Tại Việt Nam, vấn đề thành lập thị trường chứng khoán từ lâu đã được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Ở miền Nam Việt Nam, từ tháng 7 năm 1963, bản phúc trình về vấn đề thiết lập thị trường chứng khoán tại Sài gòn do giáo sư Vũ Quốc Thúc, Trưởng khoa Luật, Viện đại học Sài gòn trình bày đã chỉ rõ sự cần thiết và khả năng hình thành một thị trường chứng khoán ở Sài gòn. Theo bản phúc trình này, mô hình thị trường chứng khoán của Việt Nam lúc đầu chỉ cần 10 nhà môi giới với 10 công ty ngoại quốc đang hoạt động ở Việt Nam như hãng BGI, Công ty kỹ nghệ tơ sợi, Công ty Vĩnh Hảo, Công thương ngân hàng…. Mô hình này sẽ được phát triển và mở rộng dần theo tốc độ phát triển của nền kinh tế. Đáng tiếc là đề án này bị hoãn lại và bị rơi vào quyên lãng do chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ.
Tiếp theo các nỗ lực của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm hình thành thị trường chứng khoán, ngày 16 tháng 2 năm 1973, Thủ tướng Chính phủ của chính quyền Sài gòn đã ký sắc lệnh số 027 SL/ThT/PC2 về thị trường chứng khoán và các quy định có liên quan đến ngành môi giới chứng khoán. Theo sắc lệnh, một Uỷ ban chứng khoán quốc gia sẽ được thiết lập để “điều chỉnh các thủ tục có liên quan đến hoạt động mua ban, phân phối và bao tiêu chứng khoán, kiểm soát các hoạt động này trong khuôn khổ bảo vệ các khoản tiền tiết kiệm của công chúng đầu tư ” [109, p.4/19]. Cơ cấu của Uỷ ban chứng khoán quốc gia bao gồm: Bộ trưởng Tài chính (Chủ tịch), Thống đốc ngân hàng quốc gia và bốn chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng.
Đến tháng 2 năm 1974, các ý tưởng về vấn đề thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam của ngân hàng quốc gia Việt Nam. Cũng trong năm này, một công trình nghiên cứu nghiêm túc và tương đối dài hơi của Tiến sỹ Sidney N. Robbins, giáo sư tài chính học, Đại học Columbia với sự cộng tác của ông Nguyễn Bích Huệ, trợ lý đặc biệt của Thống Đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam và ông Charles C. Munroe III, cựu chuyên viên môi giới của Công ty chứng khoán Sutro & Co đã được công bố [123, p.1-212].
Công việc chuẩn bị triển khai xây dựng thị trường chứng khoán tại Việt Nam đang được tiến hành khoản trương thì đến 30/4/1975, Chính quyền Sài gòn sụp đổ. Một lần nữa, đề án thành lập thị trường chứng khoán phải bị khép lại vì đó là một định chế xa lạ với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung thời bấy giờ của Việt Nam.
Kể từ khi đoạn tuyệt với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, xuất phát từ tầm quan trọng nhiều mặt của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế thị trường. Chính phủ đã bắt đầu hoạch định chiến lược thiết lập một thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Ngay từ đầu của những năm 1990, nhiều đoàn công tác của Chính phủ đã được cử đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xây dựng thị trường chứng khoán ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Cũng trong thời gian này, cùng một lúc, Chính phủ đã giao cho Bộ tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, xây dựng đề án hình thành thị trường chứng khoán và trình chính phủ xem xét. Trên cơ sở các khuyến nghị của hai đề án của hai ngành này, vào năm 1994, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo soạn thảo Pháp lệnh về thị trường chứng khoán gồm đại diện cuả Bộ tài chính, Bộ tư pháp, Ngân hàng Nhà nước…. để soạn thảo một số văn bản pháp quy có liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán trên thị trường. Một năm sau, năm 1995, Chính phủ quyết định thành lập Ban chuẩn bị tổ chức thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng cho thị trường chứng khoán chỉ được đẩy nhanh khi vào năm 1996, Chính phủ ban hành nghị định 75/1996/NĐ-CP thành lập SSC, một tổ chức độc lập, chịu trách nhiệm xây dựng các tiền đề cần thiết để hình thành và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù, cho trước thời điểm khai trương, vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm thích hợp cho sự ra đời của thị trường chứng khoán vì “từ góc độ bảo đảm an toàn và sự thành công của cuộc thử nghiệm…chưa thể nói các điều kiện đã được chuẩn bị là hoàn chỉnh và đầy đủ” [5, tr.10], ngày 20 tháng 7 năm 2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSTC) – mô hình thủ nghiệm, bước đệm cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VSE) trong tương lai – đã được chính thức khai trương, đánh dấu một bước khởi đầu quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam.
Trả lời