Tuân thủ về mặt thời gian làm việc là trách nhiệm của NLĐ để đáp ứng yêu cầu của công việc. Đây là khoảng thời gian NLĐ cống hiến tại “ngôi nhà thứ hai” của mình. Thực tiễn TNXH của NLĐ về giờ làm việc (xem bảng 2 – phụ lục 8c).
Trách nhiệm đảm bảo quyền về giờ làm việc
Đánh giá kết quả điều tra TNXH đảm bảo quyền về giờ lao động đạt mức điểm bình quân 3,01/5,0 điểm. Bởi tuân thủ thời gian làm việc là “pháp định” để làm việc:
Các DN lớn đã “đảm bảo thời gian làm việc theo đúng cam kết – glv1”. Còn các DNNVV đã không tuân thủ trong việc ghi chép về thời gian làm việc đúng cam kết. Các DNNVV đã không ghi chép thời gian công nhân vận hành lò hơi từ sáng sớm để vận hành máy thường ngày mất từ 15 – 30 phút sớm hơn thời gian làm việc so với cam kết. Theo Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động, (2016): “số các DN may quy mô nhỏ và vừa không thể hiện bản chấm công đúng số giờ làm việc thực tế là 42,80%”. Điều này phản ánh một vấn đề trong các DN may là tồn tại “sổ kép” ghi thời gian làm việc. Thêm vào đó, theo Ban nữ Công – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (2017): “Hàng năm có khoảng 52% DN may không cho NLĐ nữ nghỉ giải 30 phút trong ngày hành kinh và 43% NSDLĐ không đảm bảo chế độ về thời gian nghỉ của NLĐ nữ nghỉ mỗi ngày 60 phút cho con bú khi con dưới 12 tháng tuổi”. Đặc biệt nhiều DNNVV đã tự động bớt xén, không tuân thủ các quy định dành cho lao động nữ – đối tượng lao động chủ yếu trong các DN may. Bởi các DN may này với số lao động hàng nghìn người họ không thể biết được ngày nào, người nào để theo dõi từng người một để cho nghỉ 30 phút chưa nói đến việc đa số các DN may với 80% lao động nữ thì việc nghỉ ngơi như vậy ảnh hưởng lớn đến dây chuyền sản xuất, nhất là những thời điểm đơn hàng cần gấp.
“Đảm bảo số giờ làm thêm theo ngày đúng PLLĐ – glv2” đem lại kết quả khá lạc quan. Các DN may kể cả DN lớn và DNNVV đã tuân thủ khá tốt giới hạn làm thêm ngày là 4 giờ làm thêm/ngày theo quy định. Việc đảm bảo giờ làm thêm này là do các DN may phải hoàn thành các đơn hàng của mình đúng hạn cũng như NLĐ làm thêm giờ để gia tăng thu nhập trong điều kiện kinh tế còn thắt lưng, buộc bụng.
Mối quan tâm liên quan đến làm thêm giờ tập trung chủ yếu là “đảm bảo số giờ làm thêm theo tháng và theo năm – glv3 và glv4”. Đây là hai nội dung có mức đánh giá thực trạng thấp nhất tại các DN lớn và DNNVV. Điều 106 Bộ luật lao động (2012) quy định: “giới hạn làm thêm giờ hàng tháng là không quá 30 giờ và một năm là không quá 200 giờ”. Tuy nhiên các DN may là điển hình của việc làm thêm giờ quá mức quy định. Theo Viện công nhân công đoàn, (2017): “Thời gian làm thêm giờ trung bình của NLĐ là 47 – 60 giờ/tháng và làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm”. Việc làm thêm giờ quá nhiều có đảm bảo NLĐ có sức khỏe tốt cho NLĐ đặc biệt là NLĐ nữ hay không? Bởi NLĐ nữ có gia đình còn phải có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái sau giờ làm việc còn đối với nữ lao động chưa có gia đình thì ít có điều kiện, thời gian gặp gỡ, tìm hiểu bạn khác giới. Nội dung làm thêm giờ theo tháng, năm được xem là thách thức lớn nhất và dai dẳng nhất của cả DN lớn và DNNVV. ILO & IFC (2015) đã nghi nhận tình trạng vi phạm Luật của các DN may (xem bảng 3.3). Tuy nhiên thống kê của MOLISA (2017) so với quy định 30 giờ/tháng của Việt Nam thì số giờ làm thêm theo tháng thấp hơn rất nhiều so với khu vực (xem hình 3.5). Câu hỏi đặt ra là để tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Quốc hội, Chính phủ nên xem xét PLLĐ liên quan về giờ làm thêm.
Trách nhiệm đảm bảo lợi ích về giờ làm việc
Theo Nghị định 85/2015/NĐ-CP: “khuyến khích DN áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, phù hợp nguyện vọng của lao động nữ” nhưng tại các DN may Việt Nam thực trạng “đảm bảo tính tự nguyện về thời gian làm thêm – glv6” có kết quả mức điểm bình quân khá thấp (2,84/5,0 điểm). Bởi trong các trường hợp liên quan đến làm thêm giờ tại các DN may kể các các DN lớn và DNNVV được NSDLĐ “tự động áp dụng” cho NLĐ. Sự tự động này tại nhiều DN may không có văn bản thỏa thuận rõ ràng. Tuy nhiên, phần lớn NLĐ nữ do khó khăn về thu nhập để nuôi con cái nên dường như họ thoải mái với hoạt động làm thêm giờ hàng ngày với giới hạn hợp lý; hay tại các DN may sản xuất theo dây chuyền nên nếu NLĐ không làm thêm thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của dây chuyền và các công đoạn liên quan. Đối những NLĐ làm cố định như bảo vệ, nhân viên bảo trì tại các DN thì đảm bảo tính tự nguyện về thời gian làm thêm dường như là khó khăn.
Trả lời