Hải Phòng là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng giao lưu hàng hóa, thương mại trong nước và quốc tế đồng thời là sự tăng trưởng trong vùng kinh tế động lực phía Bắc, trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn có tác động lan tỏa, kéo theo sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên (cửa sông, giáp biển, nước sâu..), cảng Hải Phòng được hình thành và phát triển từ năm 1876 trong kế hoạch khai thác thuộc địa của Pháp. Đến đầu thế kỷ 20, cảng Hải Phòng đã có nhiều mối quan hệ gắn bó với các cảng lớn khác ở Đông Nam Á, châu Á, châu Đại Dương, Bắc Mỹ, ven Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và biển Bắc Âu. Tuy nhiên, quy mô của cảng vào thời kì đầu rất đơn giản, cơ sở vật chất chỉ bao gồm hệ thống 6 kho, hệ thống 6 cầu tầu có kết cấu trụ sắt mặt gỗ với tổng chiều dài 1640 m, và chiều rộng bến tàu bằng gỗ rộng 10m. Việc vận chuyển hàng hóa trong thời kì này chủ yếu bằng ô tô, máy kéo, xe ba gác, các loại hàng được xếp lên bằng cần cẩu.
Vào thời kỳ đổi mới, mở cửa để phát triển đất nước, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư tăng nhanh. Hệ thống cảng tại Hải Phòng đã phát triển khá mạnh, với các dự án cải tạo, nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn 1, giai đoạn 2 (cảng Chùa Vẽ) và mở rộng cảng ra khu vực Đình Vũ.
Đến nay, cảng Hải Phòng là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn thứ 2 ở Việt Nam và lớn nhất miền Bắc, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam nằm tại thành phố Hải Phòng. Cảng Hải Phòng cùng với Cảng Sài Gòn là 1 trong 2 hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam, hiện đang được Chính Phủ nâng cấp. Cảng Hải Phòng nằm trên tuyến đường giao thông trên biển, kết nối Singapore với Hồng Kông và các cảng của Đông Á và Đông Bắc Á, chiếm một vị trí kinh tế quan trọng, nối liền các khu vực kinh tế, các trung tâm công nghiệp của cả nước.
Cụm Cảng Hải Phòng hiện nay bao gồm các khu bến cảng chính như: Cảng Vật Cách; Cảng Hải Phòng; Cụm cảng Đình Vũ; Cảng Transvina; Cảng Đoạn xá; Cảng Cửa Cấm; Cảng Green Port; và nhiều cảng nhỏ khác nữa. Trong đó Cảng Hải Phòng lại bao gồm: Xí nghiệp xếp dỡ Hoàng Diệu, Xí nghiệp xếp dỡ Chùa Vẽ, Xí nghiệp xếp dỡ Tân Cảng, Bến nổi Bạch Đằng, Vịnh Lan Hạ, Vùng neo Hạ Long, và Trạm hoa tiêu. Còn cụm cảng Đình Vũ bao gồm Cảng Đình Vũ, cảng PTSC Dầu khí Đình Vũ và cảng Hải An.
Ngoài ra, cụm cảng Hải Phòng còn có hơn 20 khu bến cảng nhỏ khác với các chức năng khác nhau, như vận tải chất hóa lỏng (xăng, dầu, khí đốt), các bến cho tàu vận tải đường sông nhỏ có trọng tải 100-200 tấn. Các cảng này do nhiều công ty khác nhau quản lý và khai thác.
