển hoàn thiện hệ thống cảng biển, hoàn thiện cảng du lịch quốc tế; phát triển dịch vụ du lịch biển, đảo. Năm 2012, tỉnh Quảng Ninh chọn chủ đề là “Năm xây dựng chiến lược và quy hoạch”. Bên cạnh việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Quảng Ninh đang triển khai xây dựng hàng loạt các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển các địa phương, trong đó quy hoạch phát triển dịch vụ du lịch biển, đảo được xác định là trọng tâm.
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên để phát triển du lịch, Quảng Ninh đã lựa chọn được những ý tưởng, phương án quy hoạch phù hợp, lựa chọn được các nhà tư vấn thực sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển du lịch, học tập kinh nghiệm từ sự thành công cũng như thất bại trong xây dựng, thực thi chính sách phát triển du lịch của các quốc gia trên thế giới. Việc quy hoạch, xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch phù hợp với quy hoạch tổng thể, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác; giải quyết tốt mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp với du lịch, giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các lễ hội truyền thống; phát triển các sản phẩm du lịch mới, tăng cường tổ chức các sự kiện du lịch, các giải thể thao, văn hóa, nhất là trong mùa thu, mùa đông để thu hút khách du lịch; có chiến lược quảng bá phù hợp đối với từng khu vực, từng đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, sự đóng góp của du lịch, trách nhiệm của người dân đối với việc phát triển du lịch đi đôi với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch để tránh tình trạng lộn xộn, tăng giá dịch vụ, “chặt chém” khách du lịch đã được giải quyết tương đối tốt. Do vậy đến năm 2014 ngành dịch vụ của Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhất là dịch vụ du lịch, cơ cấu kinh tế (giá hiện hành) của Quảng Ninh tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng: Nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản chiếm 5,8%, Công nghiệp – xây dựng chiếm 50%, Dịch vụ chiếm 44,2%.
Trả lời