Công cuộc đổi mới đất nước được Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo (1986) với chủ trương, đường lối chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thì các lĩnh vực dịch vụ đã có cơ hội phát triển nhanh chóng, nhiều loại hình dịch vụ mới ra đời. Đánh giá những thành tựu kinh tế nổi bật trong 10 năm từ 1995 đến 2005 đảng ta đã khẳng định:
Tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh, đóng góp tích cực vào việc tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ đã có những bước phát triển mạnh, nhất là các ngành vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, tài chính ngân hàng, đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế…, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong sản xuất thuần nông, tăng tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Tuy là một nước nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển, nhưng kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước thì lĩnh vực dịch vụ nước ta có bước phát triển cả về quy mô, ngành nghề, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Giá trị sản xuất của ngành dịch vụ tăng trung bình 7,6%/năm. Riêng năm 2005 tăng 8,5%, cao hơn mức tăng GDP. Tỷ trọng dịch vụ trong nền kinh tế ở mức 38,1% (kế hoạch 41 – 42%). Cơ cấu lao động ngành dịch vụ đã có sự chuyển đổi tích cực từ 19,7% năm 2000 tăng lên 25,3% vào năm 2005 [63]. Về cơ bản các ngành dịch vụ ở nước ta trong suốt hơn 20 năm qua đã tạm thời đáp ứng tương đối cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân đang từng bước hội nhập và cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Năng suất lao động của nhóm các ngành dịch vụ cao hơn của toàn bộ nền kinh tế, xuất khẩu dịch vụ tăng liên tục và chỉ bị ngắt quãng (giảm) vào năm 2009 do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Trong giai đoạn 2005 – 2012, xuất khẩu dịch vụ đã tăng 2,2 lần, bình quân tăng trưởng 11,8%/năm, tốc độ này tương đối cao trong điều kiện Việt Nam mới hội nhập. Tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ du lịch trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2012 tăng lên 70,2% so với 63,3% của năm 2011, kết quả này là do lượng khách quốc tế đến nước ta cũng như mức chi tiêu của họ tăng khá.
Nhìn chung, cùng với công nghiệp và nông nghiệp, kinh tế dịch vụ đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt một số lĩnh vực dịch vụ có mức thu nhập cao như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ viễn thông, dịch vụ giao thông vận tải, dịch vụ du lịch, dịch vụ bảo hiểm… Kinh tế dịch vụ đã và đang ngày một giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Trả lời