Hoàn thiện quản lý chi NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cần được đặt trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương và hàng loạt các thay đổi về cơ chế quản lý NSNN nói chung cũng như các quy định về tài chính, quản lý tài chính đối với lĩnh vực giáo dục nói riêng. Cụ thể là:
Thứ nhất, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Quan điểm chỉ đạo đã được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW là “đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục – đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học” nhằm đạt được mục tiêu “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.
Tiếp đó, Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương cũng chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, trong đó có sự nghiệp giáo dục.
Những chủ trương nói trên là cơ sở quan trọng cho các định hướng phát triển giáo dục, theo đó chi NSNN cho giáo dục và quản lý chi NSNN cần hướng đến việc thực hiện các mục tiêu trên.
Thứ hai, các định hướng quản lý tài chính công hiện đại.
Luật Đầu tư công 2014 và Luật NSNN 2015 là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất trong quản lý tài chính công. Những quan điểm mới được đưa vào luật như quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; lập kế hoạch đầu tư công trung hạn; lập KHTC ngân sách 03 năm, KHTC 05 năm; yêu cầu công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình… được coi là “kim chỉ nam” cho hoạt động quản lý tài chính ngân sách tại địa phương.
Thứ ba, các chính sách tài chính và quản lý tài chính giáo dục.
Các chính sách về tài chính giáo dục và quản lý tài chính giáo dục quan trọng bao gồm chủ trương, chính sách về xã hội hóa giáo dục; quy định về tự chủ tài chính theo tinh thần Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ, trong đó khuyến khích và đẩy mạnh trao quyền tự chủ toàn diện cho các cơ sở giáo dục, quy định về lộ trình tính giá dịch vụ nhằm chuyển dần việc thu học phí sang cơ chế giá dịch vụ giáo dục, tiến tới tính đầy đủ chi phí giáo dục và giảm dần mức hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ sở GDCL..
Trong bối cảnh đó, quản lý chi NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 được thực hiện theo các định hướng như sau:
Một là, quản lý chi NSĐP cho GDCL phải góp phần vào việc thiết lập và duy trì kỷ luật tài khóa chặt chẽ trong quản lý NSĐP.
Duy trì kỷ luật tài khóa là mục tiêu chung trong quản lý tài chính công nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong phạm vi khả năng nguồn lực (trần chi tiêu). Để thực hiện định hướng này cần phải nâng cao chất lượng phân tích, dự báo tổng nguồn lực NSĐP, nguồn lực NSĐP dành cho GDCL, dự báo nhu cầu vốn cho phát triển giáo dục, trong đó xác định cơ cấu vốn nhà nước – vốn huy động từ xã hội thông qua xã hội hóa giáo dục. Trên cơ sở giới hạn tổng nguồn lực cho GDCL, quản lý chi NSĐP cho GDCL phải kiểm soát được tổng nhu cầu chi tiêu cho GDCL từ NSNN tương ứng với khả năng nguồn lực.
Hai là, quản lý chi NSĐP cho GDCL hướng tới việc phân bổ các nguồn lực có hạn đã được xác định cho các mục tiêu, nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên trong phát triển giáo dục địa phương.
Việc duy trì kỷ luật tài khóa chặt chẽ với mức trần ngân sách đã xác định, vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục là phân bổ nguồn lực khan hiếm theo các chương trình ưu tiên, dựa trên tính hữu dụng của chúng trong việc đáp ứng các mục tiêu chiến lược của quốc gia, của địa phương về phát triển giáo dục. Phân bổ nguồn lực NSĐP cho GDCL phải thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của ngành giáo dục một cách tốt nhất, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương. Thực hiện định hướng này sẽ khắc phục tình trạng phân chia nguồn lực dàn trải, thiếu sự tổng hợp, đánh giá. Để thực hiện định hướng này, ngành giáo dục cần có sự sắp xếp, lựa chọn những vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết của ngành ngay từ khâu lập kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và kế hoạch phát triển ngành để ưu tiên bố trí nguồn lực.
Ba là, quản lý chi NSĐP cho GDCL phải cải thiện cơ bản hiệu quả sử dụng ngân sách tại các đơn vị SNCL ngành giáo dục.
Muốn vậy, từ phía Nhà nước và các cơ quan quản lý cần đổi mới hoàn toàn phương thức phân bổ, cấp phát kinh phí cho các đơn vị. Tăng cường tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách ngành giáo dục, gắn chi ngân sách với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập cũng cần tăng cường năng lực quản trị tài chính nội bộ, cam kết và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ tương ứng với nguồn lực được phân bổ.
Bốn là, nâng cao chất lượng tất cả các khâu trong chu trình ngân sách, nhất là chất lượng xây dựng dự toán chi NSĐP cho GDCL, xiết chặt kỷ luật tuân thủ dự toán và trách nhiệm giải trình, gắn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong quá trình phân bổ và sử dụng NSĐP cho phát triển GDCL ở địa phương.
Trả lời