Các đặc trưng cơ bản về cơ sở vật chất kỹ thuật của cụm cảng Hải Phòng được trình bày trong Bảng 2.1 như sau:
Các dịch vụ chính tại các cảng ở Hải Phòng bao gồm: Bốc xếp, giao nhận, lưu giữ hàng hóa; Lai dắt, hỗ trợ tàu biển; Kinh doanh kho bãi; Trung chuyển hàng hóa, container quốc tế; Dịch vụ vận tải; Dịch vụ logistics phục vụ container đường sắt; Dịch vụ đóng gói, vận tải hàng hải đường bộ, đường sông; Đại lý tàu biển và môi giới Hàng Hải; Các dịch vụ căn cứ hậu cần phục vụ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí; cung cấp dịch vụ vận tải và các hoạt động hỗ trợ vận tải…Ngoài ra còn cung cấp các dịch vụ container lạnh; Dịch vụ vận tải container nội địa và tiếp vận; Dịch vụ sửa chữa và cho thuê container…
Những năm gần đây, hệ thống cảng biển Hải Phòng không ngừng được đầu tư chiều sâu, cải tạo, mở rộng và phát triển nhanh chóng, tuy nhiên hạn chế lớn nhất đối với các cảng khu vực Hải Phòng là vấn đề sa bồi luồng tàu vùng cửa biển, ít nhiều làm giảm tính hấp dẫn cảng khu vực. Có thể nói vấn đề này đang làm giảm hiệu quả kinh tế của các cảng biển khu vực này. Sự sa bồi luồng tàu khiến cho việc ra vào neo đậu của các tàu, nhất là tàu có trọng tải lớn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chi phí cho việc này không hề nhỏ, lại đòi hỏi thiết bị, công nghệ hiện đại. Vì thế, nhiều năm qua, thành phố Hải Phòng vẫn chưa khắc phục được vấn đề này, tình trạng các cảng mới xây xong đã bị sa bồi vẫn xảy ra.
Cơ sở vật chất kỹ thuật các cảng khu vực Hải Phòng đã được cải thiện, trong đó phải kể đến các khu bến do các xí nghiệp xếp dỡ thuộc Công ty TNHH MTV cảng Hải Phòng, Công ty cổ phần cảng Đình Vũ… phụ trách đều đã được đầu tư bổ sung nhiều thiết bị xếp dỡ chuyên dùng hiện đại, nâng công suất giải phóng tàu hàng container tăng gấp hơn 2 lần trước đây. Tuy nhiên, quá trình đầu tư nâng cấp thiết bị vẫn chưa diễn ra đồng bộ, công nghệ xếp dỡ nhìn chung vẫn lạc hậu hơn so với thế giới, năng suất thấp, nhiều thiết bị xếp dỡ có tuổi cao, có chiếc đã được sử dụng trên 30 năm nhưng vẫn chưa có kế hoạch thay thế thiết bị, dẫn tới các vấn đề về năng suất và an toàn lao động.
Hệ thống kho bãi của các cảng thuộc cụm cảng Hải Phòng cũng trong tình trạng già cỗi và thiếu sự đầu tư đúng mức. Có những kho chứa hàng bách hóa có tuổi trên 30 năm và đang trong tình trạng sập xệ. Các bãi chứa container trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu hàng khiến cho việc khai thác hàng container hay bị ứ đọng và ùn tắc ở các khu vực xung quanh cảng.
Bên cạnh đó, các cảng khu vực Hải Phòng cũng chưa đủ năng lực tổ chức và hoạt động tiếp thị quốc tế để thu hút hàng trung chuyển container. Tình trạng thừa cảng nhỏ nhưng thiếu cảng lớn đáp ứng tàu chuyên dụng và tàu có trọng tải lớn là nỗi lo của toàn ngành hàng hải nói chung. Việc xây dựng và đầu tư tràn lan các cảng nhỏ mang đến các vấn đề bất cập về quản lý, khai thác và cạnh tranh. Đơn cử trong khu vực cảng Hải Phòng thời gian trước đây chỉ có một cảng và do một đơn vị quản lý, thì nay, ở bán đảo Ðình Vũ và toàn bộ khu vực Hải Phòng có tới 28 cảng và do nhiều đơn vị quản lý khác nhau. Nguyên nhân chính là do nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực cảng biển còn dàn trải, không đồng bộ, thiếu quy hoạch định hướng phát triển lâu dài dẫn đến các hạn chế trong lĩnh vực đầu tư phát triển cảng.
Trả lời