Hệ thống báo cáo kế toán – tài chính bao gồm các báo cáo kế toán và báo cáo tài chính.
1. Báo cáo kế toán
a/ Giới thiệu chung về các loại báo cáo kế toán tại đơn vị ngân hàng
Báo cáo kế toán được lập theo ngày, tháng, năm phản ánh tình hình biến động tài sản, nguồn vốn ngân hàng, bao gồm:
– Báo cáo cân đối tài khoản nội bảng;
– Báo cáo cần đối tài khoản ngoại bảng;
– Các báo cáo kế toán quyết toán năm: gồm bảng tình hình thực tế doanh nghiệp; các biểu thống kê chi tiết về các số liệu được phản ánh trên bảng cân đối kế toán năm của đơn vị, được lập trên cơ sở sổ kế toán chi tiết và số liệu kiểm kê thực tế tại đơn vị.
– Các báo cáo kế toán quản trị và các loại báo cáo kế toán khác cần thiết phục vụ cho kiểm toán nội bộ, công tác quản lý tài chính nội bộ đơn vị ngân hàng.
Trong các loại báo cáo kế toán, bảng cân đối tài khoản kế toán là báo cáo kế toán quan trọng nhất và chi tiết nhất phản ánh tình hình hoạt động của đơn vị trong thời kỳ nhất định. Mục (b) sau đây sẽ trình bày về BCĐTKKT của đơn vị ngân hàng.
b/ Bảng cân đối tài khoản kế toán của đơn vị ngân hàng
* Bảng cân đối tài khoản kế toán là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh toàn bộ giá trị tài sản hiện có và các nguồn hình thành những tài sản đó của đơn vị sau một thời kỳ nhất định theo chỉ tiêu các tài khoản tổng hợp.
* Cơ sở và trình tự lập BCĐTKKT
Cơ sở để lập BCĐTKKT là số liệu về doanh số, số dư đầu kỳ và cuối kỳ của sổ kế toán tài khoản tổng hợp sau khi đã đối chiếu khớp đúng với bảng kết hợp tài khoản tháng (năm). Đối với hệ thống tài khoản kế toán các TCTD và hệ thống tài khoản kế toán NHNN, Thống đốc NHNN quy định và quản lý thống nhất đến chỉ tiêu TKTH cấp 3, do đó báo cáo kế toán cân đối tài khoản đơn vị ngân hàng phải lập và nộp cho các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phản ánh số liệu kế toán của TKTH cấp 3, được tổng hợp lên TKTH cấp 2 và tổng hợp lên TKTH cấp 1. Tuy nhiên, trong nội bộ của đơn vị ngân hàng để nắm được tình hình biến động của tài sản, nguồn vốn và các quỹ một cách chi tiết hơn, báo cáo cân đối tài khoản thường được lập đến chỉ tiêu TKTH cấp 4 hoặc cấp 5.
Tài sản, nguồn vốn, và các giao dịch kinh tế tài chính của đơn vị ngân hàng thường có nhiều loại tiền tệ: Có VND, có các loại ngoại tệ, vàng bạc, đá quý. Trong khi đó, theo chế độ kế toán, báo cáo kế toán – tài chính chính thức công bố, nộp cho cơ quan quản lý nhà nước phải phản ánh bằng đồng Việt Nam. Đối với kế toán ngoại tệ, các đơn vị ngân hàng có thể thực hiện theo các phương pháp khác nhau trong quá trình hạch toán chi tiết và hạch toán tổng hợp (xem chi tiết chương V). Nếu đơn vị ngân hàng thực hiện kế toán ngoại tệ theo phương pháp “hạch toán chi tiết theo nguyên tệ, hạch toán tổng hợp vừa theo nguyên tệ, vừa theo VND”, việc lập báo cáo cân đối kế toán thường theo trật tự sau:
– Lập báo cáo cân đối tài khoản theo từng loại tiền tệ (VND, từng loại ngoại tệ theo nguyên tệ)
– Lập báo cáo cân đối tài khoản của từng loại ngoại tệ quy đổi USD
– Lập báo cáo cân đối tài khoản tổng hợp tài sản, nguồn vốn bằng ngoại tệ của đơn vị quy đổi USD.
– Lập báo cáo cân đối tài khoản tổng hợp toàn bộ tài sản, nguồn vốn của đơn vị ngân hàng quy đổi VND.
Việc quy đổi giữa đồng Việt Nam với đồng đô la Mỹ theo tỷ giá do NHNN công bố vào thời điểm lập báo cáo, trừ các khoản mục phi tiền tệ (TSCĐ, vật liệu, góp vốn đầu tư, mua cổ phần bằng ngoại tệ….vẫn theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch.
* Hình thức, nội dung của BCĐTKKT:
Yêu cầu của phần các TK nội bảng là :
+ Tổng dư Nợ đầu kỳ = tổng dư Có đầu kỳ
+ Tổng số phát sinh Nợ trong kỳ = tổng số phát sinh Có trong kỳ.
+ Tổng dư Nợ cuối kỳ = tổng dư Có cuối kỳ.
2. Báo cáo tài chính
Theo chuẩn mực kế toán quốc tế (CMKTQT), báo cáo tài chính của NHTM và các tổ chức tài chính tương tự bao gồm các loại báo cáo sau:
– Bảng cân đối kế toán
– Báo cáo thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh
– Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
– Thuyết minh báo cáo tài chính
Theo chế độ báo cáo tài chính hiện hành đối với TCTD do thống đốc NHNN và BTC quy định, các loại báo cáo kế toán – tài chính đơn vị NHTM phải nộp và báo cáo NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước khác gồm Bảng cân đối tài khoản kế toán (thuộc báo cáo kế toán) và các loại báo cáo sau:
– Bảng cân đối kế toán
– Báo cáo thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
– Thuyết minh báo cáo tài chính
Như vậy, so với thông lệ quốc tế, hiện nay các đơn vị ngân hàng Việt Nam không phải lập và nộp báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, VAS 21- trình bày báo cáo tài chính, đoạn 66 (d) yêu cầu các doanh nghiệp phải thuyết minh về những biến động trong vốn chủ sở hữu. Hình thức, nội dung của 4 báo cáo bắt buộc trong bộ báo cáo tài chính đơn vị ngân hàng sẽ được nghiên cứu chi tiết ở mục 2, mục 3, mục 4 cùng chương.
Để lại một bình luận