Phương tiện thiết bị kỹ thuật
Trung tâm logistics phải được đầu tư đầy đủ các hạng mục cơ bản quy mô phù hợp với thị trường tiềm năng, đặc biệt phải có hệ thống kho bãi hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, có kho bãi chuyên dụng và trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho các loại hàng bách hoá cũng như nhóm hàng mục tiêu mà trung tâm hướng tới.
Dự kiến các thiết bị chính cần thiết trang bị để phục vụ cho hoạt động của TT logistics bao gồm: Xe nâng phục vụ bãi container (nâng trước FL, Reach Stacker và nâng ôm Straddle Carrier); Xe nâng phục vụ kho hàng và Cross docking (nâng cân bằng Balance, nâng trước FL 4 loại 1 tấn, 2 tấn, 3 tấn và 5 tấn); Xe tải chuyên chở hàng (gom hàng và rải hàng) và xe container chạy trong trung tâm; Băng chuyền phục vụ kho hàng (pick and pack hàng); Cổng scanner cho container ra vào.
Do đặc thù lượng hàng hóa cần nâng, hạ tại trung tâm, đặc biệt là giai đoạn đầu mới hình thành, việc đầu tư phương tiện thiết bị cũng cần được tính toán đủ để phục vụ năng suất hàng qua từng giai đoạn. Để việc đầu tư TT logistics có hiệu quả hơn, giảm vốn đầu tư, đối với thiết bị kỹ thuật sử dụng trong kho CFS, có thể giao cho khách hàng/ đối tác thuê kho lắp đặt phù hợp với yêu cầu phục vụ.
Giải pháp bảo vệ môi trường.
Sự hình thành và phát triển của TT logistics tạo điều kiện cho quá trình phân phối hàng hóa tại cảng được thực hiện một cách nhanh chóng, hợp lý và hiệu quả. TT logistics là một trong số các loại hình hạ tầng thương mại tập trung qui mô lớn, trong quá trình hoạt động luôn có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Vì vậy, phát triển TT logistics cần phải có các giải pháp bảo vệ môi trường kết hợp công nghệ xanh cho TT logistics.
Quá trình xây dựng phải phù hợp với quá trình thực hiện qui hoạch tổng thể phát triển thương mại cả nước, qui hoạch các hệ thống kết cấu hạ tầng khác, nhất là qui hoạch ngành giao thông, qui hoạch đô thị, qui hoạch dân cư,…
Nghiên cứu xây dựng hệ thống kỹ thuật giảm lượng khí thải và tiết kiệm năng lượng; đồng bộ thiết bị, phương tiện, công cụ chữa cháy thuận tiện cho việc phòng chống cháy nổ; áp dụng công nghệ thu gom và xử lý chất thải; hệ thống cửa và đường thoát hiểm theo đúng qui chuẩn;
Nâng cao trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, phòng ngừa tác động xấu đến môi trường, xây dựng hài hòa bố trí cảnh quan, diện tích cây xanh hợp lý;
Xây dựng bộ quy chuẩn bảo vệ mội trường trong doanh nghiệp, kết hợp tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tác động đến môi trường trong quá trình hoạt động của TT logistics.
Về kỹ thuật
Xây dựng phải bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ, thuận tiện cho việc chữa cháy, đề phòng nguy cơ cháy rừng và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; không gần trường học, bệnh viện, các cơ sở thuộc an ninh quốc phòng và các công trình khác có nhu cầu cách ly tiếng ồn. Bên cạnh đó, phương án thiết kế cũng phải đảm bảo giảm thiểu tác động môi trường như tăng diện tích cây xanh, hồ nước, tăng diện tích đường giao thông trong khu vực dự án, xây dựng khu vực thu gom, xử lý chất thải tại chỗ, bãi đỗ xe,…
Phải xây dựng, lắp đặt kiên cố và đầy đủ, đồng bộ theo các tiêu chuẩn – qui chuẩn hiện hành đối với các công trình như: khu vực vệ sinh, bể và hệ thống dẫn nước chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn (rác thải) và chất thải lỏng (nước thải) kèm theo qui trình, chế độ, công nghệ thu gom và xử lý chất thải phù hợp. Đặc biệt chú trọng đến hệ thống thu gom và xử lý chất thải từ các khu vực chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống, khu bảo quản các mặt hàng hóa chất,… Đối với các công trình có vị trí tương đối biệt lập cần có hệ thống xử lý chất thải tại chỗ, việc này đòi hỏi phải tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn, nhất là công tác phân loại chất thải rắn từ nguồn. Chú ý xây dựng phương án và đầu tư năng lực ứng cứu sự cố môi trường. Lắp đặt đầy đủ, đồng bộ thiết bị, phương tiện, công cụ chữa cháy. Thiết kế hệ thống cửa và đường thoát hiểm, cửa và đường cứu chữa khi xảy ra thảm họa theo đúng tiêu chuẩn – qui chuẩn hiện hành.
Phát triển logistics xanh: Theo xu thế phát triển dịch vụ logistics trên thế giới, hiện nay TT logistics không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ cho cảng mà còn là khu vực đóng góp vào lá phổi xanh của thành phố thông qua việc ứng dụng các quy định chặt chẽ về môi trường trong quá trình thu gom và tái sử dụng rác thải sản xuất, xây dựng các hàng rào cây xanh trong khu vực làm việc, đảm bảo không gian làm việc xanh cho nhân viên và kiểm soát triệt để các nguồn gây ô nhiễm.
Về quản lý
Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định các báo cáo về tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư xây dựng TT logistics trước khi các cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư và chứng nhận đầu tư;
Tổ chức và chỉ đạo hoạt động của cơ quan chuyên trách công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là đánh giá tác động môi trường, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và tình hình hoạt động bảo vệ môi trường của hệ thống TT logistics;
Tăng cường vai trò của hệ thống tổ chức bảo vệ môi trường ở cấp cơ sở. Ban hành và thực thi quy chế bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế,… nhằm tăng cường hiệu lực quản lý và bảo vệ môi trường;
Ban Quản lý các TT logistics, cần phân công lãnh đạo phụ trách, thành lập tổ chuyên trách về các hoạt động bảo vệ môi trường của TT logistics. Đồng thời xây dựng kế hoạch hàng năm về các hoạt động bảo vệ môi trường; và thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường;
Đặc biệt là chủ động lập kế hoạch, phương án, giải pháp và chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, nhân lực và các điều kiện hậu cần để ứng phó với sự cố môi trường (nếu xảy ra) và khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra, thực hiện thường xuyên và sát sao công tác quản lý môi trường ở các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ;
Tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ có kỹ năng quản lý qui hoạch và xây dựng gắn với phong trào phòng chống giảm nhẹ thiên tai, đồng thời có khả năng xử lý tình huống linh hoạt, ứng biến kịp thời khi có sự cố thiên tai.
Trả lời