Lý thuyết POT được đề xuất lần đầu tiên bởi Donaldson (1961). Nghiên cứu này đã đưa ra những bằng chứng cho thấy, các nhà quản trị ưu tiên sử dụng nguồn tài trợ nội bộ và chỉ cần đến nguồn tài trợ bên ngoài (nợ và phát hành cổ phần mới) khi nhu cầu vốn gia tăng vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Quan điểm này tiếp tục được phát triển bởi Ross (1977), Leland và Pyle (1977), Myers và Majluf (1984). Theo Myers và Majluf (1984), các quyết định tài trợ của doanh nghiệp dựa trên cở sở thông tin bất cân xứng giữa nhà quản trị và các nhà đầu tư bên ngoài. Theo ông, các nhà quản trị nên ưu tiên sử dụng nguồn tài trợ bên trong hơn nguồn tài trợ bên ngoài, và nếu phải lựa chọn nguồn vốn bên ngoài thì doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn nguồn vốn theo hướng tối thiểu sự gia tăng chi phí do thông tin bất cân xứng.
Cụ thể, đối với nguồn tài trợ từ bên trong, nhà quản trị nên bắt đầu từ lợi nhuận giữ lại, đây là nguồn vốn ít bị ảnh hưởng nhất bởi chi phí do thông tin, chi phí phát hành và ít rủi ro nhất. Sau đó đến nợ và sự lựa chọn cuối cùng là vốn cổ phần phát hành mới – nguồn vốn phải chịu chi phí cao nhất do thông tin bất cân xứng và chi phí phát hành.
Như vậy, Lý thuyết POT đề xuất thứ tự ưu tiên lựa chọn các nguồn tài trợ nhưng không đề cập đến việc xác định có hay không có một CTV tối ưu cho doanh nghiệp. Mặt khác, lý thuyết này cung cấp bằng chứng trong việc giải thích mối tương quan nghịch giữa khả năng sinh lời và tỷ số nợ, tức là giải thích tại sao các doanh nghiệp có khả năng sinh lời nhiều lại hạn chế vay nợ hơn các doanh nghiệp sinh lời ít. Do đó, Lý thuyết POT không thay thế các lý thuyết khác mà bổ sung, làm rõ hơn quyết định lựa chọn nguồn tài trợ của nhà quản trị tài chính.
Theo mô hình bổ sung của Lý thuyết MM (1963), doanh nghiệp khuyến khích được sử dụng nợ vay để tiết kiệm thuế. Tuy nhiên, lý thuyết này được xây dựng trên cơ sở các giả thuyết không thực tế, nhất là không có chi phí kiệt quệ tài chính do sử dụng nợ.
Kết luận này bị tuyệt đối hóa nên không hợp lý vì tồn tại nhiều yếu tố khiến ích lợi của việc sử dụng nợ vay bị triệt tiêu và một trong số đó là nguy cơ phá sản. Giả thuyết này bị bác bỏ trong Lý thuyết TOT. Lý thuyết TOT do Kraus và Litzenberger (1973) khởi xướng và được biết đến Lý thuyết TOT tĩnh. Sau đó, tiếp tục phát triển ở nghiên cứu của Myers (1984) và các công trình khác với Lý thuyết TOT động.
Lý thuyết TOT tĩnh
Kraus và Litzenberger (1973) đã đưa ra nhận xét rằng trong quá trình tồn tại của mình thì doanh nghiệp dễ dàng và nhanh chóng đạt đến CTV tối ưu phản ánh một sự đánh đổi giữa lợi ích từ thuế của nợ vay với chi phí kiệt quệ tài chính, và doanh nghiệp chỉ có một CTV tối ưu duy nhất. Thật vậy, khi mức sử dụng nợ của doanh nghiệp tăng lên và đạt đến điểm V*, tại đó chi phí kiệt quệ tài chính hoàn toàn triệt tiêu lợi ích từ thuế của nợ vay và giá trị doanh nghiệp lớn nhất. Điểm này được gọi là CTV tối ưu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tiếp tục tăng mức sử dụng nợ vượt qua điểm CTV tối ưu, chi phí kiệt quệ tài chính sẽ dần vượt quá lợi ích của thuế từ lãi vay. Do đó, từ điểm này trở đi việc gia tăng nợ vay sẽ làm giảm giá trị doanh nghiệp. Lý thuyết này được ủng hộ bởi Jensen và Meckling (1976), Jensen (1986). Như vậy, theo Lý thuyết TOT tĩnh, CTV tối ưu được xây dựng trên cơ sở cân bằng giữa chi phí và lợi ích, hay nói một cách khác, CTV tối ưu tại điểm chi phí cận biên bằng với lợi ích cận biên. Vì vậy, các nhà quản trị cần xác định chi phí và lợi ích để lựa chọn nguồn tài trợ và cơ cấu vốn hợp lý để đạt CTV tối ưu. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp rất khó xác định CTV tối ưu (Bringham và Houston, 2009) và vấn đề này xuất phát từ các lý do sau:
Thứ nhất, trên thực tế, CTV chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố vi mô cũng như vĩ mô thay đổi liên tục theo thời gian như biến động thị trường nguyên vật liệu đầu vào, thị trường đầu ra và TTTC ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc doanh nghiệp dễ dàng và nhanh chóng đạt đến CTV tối ưu tại một thời điểm nhất định là một thách thức. Theo Sheikh và Wang (2011), mặc dù có nhiều nghiên cứu về CTV tối ưu, tuy nhiên vẫn không có phương pháp cụ thể nào được phát triển nhằm hỗ trợ các nhà quản trị xác định được CTV tối ưu. Do đó, các doanh nghiệp không thể xác định được một mức CTV tối ưu mà ước tính một con số hoặc khoảng CTV của mình và sử dụng CTV này như một CTV mục tiêu và điều chỉnh CTV thực tế theo mục tiêu trong dài hạn (Myers, 1984).
Thứ hai, CTV tối ưu của Lý thuyết TOT dạng tĩnh được xây dựng trên cơ sở cân bằng giữa chi phí và lợi ích, hay nói một cách khác, CTV tối ưu tại điểm chi phí cận biên bằng lợi ích cận biên. Như đã phân tích trên, trong thực tế không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có khả năng xác định hết tất cả các khoản chi phí, đặc biệt chi phí kiệt quệ tài chính. Doanh nghiệp chỉ có thể xác định những loại chi phí kiệt quệ tài chính trực tiếp liên quan đến quá trình phá sản. Còn các loại chi phí kiệt quệ tài chính gián tiếp rất khó quan sát và xác định cụ thể.
Chính vì những lý do này, trên cơ sở phát triển Lý thuyết TOT tĩnh, năm 1984 đánh dấu của sự ra đời Lý thuyết TOT động (Myers,1984) và được sự ủng hộ của Goldstein và Collin (2001), Frank và Goyal (2007).
Trả lời