– Đối với thị trường trong nước: Tỉnh chỉ đạo cho Sở Công thương, phối kết hợp với các địa phương trong tỉnh quy hoạch một cách khoa học hệ thống chợ và chợ đầu mối thủy sản để ổn định thị trường nguyên liệu, hạn chế những mặt tồn tại của hệ thống đầu nậu, phải xây dựng chợ các đầu mối thủy sản lớn ở các cảng cá lớn ở các cụm cảng như khu Bến Đình, Cát Lở (TP Vũng Tàu), cụm cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền) và khu vực xã Tân Hải (huyện Tân Thành) nhằm đáp ứng nhu cầu phân phối thủy sản một cách nhanh chóng, thuận tiện, tập trung; hình thành các khu mua sắm cho người dân với sự đa dạng về sản phẩm và sự thống nhất về giá cả, tránh sự tranh mua, tranh bán, ép giá, của tư thương; đem lại lợi ích cho ngư dân cũng như người mua sắm.
Nâng cấp, cải tạo các trung tâm dịch vụ cung ứng thủy sản, đặc biệt là quy hoạch, đầu tư các khu thu mua, chế biến các loại thủy hải sản cùng các dịch vụ cung ứng như: dịch vụ phương tiện tàu thuyền, nghe, lưới, câu… các dịch vụ vật tư và tiêu dùng thiết yếu như: xăng, dầu, nước đá, lương thực, thực phẩm, nước ngọt… Xây dựng các kế hoạch để điều chỉnh các hoạt động đánh bắt, quản lý việc khai thác của ngư dân, xây dựng hệ thống thông tin toàn ngành như thông tin về môi trường, khí hậu, thông tin về thị trường thương mại, thông tin về các nguồn lợi thủy sản, khả năng sản xuất và tiêu thụ thủy sản cả trong và ngoài nước.
Từng bước tìm kiếm, mở rộng thị trường ở các trung tâm thương mại lớn trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh thành khác trong cả nước, tăng cường xúc tiến thương mại thông qua các phương tiện truyền thông của các địa phương, các Hội chợ thương mại, các cuộc giao lưu văn hóa du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu hải sản của Bà Rịa – Vũng Tàu, mà một số tỉnh khác đã làm được như Phú Quốc (Kiên Giang), Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa).
– Tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ thủy sản quốc tế: Để nâng cao giá trị đầu ra cho các sản phẩm từ thủy sản, góp phần tăng nhanh nguồn thu nhập cho ngư dân vùng biển, đảo của địa phương; Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công thương và các Sở, Ban ngành cần có những định hướng cụ thể trong việc quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hải sản trên thị trường thế giới; cần tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nhanh chóng đổi mới công nghệ, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng như: Nga, châu Phi, các nước Ả Rập, Nam Mỹ… chú trọng phát triển đa dạng hóa sản phẩm, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản… quan tâm đến giá cả cho phù hợp với từng khu vực, từng quốc gia. Đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng cáo tìm kiểm thị trường ngoài nước, ổn định và duy trì phát triển từng bước tiếp cận và mở rộng thị trường sang một số nước khác trong Liên minh Châu Âu (EU), Châu Mỹ – La tinh, mở rộng tìm kiếm thị trường Bắc Phi và Trung Đông; chọn lọc thị trường trọng điểm trên hai tiêu chuẩn cơ bản: có nhu cầu nhập khẩu thủy sản nhiều, có nền công nghệ cao. Hướng chuyển đổi cơ cấu thị trường.
Thông qua các kênh truyền thông của Trung ương, thông qua các sự kiện văn hóa du lịch, kể các các sự kiện chính trị quan trọng để quảng bá, giới thiệu, thu hút khách quốc tế tiếp cận với các sản phẩm thủy sản của địa phương, tăng cường quảng bá hình ảnh nghề cá Việt Nam, tăng cường vai trò của Hội, Hiệp hội nghề cá trong công tác đối ngoại nhân dân. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài phát triển thủy sản ở Việt Nam và người Việt Nam đầu tư phát triển thủy sản ở nước ngoài.
Để lại một bình luận