– Hiện nay, tình hình kinh tế và chính trị thế giới có nhiều chuyển biến khó lường, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và ngày càng khốc liệt. Tăng trưởng xuất khẩu hàng chế biến sang thị trường EU dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài bên cạnh đó, EU đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm, nguy cơ đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng cho các mặt hàng nói chung và hàng chế biến có thế mạnh của nước ta nói riêng như dệt may, giầy dép.
– Việc cải cách thể chế có tiến triển nhưng tốc độ vẫn còn chậm và chưa đáp ứng được những mục tiêu của doanh nghiệp mong muốn. Môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn có khoảng cách tương đối xa với các nước trong khu vực và toàn cầu. Hiện nay, nước ta mới chỉ đứng ở vị trí thứ 86 trên thế giới.
– Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ các hình thức gia công, chế xuất… tăng lên trong giai đoạn hiện nay (từ 67,5% năm 2013 lên hơn 78% năm 2017). Điều này th hiện sự yếu kém của các doanh nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp chế biến. Chẳng hạn, đối với ngành da giày, công nghiệp hỗ trợ cho ngành này còn nhỏ lẻ, chưa có sự đồng bộ trong sản xuất và cung cấp nguyên phụ liệu. Chất lượng nguyên phụ liệu như da thuộc, vải không dệt, chỉ may, phụ kiện nhựa, keo dán… của nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn hàng xuất khẩu. Đối với dệt may, điểm bất cập lớn hiện nay trong công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may là chưa tập trung quan tâm đến công nghệ nhuộm và vấn đề về xử lý chất thải để phát triển ngành dệt nhuộm. Nguyên liệu vải sản xuất trong nước chủ yếu sử dụng để sản xuất sản phẩm với chất lượng trung bình & thấp, còn với những hàng may mặc để xuất khẩu thì chất lượng nguyên liệu vải chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, tỉ lệ nội địa hóa còn thấp, các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu cung ứng vật tư tiêu hao, in ấn, bao bì sản phẩm… với giá trị rất nhỏ so với nhu cầu của các tập đoàn lớn như Samsung.
– Mặc dù, hàng chế biến của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các doanh nghiệp FDI, nhưng thiếu tính lan tỏa về công nghệ cũng như năng suất lao động từ các doanh nghiệp có FDI đến các doanh nghiệp vốn trong nước. Tính chung cả nước, phần lớn giá trị xuất khẩu đều do các doanh nghiệp có FDI tạo ra, cho thấy rằng vai trò của các doanh nghiệp vốn trong nước là không đáng kể , nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
– Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức vì chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp có đủ khả năng để tham gia vào chuỗi cung ứng nhưng chỉ là cung ứng thay thế, gia công lắp ráp là chính chứ không phải ở khâu sản xuất – công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong số đó, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 2%. Vấn đề vướng mắc của các doanh nghiệp hiện nay là quy mô nhỏ, phân tán, số lao động có kỹ năng, được qua đào tạo còn thiếu, năng lực quản lý còn hạn chế, thiết bị công nghệ lạc hậu, ít đổi mới, không đủ tiềm lực đầu tư thiết bị chế biến sâu và thiết bị đóng gói hiện đại, khó khăn về khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Số doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu không nhiều, nguyên, phụ liệu phải phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp nước ngoài.
– Sức cạnh tranh của sản phẩm chế biến thua xa so với các đối thủ quốc tế, chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Chẳng hạn, ngành dệt may của Việt Nam hiện nay chủ yếu ở khâu cắt và may trong chuỗi cung ứng dệt may với hình thức gia công giản đơn nên giá trị gia tăng sản phẩm còn thấp, nguyên liệu phải nhập khẩu. Thực trạng này còn phổ biến ở trong các lĩnh vực khác như da giầy, điện thoại.
– Ưu thế về nguồn lao động giá rẻ đang giảm đi nhanh chóng do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các khâu gia công, lắp ráp sẽ dần được người máy thông minh đảm nhận, do vậy không sử dụng nhiều đến sức lao động của con người trong hoạt động sản xuất mà thay thế bởi trí tuệ nhân tạo.
– Đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất trực tiếp hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém về khả năng sử dụng và vận hành máy móc thiết bị dẫn tới năng suất thấp làm ảnh hưởng đến chất lượng, chi phí, thời gian. Đối với các cán bộ kinh doanh, quản lý thì khả năng nghiên cứu tiếp cận mở rộng thị trường còn yếu, đặc biệt là thị trường lớn và đầy tiềm năng như EU. Điều này dẫn đến xuất khẩu của nước ta vào các thị trường phải qua trung gian, gây ra chi phí nhiều hơn.
– Kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chậm được cải thiện và vẫn còn nhiều điểm yếu như hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ và không cân đối giữa các vùng. Tại các thành phố lớn, kết cấu hạ tầng khá hiện đại, còn các vùng miền núi, nông thôn cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, kém chất lượng. Đồng thời, việc quản lý, khai thác và sử dụng hạ tầng còn nhiều vấn đề bất cập. Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực trong việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn còn gặp nhiều trở ngại về các chính sách. Các chính sách, quy định chưa theo kịp nhiều hình thức mới về đầu tư, khai thác kinh doanh các công trình hạ tầng, tiêu biểu như lĩnh vực giao thông. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế bảo lãnh một số rủi ro nên việc thu hút các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) còn nhiều hạn chế.
– Khi EVFTA được thực thi, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là, việc đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa, tuân thủ theo những quy định về sở hữu trí tuệ, vấn đề lao động và môi trường, các hàng rào phi thuế quan về kỹ thuật của thị trường EU. Đối với khó khăn trong đảm bảo quy tắc xuất xứ, đây là một trở ngại lớn đối với hàng chế biến xuất khẩu của Việt Nam vì nguồn nguyên liệu sử dụng để tạo ra các mặt hàng này chủ yếu nhập từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Nếu không đảm bảo đúng quy tắc này, hàng xuất khẩu của Việt Nam không được hưởng mức thuế suất ưu đãi như cam kết mà chỉ hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc. Đối với việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường, những yêu cầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ của EU rất cao và là yêu cầu tối quan trọng của EU trong khi Việt Nam còn chưa quan tâm nhiều đến điều này; về lao động, Việt Nam đang gặp phải những vướng mắc liên quan đến việc làm thêm quá số giờ quy định, quy định về ngày nghỉ, điều kiện và môi trường làm việc, an toàn lao động, quyền tham gia các loại bảo hiểm,.; về môi trường, việc thực hiện các nghĩa vụ về môi trường trong khung khổ các ràng buộc và điều chỉnh thương mại còn khá mới mẻ với Việt Nam, thêm nữa là nguồn lực dành cho bảo vệ môi trường còn hạn hẹp, ý thức trách nhiệm và năng lực của cán bộ quản lý, người dân chưa cao. Còn với các hàng rào phi thuế quan, rào cản kỹ thuật của EU áp dụng đối với hàng nhập khẩu rất khắt khe nên để thâm nhập vào thị trường này là điều không dễ dàng.
Trả lời