Hầu như các dự án về TT logistics tại Hải Phòng chỉ mới phát triển trong một vài năm trở lại đây. Số lượng TT logistics của Hải Phòng vẫn còn rất nhỏ so với tiềm năng phát triển dịch vụ logistics của thành phố những năm gần đây và trong thời gian tới. Việc phân bổ các trung tâm trên địa bàn thành phố lại không đồng đều, nếu tính cả dự án TT logistics của công ty SITC thì cả ba trung tâm này đều tập trung tại khu công nghiệp Đình Vũ. Mặc dù đây là một vị trí thuận lợi cho hoạt động vận tải và giao nhận, có thể tận dụng được lợi thế về cảng biển, liền kề hoặc ở trong các khu công nghiệp, có thể kết nối với các phương tiện khác nhau, nhưng việc có quá nhiều TT logistics đặt tại một khu vực có thể dẫn đến sự phát triển hạ tầng không đồng đều, dẫn đến dư thừa nguồn lực- nơi thừa cung nơi thiếu cung, gây tắc nghẽn, doanh nghiệp không tận dụng và khai thác hết được thế mạnh của các cảng hoặc khu công nghiệp khác, ví dụ như: khu công nghiệp Nomura, Tràng Duệ, Nam Đình Vũ, Đồ Sơn, An Dương…
Quy mô và phạm vi dịch vụ
Vốn đầu tư của trung tâm Green và Yusen tương đối lớn, lần lượt là 168 tỷ đồng và 21,1 triệu USD tương đương 448 tỷ đồng, do các doanh nghiệp đầu tư vào loại hình này chủ yếu là các doanh nghiệp lớn trong nước, liên doanh với tập đoàn hàng đầu của nước ngoài hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài nên có lợi thế về vốn và công nghệ. Tuy nhiên vẫn chưa bằng một số TT logistics ở khu vực phía Nam như: khu kho vận Maple Tree (khu liên hợp công nghiệp- dịch vụ- đô thị Bình Dương) rộng 68ha, vốn đầu tư 110 triệu USD tương đương 2.333,7 tỷ đồng; khu kho vận YCH- Protrade (phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương) diện tích 6,9ha, vốn đầu tư 14 triệu USD tương đương 297 tỷ đồng…
Quy mô của các TT logistics hiện nay trên địa bàn Hải Phòng còn tương đối nhỏ, hoạt động chưa đúng với vai trò và chức năng của một TT logistics thực sự mà chỉ đơn giản như một kho hàng được nâng cấp phục vụ hàng hóa trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của một nhà cung ứng dịch vụ logistics bên thứ 3 (3PL). Chẳng hạn như TT logistics Green chỉ chủ yếu cung cấp dịch vụ logistics cho một số doanh nghiệp nằm trong hoặc lân cận Khu công nghiệp Đình Vũ như: APL Logistics, KMG, Expeditors, OOCL, Tonkin…
Dựa trên thực trạng hoạt động của TT logistics Green, có thể thấy những dịch vụ mà trung tâm này có thể cung cấp còn rất hạn chế, chủ yếu là dịch vụ lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, gom/ chia hàng giống như một kho hàng hiện đại hơn là một TT logistics. Cụ thể là GLC thiếu hẳn những chức năng cơ bản của một TT logistics như: tạo giá trị logistics gia tăng cho hàng hóa (dán nhãn, ký mã hiệu, lắp ráp cuối, sửa chữa, bảo hiểm, thông quan); quản lý, điều khiển, vệ sinh và sửa chữa container, phương tiện vận tải; thậm chí là cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng như ăn, nghỉ, dịch vụ tư vấn, dịch vụ tài chính- tín dụng, cho thuê văn phòng… Do thiếu nhiều dịch vụ đặc thù để tạo ra giá trị gia tăng cao cho khách hàng nên lượng khách mà trung tâm có thể phục vụ được còn ít và thiếu sự đa dạng. Rõ ràng, quy mô và chất lượng dịch vụ hạn chế là những yếu tố dẫn đến các TT logistics tại Hải Phòng chưa thể đóng vai trò là điểm thu hút đầu tư lớn trong nước và quốc tế. Bảng 2.3 trình bày sự khác biệt về quy mô và phạm vi dịch vụ của các TT logistics tại Hải Phòng so với các TT logistics tiêu chuẩn quốc tế ở các quốc gia khác.
Để lại một bình luận