Bản chất của thuế TNCN là đảm bảo sự công bằng trong phân phối thu nhập của các tầng lớp dân cư trong xã hội khi thực hiện điều tiết vào thu nhập nhận được của cá nhân theo nguyên tắc thu nhập càng cao thì càng phải nộp thuế nhiều nhằm giảm chênh lệch về thu nhập giữa cá nhân có thu nhập cao và cá nhân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thực hiện Luật Thuế TNCN tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: một số quy định của Luật thuế TNCN hiện hành chưa đảm bảo sự công bằng trong việc phân bổ gánh nặng thuế giữa các đối tượng có các loại thu nhập khác nhau. Điều đó đưa đến sói mòn lòng tin của NNT với các quy định pháp luật thuế và gây trở ngại cho việc hình thành ý thức tự tuân thủ. Vì vậy, đảm bảo sự công bằng về chính sách và pháp luật thuế TNCN là một biện pháp quan trọng để xây dựng và hình thành tâm lý tự tuân thủ cho NNT.
Biểu hiện của sự không công bằng trong Luật Thuế TNCN khi quy định định mức đánh thuế TNCN theo tỷ lệ khác nhau đối với các loại thu nhập. Chẳng hạn: Thu nhập từ kinh doanh có mức thuế suất từ 0,5% đến 5% doanh thu chịu thuế; từ đầu tư vốn với mức thuế suất 5%; từ chuyển nhượng vốn với mức thuế suất 20%; từ chuyển nhượng bất động sản với mức thuế suất 2% và thu nhập trúng thưởng với mức thuế suất 10% thu nhập tính thuế. Do áp dụng mức thuế suất khác nhau làm cho tỷ lệ thu nhập chịu thuế giữa các loại thu nhập không giống nhau dẫn đến sự không công bằng giữa các cá nhân có các loại thu nhập khác nhau.
Ngoài ra Luật Thuế TNCN hiện hành mới chỉ quy định giảm trừ gia cảnh áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, còn các cá nhân có các loại thu nhập khác không được áp dụng mức giảm trừ gia cảnh. Điều đó thể hiện sự không công bằng khi có thu nhập chịu thuế được giảm trừ gia cảnh, có thu nhập chịu thuế không được giảm trừ gia cảnh.
Vì vậy, để đảm bảo phát huy vai trò của thuế TNCN trong việc đảm bảo sự công bằng trong phân phối thu nhập của các cá nhân trong xã hội – tiền đề quan trọng hình thành ý thức tự tuân thủ của NNT thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật thuế TNCN theo hướng đảm bảo sự công bằng trong điều tiết thu nhập của cá nhân.
Trên cơ sở định hướng trên, tác giả đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN theo hướng:
– Mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế của từng cá nhân;
– Sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập theo hướng đơn giản, công bằng và phù hợp với thông lệ quốc tế để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của NNT và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế về lâu dài cần đánh thuế thu nhập cá nhân theo Biểu thuế lũy tiền từng phần trên tổng thu nhập;
– Điều chỉnh mức thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế và đối tượng nộp thuế: (i) Thu nhập từ kinh doanh áp dụng chung một mức thuế suất nhau; thu nhập từ đầu tư (từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản) áp dụng mức thuế suất hợp lý và tương đồng nhau, không quá chênh lệch như hiện nay.
– Áp dụng giảm trừ gia cảnh cho tất cả các nhóm thu nhập khác nhau.
– Sửa đổi Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với tiền lương, tiền công theo hướng tăng điều tiết vào thu nhập của cá nhân có thu nhập cao, góp phần làm giảm chênh lệch về thu nhập giữa nhóm có thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất, đảm bảo sự công bằng trong phân phối thu nhập;
Việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thuế TNCN như trên sẽ tạo ra cơ sở cho sự công bằng về thể chế, chính sách trong việc động viên, phân phối thu nhập, củng cố niềm tin cho các đối tượng nộp thuế, từ đó tạo dựng và năng cao dần ý thức tự tuân thủ chính sách và pháp luật thuế TNCN.
Trả lời