Lý thuyết M&M về cơ cấu nguồn vốn được Franco Modigliani và Merton Miller đề xuất vào năm 1958. Lý thuyết này giải thích mối quan hệ giữa cơ cấu nguồn vốn và giá trị DN và được nghiên cứu trong 2 trường hợp là trường hợp không có thuế TNDN và trường hợp có thuế TNDN.
Lý thuyết M&M trong trường hợp không có thuế TNDN
Các giả định của Lý thuyết M&M như sau: (i) Không tồn tại thuế TNDN và thuế TNCN; (ii) Không tồn tại chi phí giao dịch; (iii) Không tồn tại chi phí phá sản và chi phí kiệt quệ tài chính; (iv) DN và cá nhân có thể vay tiền tại mức lãi suất như nhau.
Lý thuyết M&M trong trường hợp không có thuế TNDN đưa ra 2 mệnh đề sau:
Mệnh đề 1:“Giá trị của DN sử dụng nợ vay bằng giá trị của DN không sử dụng nợ vay. Hay nói cách khác, cơ cấu nguồn vốn không có ảnh hưởng đến giá trị của DN”
Giả định của lý thuyết là DN hoạt động trong điều kiện thị trường hoàn hảo nên lợi ích từ khoản “tiết kiệm thuế” hay chi phí từ việc sử dụng nợ vay (chi phí giao dịch, phá sản, kiệt quệ tài chính..) đều không có ý nghĩa. Khi các nhà đầu tư mua cổ phiếu của DN có giá thấp sẽ tác động làm tăng giá cổ phiếu, và khi bán cổ phiếu của DN có mức giá cao sẽ tác động kéo giá cổ phiếu giảm xuống.
Mệnh đề 2: “Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu tỷ lệ thuận với mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính”
Mệnh đề trên được biểu diễn bởi công thức: Re = Ru + (Ru – Rd) x D/E Trong đó: Re là chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu; Ru là chi phí sử dụng
vốn nếu DN sử dụng 100% vốn cổ phần; Rd là chi phí sử dụng nợ vay; D là giá trị nợ vay; E là giá trị vốn chủ sở hữu.
Khi DN gia tăng quy mô và tỷ trọng nợ vay sẽ tác động làm gia tăng rủi ro và tác động làm cho chi phí sử dụng nợ vay sẽ tăng lên. Điều này sẽ làm cho một phần rủi ro kinh doanh của DN được chuyển giao từ chủ sở hữu sang chủ nợ và tác động làm cho mức độ gia tăng chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu chậm lại. Việc sử dụng nợ vay ở mức cao hơn sẽ làm cho rủi ro từ cổ đông chuyển giao sang chủ nợ nhiều hơn và điều này làm cho bất kỳ sự gia tăng nào trong tỷ suất sinh lời dự kiến bị bù trừ đúng bằng sự gia tăng rủi ro. Do đó, nhà đầu tư sẽ đòi hỏi mức tỷ suất sinh lời cao hơn để bủ đắp rủi ro gia tăng. Đây được gọi là sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận trong sự lựa chọn cơ cấu nguồn vốn DN.
Lý thuyết M&M trong trường hợp có thuế TNDN
Mệnh đề 1: “Giá trị DN khi sử dụng nợ vay tăng lên nhờ vào khoản tiết kiệm thuế từ lãi vay. Hay nói cách khác, giá trị DN có sử dụng nợ vay lớn hơn giá trị của DN không sử dụng nợ vay đúng bằng giá trị hiện tại của khoản tiết kiệm thuế từ lãi vay”
Trong trường hợp có thuế TNDN, việc sử dụng nợ vay sẽ đem lại lợi ích cho DN vì lãi vay là một khoản chi phí hợp lý được khấu trừ khỏi thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNDN. Bởi vậy, việc sử dụng nợ vay sẽ giúp DN nộp thuế ít hơn so với không sử dụng nợ vay và luồng tiền sau thuế của DN sử dụng nợ vay lớn hơn so với DN không sử dụng nợ vay vì lãi vay đem lại khoản “tiết kiệm thuế” cho DN. Hay nói cách khác, giá trị của DN có sử dụng nợ vay sẽ bằng giá trị của DN không sử dụng nợ vay cộng với giá trị hiện tại của khoản tiết kiệm thuế nhờ lãi vay.
Mệnh đề 2: “Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu có mối quan hệ cùng chiều
đối với mức độ sử dụng nợ vay của DN”
Trong trường hợp này chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu có mối quan hệ cùng chiều với mức độ sử dụng nợ vay của DN và được phản ánh qua công thức sau: Re = Ru + (Ru – Rd) x D/E x (1-t). Trong đó: Re là chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu; Ru là chi phí sử dụng vốn nếu DN sử dụng 100% vốn cổ phần; Rd là chi phí sử dụng nợ vay; D là giá trị nợ vay; E là giá trị vốn chủ sở hữu; t là thuế suất thuế TNDN.
Để lại một bình luận