Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Biển, đảo nước ta đã góp phần quan trọng vào đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Các thế hệ người Việt Nam đã gắn bó với biển, đảo coi biển, đảo là nơi sinh tồn của họ, đặc biệt đối với người dân sống ở các huyện ven biển và hải đảo. Cùng với lợi thế của Việt Nam là “mặt tiền hướng biển”, Bà Rịa – Vũng Tàu có 3 mặt giáp biển, có huyện đảo với nhiều xã đảo; thành phố biển Vũng Tàu và 4 huyện có biển và trên 1000km2 mặt biển rất thuận lợi trong giao thương hàng hải với các địa phương khác và thông thương ra với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng cũng chính điều kiện này lại đặt ra thách thức lớn đó là sự “xung yếu” về mặt an ninh, quốc phòng. Cho nên, chủ trương của Đảng, Nhà nước và địa phương là phải luôn gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển và các vùng hải đảo. Hơn nữa nó còn mang tính thực tiễn trong bối cảnh của một khu vực địa chính trị cực kỳ phức tạp hiện nay trên biển Đông. Sự quan tâm, tạo điều kiện về tài chính, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng khác cho ngư dân và những người lao động trên biển, các hải đảo là lực lượng quan trọng hàng đầu góp phần vào sự nghiệp bảo vệ an ninh trên biển, đảo và bảo vệ an ninh, quốc phòng cho đất nước.
Sự kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng – an ninh cho cư dân trong các vùng biển, hải đảo là nhằm khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vùng biển và hải đảo của Tổ quốc; khai thác, sử dụng nguồn lợi biển của quốc gia có hiệu quả để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên, phát triển du lịch, dịch vụ; nghiên cứu khoa học biển; kết hợp theo quy hoạch, kế hoạch của từng địa phương, vùng biển, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc phòng – an ninh để nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ biển và hải đảo của Tổ quốc. Sự kết hợp này còn góp phần tạo động lực lan tỏa hỗ trợ phát triển kinh tế nội địa, làm “bàn đạp” cho phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và vững chắc, gắn với bảo đảm chủ quyền vùng biển quốc gia được xác định là một trong những hướng ưu tiên có tính đột phá chiến lược để đưa nước ta trở thành “một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển”. Xây dựng tuyến ven biển gắn với một số tuyến đảo chính thành những điểm kinh tế mạnh và căn cứ hậu cần kỹ thuật vững chắc cho các hoạt động biển xa. Bảo đảm cung cấp nước ngọt, cơ sở hạ tầng và điều kiện sống cơ bản để người dân yên tâm bám trụ, sản xuất trên các vùng biển, hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Như vậy để đảm bảo cho các hoạt động kinh tế dịch vụ trong vùng biển, đảo diễn ra một cách an toàn, trật tự, thân thiện, tỉnh cần tăng cường đầu tư các trang thiết bị, kỹ thuật, các công cụ chuyên dụng cho Ban quản lý các khu du lịch, khu đánh bắt, chế biến thủy sản, các khu vực khai thác cảng, bến bãi, nhằm làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn ở các khu vực này. Đồng thời phối kết hợp với các cơ quan chức năng như Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các lực lượng kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng như của trung ương thường xuyên kiểm tra việc kinh doanh dịch vụ nhất là việc thực hiện giá cả kinh doanh; các hoạt động khai thác, thu gom và chế biến thủy sản, các hoạt động dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics, các hoạt động du lịch, vấn đề về môi trường, việc thực hiện các nội quy, quy định của địa phương về thời gian, địa điểm, loại sản phẩm, về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… Góp phần tạo môi trường kinh doanh dịch vụ an toàn, tin tưởng và thân thiện.
Trả lời