Nếu so sánh mức độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong gần 10 năm qua (GDP tăng 15,8%/năm, cao gấp đôi mức trung bình cả nước) thì mức tăng trưởng trong các hoạt động dịch vụ ngành thủy sản mới chỉ bằng 50% (khoảng 8,7 % /năm).
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trong ngành thủy sản là:
– Đối với các hoạt động dịch vụ khai thác đánh bắt: Năm 2013 cả tỉnh có trên 5.314 chiếc tàu với công suất 950.065 CV và số tàu đánh bắt xa bờ có xu hướng đòi hỏi phải có các đội tàu dịch vụ phục vụ cho đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên hiện tại toàn tỉnh chỉ có một đội tàu dịch vụ hậu cần thủy sản với 47 chiếc (trung bình 01 tàu dịch vụ phục vụ cho trên 100 tàu đánh bắt). Do nhu cầu các dịch vụ cung cấp vật tư thiết bị, nhiên liệu, nước đá, phương tiện sơ chế, bảo hộ trên biển là rất lớn.
Tuy nhiên các hoạt động này còn nhiều hạn chế như việc cung cấp xăng dầu, nước đá, ngư cụ cho ngư dân còn quá cao, qua nhiều khâu trung gian, chất lượng thấp, số lượng còn quá ít so với nhu cầu của ngư dân, đặc biệt là khâu bảo quản các loại hải sản đánh bắt xa bờ, các đơn vị quốc doanh chưa làm tốt vai trò chủ đạo trong việc hướng dẫn, chuyển giao công nghệ về đánh bắt và sơ chế hải sản cho ngư dân, số lượng tàu đánh cá có tăng lên về số lượng, nhất là tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, có trang thiết bị tương đối hiện đại nhưng chưa đồng bộ. Các kỹ thuật bảo quản sản phẩm thủy sản sau đánh bắt chưa được tư vấn, trang bị đầy đủ, chủ yếu vẫn dựa vào những biện pháp thủ công nên tỷ lệ sản phẩm bị hư hỏng, thất thoát chiếm tỷ trọng từ 6-10% (đặc biệt là hải sản đánh bắt xa bờ), có tỷ lệ hư hỏng cao như: cua, ghẹ, thủy sâm (20-30%), hoạt động dịch vụ cung cấp các phương tiện, thiết bị, các loại nguyên liệu phục vụ cho khâu chế biến xuất khẩu còn rất hạn chế nên tỷ lệ sản phẩm hàng hóa xuất khẩu còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Các dịch vụ phụ trợ như: cung cấp các loại cá giống, tôm giống, cua giống, thuê máy bơm dầu tàu thuyền, tư vấn về thời tiết, khí hậu…vẫn chưa được đầu tư, quan tâm và thực sự trở thành một ngành kinh doanh chuyên nghiệp, chưa có chiến lược phát triển cụ thể lâu dài, còn mang tính tự phát, thời vụ là chủ yếu.
– Đối với khâu chế biến và tiêu thụ thủy sản: Năm 2009, Bà Rịa -Vũng Tàu có 65 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó có 57 nhà máy chế biến đông lạnh với công suất thiết kế là 126.480 tấn/năm; 07 nhà máy đông lạnh và khô, công suất 28.500 tấn/năm, 01 nhà máy đóng hộp công suất 10 triệu hộp/năm; tổng giá trị đạt khoảng 147 tỷ đồng, tỉnh có 160 cơ sở chế biến nội địa như nước mắm, chế biến khô, bột cá với công suất chế biến trung bình đạt khoảng 12 triệu lít/năm (nước mắm) và hơn 338.000 tấn/năm (các loại sản phẩm khác), tổng giá trị đạt 178 tỷ đồng (không kể nước mắm) đến năm 2012 toàn tỉnh có 169 doanh nghiệp chế biến hải sản. Nhưng trên thực tế năng lực sản xuất trong những năm qua chỉ đạt từ 40 – 60% công suất, nhiều sản phẩm chủ yếu là sơ chế chưa đủ khả năng xâm nhập thị trường Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản; hoạt động dịch vụ tìm kiếm thị trường tiêu thụ (Maketing) còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ am hiểu về dịch vụ quốc tế còn thiếu, non kém về chuyên môn; việc phân phối sản phẩm đánh bắt theo một mạng lưới chưa đồng bộ, dẫn đến lúc thừa lúc thiếu, tranh mua, tranh bán v.v… Mặt khác, các chính sách ưu đãi của Nhà nước về khuyến khích khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ thủy sản chưa thật cụ thể còn chung chung; việc đầu tư phát triển các cơ sở dịch vụ hậu cần như cảng cá, bến cá, các điểm thu mua còn chậm chạp, hiện đang nằm trong diện quy hoạch, hệ thống cửa sông, cửa biển, hệ thống luồng lạch nơi tàu cá ra vào không được nạo vét thường xuyên.
Trên vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu hàng năm thường xuyên bị ảnh hưởng của các sự cố như tràn dầu, rò rỉ các chế phẩm từ các giàn khoan dầu khí và các loại tàu dầu trong và ngoài nước, kể cả tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh. Những nguyên nhân cơ bản nêu trên đã ảnh hưởng lớn đến tổng giá trị sản xuất trong ngành thủy sản mà trước hết là các hoạt động dịch vụ phục vụ cho khai thác, nuôi trồng, chế biến của ngành thủy sản, ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế biển của Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nếu so sánh với Bình Thuận thì hiện nay toàn tỉnh có đội tàu khai thác khoảng 7.800 chiếc; trong đó, 2.000 tàu đánh bắt xa bờ, với tổng số tàu dịch vụ hậu cần là 133 tàu, phục vụ cho đánh bắt xa bờ, có 26 tổ dịch vụ hậu cần trên biển; nhờ có dịch vụ này mà chu trình sản xuất được liên tục, giảm nhiều chi phí trung gian, chất lượng sản phẩm được đảm bảo cho các cơ sở sản xuất và chế biến xuất khẩu.
Bà Rịa – Vũng Tàu có đội tàu 5.314 chiếc nhưng chỉ có 47 tàu dịch vụ. Do vậy giá trị sản xuất của ngành thủy sản nói riêng và toàn ngành nông – lâm – thủy sản nói chung còn quá thấp trong tỷ trọng của nền kinh tế địa phương.
Trả lời