– Một là, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các cơ hội từ EVFTA, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng, các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, rào cản kỹ thuật, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ,… Nhóm hàng công nghiệp chế biến là một trong nhóm các mặt hàng ưu tiên nâng cao khả năng cạnh tranh (quy định tại Mục II Điều 1 Quyết định 1137/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành). Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất thông qua việc thay đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu, cụ thể đó là chuyển từ phương thức gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất khác đem lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản phẩm. Chẳng hạn, đối với mặt hàng giầy dép, dệt may, cần tự chủ nguyên liệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, chuyển từ OEM (gia công) đến FOB (tự chủ nguyên phụ liệu) rồi ODM (tự thiết kế, sản xuất) và cả OBM (tất cả các khâu để sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối), như vậy mới có thể tăng giá trị sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
– Hai là, nâng cao chất lượng sản phẩm
Mặc dù giá cả là yếu tố tối quan trọng trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, song xét về lâu dài chất lượng mới chính là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Hơn nữa, chất lượng cao còn là điều kiện để các doanh nghiệp của ta có thể cạnh tranh với hàng hoá của các nước khác trong khu vực có cơ cấu xuất khẩu giống nước ta. Vì vậy, để thuyết phục được thị trường EU khó tính với nhu cầu về hàng chế biến chất lượng cao, một số biện pháp đưa ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam đó là: Từng bước đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; Đa dạng hoá các sản phẩm thuộc nhóm hàng chế biến; Đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm chế biến, các dòng sản phẩm mới liên tục, gây dựng các thương hiệu và tạo ra giá trị riêng của sản phẩm; Tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các quy định về hệ thống kiểm tra chất lượng của EU ngay từ khâu sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu; Thu hút nguyên liệu từ các nước EU hoặc các nước đã có FTA với EU để sản xuất hàng chế biến xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ sản phẩm và tận dụng ưu đãi về thuế suất.
– Ba là, đào tạo phát triển nguồn nhân lực
+ Các doanh nghiệp cần đầu tư chi phí và phối hợp với nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Điều này phải dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, đào tạo ở những lĩnh vực mà thị trường đang cần và nhân lực đang thiếu, tránh đào tạo ồ ạt, hoặc nhỏ giọt, quá thừa hay quá thiếu. Bên cạnh việc tuyển dụng lao động từ các trường đào tạo, các doanh nghiệp nên tự xây dựng hệ thống đào tạo thực hành, học nghề nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của riêng doanh nghiệp mình. Hệ thống đào tạo này tập trung ở nhiều cấp trình độ khác nhau, nhất là ưu tiên đào tạo lại cho những công nhân có trình độ kỹ thuật cao. Đồng thời, cần thiết kế chương trình đào tạo riêng bồi dưỡng cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp mình hoặc có thể tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý lẫn nhau giữa các doanh nghiệp.
+ Các doanh nghiệp phải có chế độ đãi ngộ hợp lý. Trong bối cảnh nguồn nhân lực có nhiều thay đổi như hiện nay thì việc xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý là rất cần thiết. Chế độ đãi ngộ tốt, hiệu quả sẽ là chất keo dính kết giữa con người và doanh nghiệp nhằm mục tiêu thu hút nguồn nhân lực tiềm năng và duy trì đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm. Các doanh nghiệp cần xây dựng chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với lao động của đơn vị mình căn cứ theo mức độ đóng góp vào công việc và khả năng phát tri n năng lực cá nhân trong tương lai. Chính sách tiền lương không nên hạn chế mức thu nhập nếu đó là mức thu nhập có được từ tài năng và sự sáng tạo thực sự của người lao động. Song song với điều này, cần có chế độ chính sách khuyến khích, động viên đối với nguồn lực chất lượng cao để thu hút những người có tài năng vào làm việc tại doanh nghiệp bằng các hình thức khác nhau ngoài lương như tạo môi trường làm việc tốt, cung cấp nơi ở, hỗ trợ về bảo hiểm, y tế,…
– Bổn là, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam
Trong điều kiện ngày nay, chịu ảnh hưởng lớn từ những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam càng phải liên kết chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực với nhiều hình thức để cùng nhau duy trì và phát triển. Hiện nay, mối liên kết doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu theo ngành dọc và ngành ngang. Liên kết ngành ngang là mối liên kết theo ngành nghề để làm hài hoà tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng và kiểm soát độc quyền. Liên kết ngành dọc chính là mối liên kết theo chuỗi cung ứng để chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường. Các mối liên kết này có thể trên các lĩnh vực như: Liên kết trong việc tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, liên kết giữa các công đoạn trong quá trình tạo ra một sản phẩm, liên kết nhau về vốn, về nhân lực, liên kết tổ chức lại dây chuyền sản xuất. Chẳng hạn, trong ngành chế biến gỗ, liên kết trong ngành là rất quan trọng, các mối liên kết có thể được thiết lập như: liên kết giữa các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu gỗ và các doanh nghiệp chế biến gỗ, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ và các làng nghề, liên kết giữa các công ty chế biến gỗ với các hộ trồng rừng. Hay đối với ngành dệt may, cần thực hiện cả liên kết dọc và liên kết ngang. Liên kết dọc sẽ liên kết 1 số giai đoạn về nguồn nguyên liệu, thiết kế, sản xuất, vận chuyển và bán sản phẩm. Liên kết ngang sẽ tập trung nguồn lực đ đáp ứng những đơn hàng lớn, cùng thương lượng để giảm các chi phí. Còn đối với ngành da giầy cũng phải tăng cường sự liên kết cả theo chiều dọc và chiều ngang. Về liên kết dọc, phải liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất giầy dép với doanh nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu và doanh nghiệp logistic. Về liên kết ngang, phải tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất cùng một loại sản phẩm.
Thị trường EU dù lớn đến đâu đi chăng nữa thì nó cũng không phải là thị trường vô tận. Đến một lúc nào đó thì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chỉ có thể tăng lên bằng cách chiếm lĩnh thị phần của đối thủ cạnh tranh. Đa phần các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng chế biến đều có quy mô nhỏ và vừa, không đáp ứng được yêu cầu của thực tế phát triển. Vì thế, liên kết doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành hàng chế biến nói riêng giúp tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao vị thế tại thị trường nội địa, tăng khả năng cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu lớn như EU.
Trả lời